Thứ 6, 03/05/2024, 19:17[GMT+7]

Người nuôi cá trên sông Hồng

Thứ 2, 22/06/2015 | 09:02:14
2,103 lượt xem
Ngoài mùa lũ, con sông Hồng rất hiền hòa. Thỉnh thoảng có cơn gió đem theo hơi nước thổi vào mát rượi. Ngồi trên bè cá lồng, bốn bề là nắng, là gió, là nước… để nghe câu chuyện của một người cũng khá đặc biệt, không hề biết giấu quá khứ, dù rằng quá khứ ấy chẳng có gì đáng phải nhớ, vậy mà ông vẫn kể, bởi theo ông: “Đừng bao giờ quên quá khứ, để không đi vào vết xe đổ, đi vào cái bóng đen tối của mình”. Ông là Phạm Đình Chiểu, sinh năm Ất Tỵ, hiện là chủ cá lồng trên sông Hồng, quê xã Vũ Đo

Lồng cá của gia đình ông Phạm Đình Chiểu.

Ông cụ thân sinh ra tôi có cả thảy tám người con, mất một còn bảy, tôi là thứ năm trong gia đình - Phạm Đình Chiểu bắt đầu câu chuyện với tôi từ một quá khứ xa xôi như vậy. Bố tôi từng đi bộ đội đánh Pháp, rồi đánh Mỹ, sau giải ngũ về địa phương cụ lại tình nguyện vào thanh niên xung phong. Anh cả Phạm Bùi Hoàn, anh thứ Phạm Bùi Phiếm cũng theo gương cha lên đường nhập ngũ. Tháng 3/1983, tôi vào bộ đội, nhận công tác tại Bộ Tư lệnh cảnh vệ. Sau hơn 3 năm thực hiện nghĩa vụ, tháng 6/1986 tôi trở về địa phương. Lúc này, đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới, cuộc sống vẫn còn hết sức khó khăn. Lính giải ngũ như tôi rất khó tìm được việc làm để mưu sinh. Rồi bạn bè rủ đi đào vàng ở Lai Châu. Năm, sáu năm lăn lộn trên đó, nếm đủ mùi đắng cay, tủi nhục, kiếm được tí vốn, năm 1991 tôi về quê lấy vợ, sau đó lại lên bãi vàng 3 năm nữa. Vàng đâu chẳng thấy chỉ thấy mình nghiện thuốc phiện từ lúc nào không hay.

Gom góp được ít tiền về quê mua chiếc công nông đầu dọc chạy kiếm ăn nhưng vì nghiện quá nên bán cả xe nướng vào “nàng tiên nâu”. Con gái đầu lòng được 16 tháng tuổi mà trong nhà không còn gì để ăn. Lúc này, ông Nguyễn Tài Dương làm Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài bảo: Cậu ra đấu cái trại tằm bỏ hoang mà cải tạo lại, làm được cái gì để sống thì làm. Khi ra đấu, cái khu đất ấy có tới bảy cái hố bom của Mỹ. Diện tích 17 mẫu 6 sào, mức đấu 17.000 đồng/sào, rủ mấy người trong làng cùng đấu nhưng không ai dám vì quá mạo hiểm. Tôi mượn bảy cái nhà của anh em làm tài sản thế chấp, vay được 28 triệu đồng để đấu thầu. Chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì, đành tạm cấy lúa hom vào ao để có cái ăn. Trời mưa tháng 3 đi tuốt lúa hom về giã nấu bột cho con ăn. Lúc này đã hết nghiện nhưng tiền kiếm được ở bãi vàng cũng không còn.

Năm 1996, một tập đoàn kinh tế của Mỹ sang ký hợp đồng trồng 3 mẫu hướng dương để làm dầu long não. Người của 36 huyện trong và ngoài tỉnh về tham quan thấy hoa hướng dương nở bông rất to, hy vọng một mô hình nhiều khả quan. Sau này mở rộng ra 7 mẫu để làm cây dược liệu, không biết nghề thì đi học, lại khăn gói lên Viện Di truyền học ở Hà Nội học 3 tháng về làm, sau này thì trồng thêm cây hòe. Năm 2001, phong trào trồng cây cảnh phát triển, lại đầu tư 7,5 cây vàng làm giống cây cảnh, rồi cũng thất bại. Chuyển sang nuôi gà quy mô lớn, mỗi ngày đưa hàng tạ thịt ra thị trường. Đến năm 2009, con gà giống bấp bênh, thua lỗ cả trăm triệu đồng, lại thêm một lần nữa trắng tay. Nghe bạn bè giới thiệu bên Hải Dương có mô hình nuôi cá lồng, lại khăn gói sang tận nơi để xem người ta nuôi thế nào. Hay thì rất hay, hiệu quả kinh tế đấy nhưng lấy đâu ra tiền để làm lồng cá, rồi đầu ra thế nào? Đúng vào lúc bế tắc thì như duyên kỳ ngộ, gặp được anh bạn ở huyện Hải Hậu (Nam Định) hứa sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Sau khi thuyết phục huyện cho phép nuôi cá lồng trên sông Hồng, ban đầu đóng 24 lồng hết 1,7 tỷ đồng, phải kêu gọi bạn bè giúp đỡ. Sau làm ăn được, nâng dần số lồng lên 52, mỗi lồng có diện tích 36m2, dung tích nước 108m3. Thả 60 - 70 nghìn con cá diêu hồng, 4.000 con cá lăng giống, nuôi 18 tháng được 10 tấn cá. Bình quân mỗi lồng bây giờ có 5 tấn cá, một tháng phải chi 2 tỷ đồng tiền giống, thức ăn, vị chi một năm “ném” vào đó gần 30 tỷ đồng. Để chắc ăn, Phạm Đình Chiểu nghiên cứu nhập con giống từ Đài Loan, Thái Lan, có khả năng thích nghi với điều kiện sông nước. Bây giờ, ông đang có số vốn và tài sản kha khá, có thể xếp vào hàng tỷ phú. Khi đã thành công, ông lên Lai Châu, không phải “ngựa quen đường cũ”, không đi tìm thuốc phiện mà tìm gặp bạn bè cùng cảnh ngộ năm xưa, giúp họ trở lại con đường làm ăn chân chính. Đến nay cũng đã có 20 lồng cá trên sông Đà, cạnh cầu Hang Tôm, ngay ở trung tâm thị xã Lai Châu.

Từ một người nghiện, Phạm Đình Chiểu đã “lột xác” trở lại nguyên vẹn là con người hiền lành, lương thiện như cha mẹ sinh ra. Hiện tại, ngoài mấy chục lồng nuôi cá trên sông Hồng, Phạm Đình Chiểu còn có một trang trại chăn nuôi lợn, hai ao cá nước ngọt. Hỏi tổng vốn liếng, tài sản có bao nhiêu, Chiểu chỉ cười hiền, không trả lời mà đưa ra sự so sánh rất thực tế: Bán một cân cá, mua được 3 cân lợn hơi; con cá chết thì không tiếc nhưng con lợn còi chết thì tiếc đứt ruột, có phi lý không? Hiện tại, tôi thuê 4 lao động chuyên trông nom bè cá. Hai đứa con cũng đã trưởng thành: con gái lớn sinh lúc bố mắc nghiện hiện đang lao động ở Nhật Bản; con trai út chuẩn bị đi du học ở Nhật Bản.

Trước lúc chia tay, Phạm Đình Chiểu nhắc lại câu nói: “Nhớ quá khứ mà tránh và để con cái mình không bị vấp ngã”... Đàn cá diêu hồng trong lồng nhảy lao xao đớp thức ăn, làm tung những giọt nước trắng xóa trong nắng chiều tháng sáu.

Phạm Viết Thanh
(Thành phố Thái Bình)


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày