Thứ 6, 03/05/2024, 11:49[GMT+7]

Mầm xanh vươn trên đất cằn

Thứ 2, 08/06/2015 | 07:54:50
1,273 lượt xem
Hai học trò nghèo, không may mắn, đằng sau các em là câu chuyện dài về quá trình vượt khó vươn lên. Hai em thực sự là những “mầm xanh” vươn trên “đất cằn”, mang đến cho chúng ta suy ngẫm về nghị lực và sự sẻ chia trong cuộc sống…

Bùi Thành Công, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Hoa Lư.

Là một học sinh tiêu biểu, trước các bạn trong lớp Bùi Thành Công, lớp 5A, Trường Tiểu học Hoa Lư (Đông Hưng) luôn là người hòa đồng, mạnh mẽ. Nhưng khi chia sẻ về gia đình và những ước mơ, em lại trở nên rụt rè và dễ xúc động. Trong ký ức của cậu bé 10 tuổi, nỗi đau, sự mất mát còn “đậm” hơn kỷ niệm vui, sự hồn nhiên của tuổi học trò. Năm 2014, khi căn nhà tình thương dành cho gia đình em mới xây xong chưa được bao lâu thì căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi người mẹ của em. Trước đó, năm Công 2 tuổi, chị gái em bị bệnh tim bẩm sinh cũng đã ra đi.

Không còn cha, mẹ, chị gái, ông bà ngoại cũng không còn, gia đình cậu, mợ lại rất khó khăn, khó có điều kiện nuôi cháu ăn học, trước hoàn cảnh đó, chính quyền địa phương, nhà trường, Đoàn Thanh niên xã Hoa Lư và bà con hàng xóm đã quyên góp ủng hộ, giúp đỡ Công trong cuộc sống cũng như học tập. Hiện nay, hàng tháng, Công được Đoàn Thanh niên xã tới thăm và mang gạo giúp đỡ em; ngoài ra em còn được một công ty ở địa phương nhận đỡ đầu cho tới khi 16 tuổi và được nhà trường miễn hoàn toàn học phí. Trong căn nhà vẫn thơm mùi vôi vữa nhưng thiếu hơi ấm tình thân, Công ở một mình, thi thoảng em sang nhà cậu mợ hoặc ngược lại. Dù hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng Bùi Thành Công vẫn học rất tốt, trong đó Toán là môn em nổi trội hơn cả, năm nào cũng là học sinh giỏi của trường. Cô giáo Phạm Thu Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A cho biết: Chôn chặt những buồn đau, Công luôn ý thức và cố gắng học hành chăm chỉ để những người đang cưu mang, giúp đỡ em vui lòng. Ngoài ra, em còn tích cực tham gia các phong trào của đội, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt.

Tới Trường Tiểu học Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ), chúng tôi được nghe kể nhiều về Nguyễn Văn Huân, học sinh lớp 5B với sự ngưỡng mộ, tự hào và khâm phục bởi tinh thần vượt khó, học giỏi. Nhiều năm liền, Huân là học sinh giỏi của trường, của huyện; năm học 2014 - 2015, em đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia cuộc thi giải tiếng Anh qua mạng internet. Sinh ra trong gia đình thuần nông, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhà Huân có 4 khẩu nhưng chỉ có hơn 2 sào ruộng; bố mẹ em khi thì đi cấy, làm cỏ, bẻ ngô thuê, khi thì đi thu mua phế liệu hoặc nhận trông xe cho các gia đình có đám hiếu, hỷ. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi cả hai bố mẹ Huân đều mang bệnh: mẹ em bị sỏi thận, đau dạ dày, cao huyết áp còn bố em - trụ cột gia đình thì thoái hóa đốt sống lưng, viêm phế quản mãn tính, không làm được việc nặng. Bao nhiêu tiền của tích cóp được đều dành cho những đơn thuốc của bố mẹ. Căn nhà gia đình Huân đang ở được cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con họ hàng, làng xóm giúp đỡ xây dựng. Giữa trưa nắng tháng 5, nghe tin có người tới thăm nhà, anh Nguyễn Văn Thường, bố Huân đang đi mua phế liệu ở Ninh Giang (Hải Dương) lóc cóc đạp xe về tiếp chuyện. Sự vất vả, nhọc nhằn vì bệnh tật và cuộc sống mưu sinh của người cha được động viên, an ủi bởi tình yêu thương và tự hào về con trai mình. Anh Thường cho biết: Tuy cuộc sống gia đình khó khăn nhưng hai cháu rất ngoan. Cháu lớn Nguyễn Thị Phượng hiện đang là sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, vừa học vừa đi làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống, còn Huân luôn là học sinh giỏi của Trường Tiểu học Quỳnh Lâm.

Nguyễn Văn Huân, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Quỳnh Lâm.

Nói về môn học mà mình yêu thích, Huân cho biết: Em được học tiếng Anh từ lớp 1, ban đầu chỉ là thích những hình ảnh minh họa sinh động trong mỗi bài học. Dần dần, em thích khám phá những từ mới, những cấu trúc, cách phát âm… trong tiếng Anh. Sức hút đó đã giúp Huân tiếp cận với tiếng Anh nhanh hơn. Anh Nguyễn Quý Thương, giáo viên, Tổng phụ trách Liên đội Trường Tiểu học Quỳnh Lâm kể: Năm Huân học lớp 2, thầy giáo dạy tiếng Anh chuẩn bị 5 đề kiểm tra, dự kiến sẽ trải đều trong 5 tiết học. Vậy mà chỉ 5 phút sau Huân đã hoàn thành đề kiểm tra thầy giao. Muốn kiểm tra khả năng của em, thầy giáo đã giao cho Huân cả 5 đề. Sau nửa tiếng, em hoàn thành cả 5 đề với số điểm tuyệt đối. Hứng thú trong từng tiết học, về nhà, Huân được chị gái là học sinh giỏi tiếng Anh hướng dẫn thêm. Khi chị đi học cũng là lúc Huân làm quen và say mê giải tiếng Anh qua mạng internet. Vì gia đình khó khăn, không có máy tính nên ngoài bảo đảm thời gian các tiết học trên lớp, Huân tranh thủ lên phòng máy vi tính của nhà trường để học hỏi và giải tiếng Anh. Sự chăm chỉ, tinh thần hiếu học của em đã mang lại kết quả. Năm học 2014 - 2015, Huân đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia môn giải tiếng Anh qua mạng internet với số điểm 1580 (vượt 90 điểm so với điểm chuẩn). Sống trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng chuyện học tập, sinh hoạt không bao giờ em để bố mẹ và chị gái phải nhắc nhở. Mọi người ai cũng nhận thấy Nguyễn Văn Huân là cậu bé có nghị lực vượt khó, ý chí ham học hỏi những điều hay, điều mà bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng mong muốn ở con mình. Nhìn con học bài và những kết quả con đạt được, giọt nước mắt tự hào mẹ em lăn dài trên má. Chị ngậm ngùi: Thấy các cháu sáng dạ, thông minh tôi cũng mừng nhưng cuộc sống còn khó khăn quá…

Bùi Thành Công, Nguyễn Văn Huân chỉ là 2 trong số nhiều đội viên ở tỉnh ta có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi em có một hoàn cảnh, một số phận, cuộc sống thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng các em luôn quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống, trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Với Công, em ước mơ trở thành người chiến sĩ công an nhân dân, còn Huân thì muốn trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh  để truyền đạt kiến thức cho các em nhỏ ở những vùng quê còn khó khăn. Để hiện thực hóa ước mơ, không chỉ có nghị lực của các em mà còn cần lắm sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng.

Xuân Phương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày