Thứ 6, 03/05/2024, 04:15[GMT+7]

80 tuổi đời và hơn 4 vạn trang sách

Thứ 5, 03/09/2015 | 16:18:44
1,721 lượt xem
Hơn 4 vạn trang sách - con số không hề nhỏ, đặc biệt đối với một tác giả địa phương. Nhưng nếu trực tiếp gặp gỡ cây bút ấy thì điều ấn tượng với bất cứ độc giả nào, chắc hẳn không chỉ có thế. 80 tuổi, hàng ngày ông vẫn cần mẫn, miệt mài đi thực tế trên mọi nẻo đường để rồi tìm ra những tấm gương người tốt, việc tốt và ngợi ca những bông hoa đẹp của cuộc đời. Ông là Nguyễn Dương An.

Lãnh đạo Bộ Tài chính trao Bằng khen cho tác giả Nguyễn Dương An tại lễ trao giải cuộc thi viết về ngành Tài chính.

 

Đến Thư viện tỉnh những ngày đầu tháng 7, một không khí náo nức, rộn ràng. Ngay từ cổng vào, điều thu hút bất cứ độc giả nào là những cuốn sách khổ lớn được trưng bày. Tất cả đều đến từ tác giả Nguyễn Dương An. Những khổ sách đặc biệt ấy là bản Thư viện tỉnh đã mang đi tham dự hội thi cán bộ thư viện tuyên truyền, giới thiệu sách toàn quốc năm 2015. Bao ngày tập luyện, chuẩn bị xen lẫn hồi hộp và cả hào hứng, tự tin! Bởi dường như, những cuốn sách của tác giả Nguyễn Dương An rất có duyên với những cuộc thi!

 

Còn nhớ năm 2003, lần đầu tiên Thư viện tỉnh tham dự hội thi cán bộ thư viện tuyên truyền, giới thiệu sách toàn quốc. Sau nhiều lựa chọn, bà Lê Thị Thanh Đài, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh trăn trở: Tại sao không giới thiệu với cả nước một cuốn sách ngợi ca quê hương Thái Bình do chính người Thái Bình viết. Vậy là cuốn sách “Những bông hoa đẹp Thái Bình thời kinh tế thị trường” trở thành tác phẩm đầu tiên của ông Nguyễn Dương An đến với cuộc thi toàn quốc này. Không phụ công tác giả và những cán bộ tâm huyết với nghề của Thư viện tỉnh, năm ấy, “Những bông hoa đẹp Thái Bình thời kinh tế thị trường” đã mang về giải nhất. Sau đó, “Thái Bình thời đổi mới” là cuốn sách tiếp theo của ông Nguyễn Dương An đến với cuộc thi này và cũng đã mang về niềm vui, niềm vinh hạnh lớn lao cho những cán bộ Thư viện tỉnh. Năm nay, với chủ đề “Việt Nam - Đất nước - con người”, tham dự hội thi cán bộ thư viện tuyên truyền, giới thiệu sách toàn quốc, những cán bộ Thư viện tỉnh đã mạnh dạn lựa chọn bộ 3 tác phẩm: “Thái Bình làm theo lời Bác”, “Thái Bình thời đổi mới” và “Giữa rừng hoa đẹp”. Thế là, trong 4 năm dự thi thì đây là năm Thư viện tỉnh có nhiều niềm vui nhất khi vinh dự được trao giải A toàn đoàn và giải năng khiếu của hội thi.

 

Bởi vậy mà bà Lê Thị Thanh Đài, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, người trực tiếp mang những cuốn sách của tác giả Nguyễn Dương An đến với những cuộc thi toàn quốc đã nhận xét: Đây là cây bút “tóc trắng mà đời còn xanh mãi”.

 

Những năm qua, 18 đầu sách của tác giả Nguyễn Dương An, cả xuất bản lần đầu và tái bản, đều được Thư viện tỉnh lưu trữ tại Phòng Địa chí. Đây là điều hiếm có đối với một tác giả địa phương. Những thông tin hữu ích, những tấm gương người tốt, việc tốt đã được ông phản ánh nhanh nhạy, kịp thời. Bởi vậy, cũng dễ hiểu khi hơn 4 vạn cuốn sách đã đến tay bạn đọc khắp cả nước.

 

Cuộc đời cầm bút

 

 

Đến thăm ông Nguyễn Dương An vào đúng dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi như cùng vỡ òa trong niềm vui, niềm hạnh phúc với người đàn ông đã bao năm tự gắn cuộc đời mình với nghiệp cầm bút. Ngôi nhà bé nhỏ, đơn sơ của ông rộn rã tiếng nói, tiếng cười. Họ là những độc giả thân thiết, những người con, người cháu vì cảm phục niềm say mê, lòng nhiệt thành với những trang viết của ông mà tìm đến. Và thế là, bỗng chốc, ông cũng như trẻ lại khi được hàn huyên, tâm sự với độc giả của chính mình bao kỷ niệm về những trang viết đã qua, cùng với đó là bao dự định về những trang viết sắp tới.

 

Là người con trưởng thành cùng bao trang viết của cha mình, anh Nguyễn Thanh Hà tâm sự: Bởi tuổi cha đã cao nên các con luôn mong muốn ông tạm gác lại sách bút để tận hưởng cuộc sống tuổi già an nhàn, thảnh thơi. Nhưng cái tâm, niềm đam mê với những trang viết khiến cho ông Nguyễn Dương An chẳng thể nghỉ ngơi. Ông chỉ bảo các con đừng lo lắng bởi còn sức khỏe thì ông còn cống hiến, còn ngợi ca những việc làm hay, những tấm gương đẹp.

 

Cũng có lẽ bởi người cha dù tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài tô thắm thêm những bông hoa đẹp cho cuộc đời mà những người con của ông Nguyễn Dương An luôn tự rèn luyện bản thân. Có người đã trở thành cán bộ chủ chốt trong cơ quan nhà nước, có người là giáo viên, là kỹ sư... Dù làm công việc nào thì họ cũng luôn được đồng nghiệp yêu mến, kính trọng. Vậy là, bên những tấm gương sáng, ông Nguyễn Dương An cũng tự hào góp phần bé nhỏ của mình với những người con, người cháu thành đạt.

 

Tuổi đã cao, mỗi ngày lại cùng chiếc xe đạp cũ, ông thong dong trên khắp  nẻo đường. Để rồi, sau mỗi chuyến đi ấy, những trang viết lại ra đời. Không cầu kỳ, khoa trương, ông kể lại thật giản dị, chân thành những điều mắt thấy, tai nghe, ngợi ca bao việc làm hay, bao tấm gương đẹp. Những bài viết của ông đến với độc giả qua những tờ báo Đảng như Báo Nhân Dân, Báo Thái Bình , Thời báo Tài chính và qua cả những trang sách, những tác phẩm tâm huyết đã được trao bao giải thưởng của tỉnh, của quốc gia. Và có lẽ, hơn cả những giải thưởng là việc những tác phẩm của ông đã góp phần thiết thực vào các phong trào của địa phương. Ông Nguyễn Danh Tuyên, Tổ trưởng tổ dân phố 38, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình chia sẻ: Đọc cuốn sách “Giữa rừng hoa đẹp” thật xúc động bởi thấy mọi người ở vùng quê nhiều thiếu thốn mà đã cùng nhau quyên góp xây dựng nông thôn mới khang trang. Vậy cớ gì mà mình ở giữa thành phố lại không thể cùng nhau đóng góp. Nhờ ảnh hưởng tốt đẹp của những tấm gương người tốt, việc tốt mà ông An ca ngợi, tổ dân phố 38 đã cùng quyên góp để tu sửa, mua sắm những vật dụng thiết yếu như bộ loa, âm li cho hội trường văn hóa của phường.

 

Những bông hoa đẹp

 

 

Tác giả Nguyễn Dương An và ước mơ đưa văn hóa đọc về cơ sở.

 

Trong cuốn sách “Giữa rừng hoa đẹp”, xuất bản năm 2015, tác giả Nguyễn Dương An đã ngợi ca nhiều bông hoa đẹp, đó là những tấm gương vượt lên số phận khiến bao độc giả ngưỡng mộ, cảm phục. Không thể không kể đến giữa rừng hoa đẹp ấy là một chàng trai với thân hình bé nhỏ cùng đôi chân khuyết tật, đi chẳng vững: Anh Lại Văn Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật (xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương). Về thăm cơ ngơi của anh, nhìn những công nhân mà anh tận tay đào tạo cùng những sản phẩm được làm ra bởi chính bàn tay, khối óc của những con người chịu nhiều thiệt thòi mới càng thấu hiểu sự cảm phục và trân trọng mà tác giả dành cho chàng trai này trong từng trang viết.

 

Khi biết chúng tôi đang viết bài về “nhà báo” Nguyễn Dương An, anh Điệp nhấc ngay điện thoại gọi bởi “lâu rồi không biết ông có khỏe không”. Cuộc trò chuyện tưởng chừng không thể dứt giữa hai con người ở hai thế hệ khác nhau, số phận khác biệt, gặp gỡ và thân thiết bởi điều mà ông An vẫn thường hay nói là “duyên số”. Có lẽ, với bất cứ người làm báo nào, dù chuyên nghiệp hay không chuyên thì lòng yêu mến, sự trân trọng mà các nhân vật dành cho mình chính là thành công và cũng là món quà vô giá.

 

Lại Văn Điệp bồi hồi nhớ lại: “Lần đầu tiên gặp bác An cũng bất ngờ lắm. Bác tuổi đã cao còn đến tận nơi lấy thông tin viết bài, mình rất xúc động. Bởi vậy, những người tật nguyền chúng mình càng phải cố gắng hơn nữa”.

 

Chắc chắn, bất cứ ai ngay khi tiếp xúc với Lại Văn Điệp sẽ đều có chung niềm xúc động, cảm phục và ngưỡng mộ. Điều đáng quý là tác giả Nguyễn Dương An, bằng sự chân thành, đồng cảm trong từng trang viết đã tìm kiếm, phát hiện và khắc họa nên một cách giản dị, chân thực “bông hoa” thật đẹp này.

 

Giữa những ngày nắng chói chang của mùa hè, chúng tôi lại theo ông Nguyễn Dương An về thăm trang trại gà quy mô và rộng lớn của cựu chiến binh Phạm Văn Tràng. Cũng nhờ những trang viết, những lần không quản ngại nắng gió, đường sá xa xôi về tận nơi tìm hiểu thông tin để viết bài của ông An mà giờ đây họ như hai người bạn tâm giao. Từng công tác trong lực lượng Không quân, năm 1981, ông Tràng trở về quê hương, bắt tay vào xây dựng chuồng trại nuôi gà công nghiệp trắng (gà hướng thịt) và gà đẻ trứng thương phẩm. Trải qua bao lần thành bại, giờ đây, trang trại của ông đã có số lượng gà đẻ lấy trứng trên 20.000 con và hơn 2.000m2 ao nuôi cá thương phẩm, tổng doanh thu từ 6 - 8 tỷ đồng/năm. Thành quả lao động được chắt chiu từng ngày nhân lên từ những niềm vui nhỏ như câu thơ của Tố Hữu: “Mỗi ngày vui một quả trứng hồng”, với một chủ trang trại gà như ông Tràng, mỗi ngày vui ngàn quả trứng hồng.

 

Gặp lại người bạn tâm giao, ông Tràng chỉ mong sao ông An luôn khỏe mạnh để rồi mỗi năm mình lại được tặng một cuốn sách “vừa mới in”. Hay như “cứ đến dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là lại lên thăm bạn với ít trứng gà quê”.

 

Tâm huyết với văn hóa đọc

 

Không chỉ tham gia viết sách, viết báo ngợi ca những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, trong cuộc sống thường ngày, ông Nguyễn Dương An còn rất tâm huyết với văn hóa đọc. Không quản ngại xa xôi, ông tìm đến với những người mở thư viện miễn phí tại nhà, như “bà Nga tủ sách” ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ để động viên, khích lệ tinh thần và quyên góp. Lần đầu tiên đến thăm và tặng sách thư viện còn nhiều thiếu thốn của bà Nga, chứng kiến cảnh mọi người trong xã ngoài làng, từ các cụ già đã ở tuổi “xưa nay hiếm” tới các em học sinh còn đeo trên vai chiếc khăn quàng đỏ, tất cả đều chăm chú đọc, ông xúc động lắm. Ông bảo: “Chắc chắn tôi sẽ quay trở lại, mang thêm thật nhiều sách đến ủng hộ nơi đây”.

 

Ông hy vọng, sẽ có nhiều làng xã nhân rộng mô hình này và cũng tin rằng những thư viện tại nhà như của “bà Nga tủ sách” sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, phần nào đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc cũng như cuộc sống tinh thần của nhân dân. Và rồi cũng sẽ có nhiều bạn nhỏ, như em Phạm Thúy Quỳnh, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ biết trân trọng từng cuốn sách. Em đã bảo rằng: Nhờ có những cuốn sách trong thư viện của bà Nga mà em đã biết ngoan ngoãn, biết thương yêu cha mẹ nhiều hơn và em cũng rất cảm ơn mọi người đã quyên góp sách để trẻ con nông thôn như các em được đọc nhiều hơn.

 

Vẫn ngày ngày cần mẫn, đôi lúc vì tuổi đã cao, sức khỏe đã không còn ổn định nhưng ông Nguyễn Dương An vẫn tâm huyết với nghiệp viết mà ông đã tự chọn lấy. Để rồi, lại vui sướng, tự hào, xúc động khi thấy bài của mình đã lên trang với màu mực còn tươi và mùi giấy thơm. Lửa nghề trong ông không dễ gì nguội lạnh, bởi lời dạy của Bác Hồ vẫn còn vẹn nguyên: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.

 

Với cây bút và trang giấy, ông Nguyễn Dương An vẫn miệt mài, cần mẫn để làm sao cho mỗi bông hoa đã đẹp lại càng đẹp hơn, để rừng hoa dân tộc ngày càng thêm đẹp.

 

Tú Anh

(Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày