Thứ 6, 03/05/2024, 15:56[GMT+7]

Từ công nhân trở thành chủ 2 cơ sở may

Thứ 6, 12/06/2015 | 08:15:30
1,719 lượt xem
Sau bao năm bôn ba xứ người làm công nhân may, chị Lê Thị Lam trở về quê chồng, xã An Ninh (Quỳnh Phụ) mở xưởng may, tạo việc làm cho hàng chục chị em trong xã. Ở tuổi 27, chị đã trở thành bà chủ của 2 cơ sở may với doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm là điển hình trong phong trào thi đua “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng Giấy khen.

Cơ sở may xuất khẩu của gia đình chị Lê Thị Lam tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Chị Lam quê ở Thanh Hóa, do cuộc sống khó khăn nên phải bỏ học giữa chừng đi làm công nhân may, rồi bén duyên với anh Tuệ người Quỳnh Phụ. Hết thời gian nghỉ thai sản, chị phải để con nhỏ ở nhà nhờ bố mẹ chồng chăm sóc, tiếp tục đi làm may xa nhà. Thương con nhỏ thiếu sự chăm bẵm, nâng niu của bố mẹ, thương bố mẹ chồng già yếu, vất vả sớm hôm, chị Lam băn khoăn, trăn trở tìm cho mình một công việc phù hợp, vừa được ở gần con, chăm sóc được bố mẹ chồng vừa đạt được mục đích đưa gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. “Suy đi tính lại thì mở cơ sở may tại quê nhà sẽ phát huy được kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn với nghề của cả hai vợ chồng là hiệu quả nhất, lại có thể giúp đỡ được nhiều chị em có hoàn cảnh giống mình” - Chị Lam tâm sự.

Năm 2010, với 200 triệu đồng tiền dành dụm được và vay của ngân hàng, bạn bè, người thân, chị Lam cùng chồng mở cơ sở may xuất khẩu Tuệ Lam có diện tích 120m2 ở cạnh nhà. Ban đầu, cơ sở gặp nhiều khó khăn do số lượng máy may ít, tay nghề công nhân chưa cao, lượng hàng nhận gia công chưa nhiều, thu nhập bình quân của người lao động chỉ từ 1 - 1,2 triệu đồng/người/tháng. Sau một thời gian, do luôn đặt chữ tín và chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nên các công ty đặt hàng với cơ sở ngày càng nhiều, thu nhập của công nhân cũng tăng, đạt từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Nhiều chị em trong xã thấy công việc nhẹ nhàng, gần nhà, thu nhập cũng cao đã đến cơ sở xin việc. Chị nào có tay nghề được tiếp nhận vào làm ngay, những người chưa có tay nghề chị Lam tổ chức dạy nghề miễn phí và hỗ trợ tiền ăn mỗi ngày 37.000 đồng/người trong vòng 2 tháng. Chị còn đầu tư mua thêm 15 máy may để sau khóa học chị em có việc làm ngay. Bản thân chị Lam phải đi giao dịch trong và ngoài tỉnh, nhận hàng may gia công về bảo đảm công việc ổn định cho chị em. Đơn đặt hàng nhiều nên đầu năm 2014, chị mở cơ sở may thứ hai tại xã An Quý với 15 máy may, thuê thêm 20 công nhân, nâng tổng số máy may lên 50 chiếc, tạo việc làm cho 50 người với mức thu nhập bình quân từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Ninh cho biết: “Dù tuổi đời còn trẻ, lại làm dâu xứ người nhưng chị Lê Thị Lam đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sớm trở thành chủ của 2 cơ sở may, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, văn hóa văn nghệ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, nhiều năm liền được công nhận “Gia đình văn hóa”.

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày