Chủ nhật, 19/05/2024, 18:09[GMT+7]

Chất vấn và trả lời chất vấn: Dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm (Kỳ 1)

Thứ 2, 24/12/2018 | 08:49:28
1,177 lượt xem

Dạy nghề may tại Trường Cao đẳng nghề Thái Bình.

Sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết

Đại biểu Hoàng Tố Linh Chi, tổ Đông Hưng chất vấn đồng chí Đoàn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư vấn đề: Thời gian qua, việc thu hút đầu tư và các dự án đầu tư vào tỉnh liên tục tăng về số dự án và tổng lượng vốn đăng ký. Tuy nhiên, chất lượng hiệu quả đầu tư chưa cao, đặc biệt là dự án đầu tư chưa thực hiện đúng các cam kết về nội dung, tiến độ; hiệu quả sử dụng đất, lao động và chính sách với người lao động chưa tốt; đóng góp cho ngân sách nhà nước chưa đáng kể. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở cho biết ngành có giải pháp gì khắc phục?

Đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Do vậy, công tác thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, làn sóng đầu tư vào tỉnh có xu hướng tăng nhanh cả về số lượng và vốn đầu tư đăng ký. Năm 2016 có 86 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 6.300 tỷ đồng, năm 2018 có 152 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng số vốn đầu tư gần 6.800 tỷ đồng, tăng 36,9% về số dự án so với năm 2017. Đến nay có nhiều dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP bình quân 2016 - 2018 ước đạt 10,35%/năm, cao hơn mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 đề ra là 8,6%/năm. Tăng trưởng tổng giá trị sản xuất ước đạt 11,1%/năm; trong đó: giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%/năm, công nghiệp, xây dựng tăng 15,5%/năm (công nghiệp tăng 16,1%/năm, xây dựng ước tăng 14,1%/năm), dịch vụ tăng 8,6%/năm.  Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp.

Tuy nhiên, đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận thời gian qua vẫn còn tình trạng một số dự án đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết, triển khai dự án chưa bảo đảm tiến độ, chậm đưa đất vào khai thác, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, đóng góp cho ngân sách nhà nước chưa đáng kể đúng như chất vấn của đại biểu Hoàng Tố Linh Chi. Nguyên nhân của tình trạng trên là do: một số dự án gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên chậm được giao đất. Năng lực hoặc ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một số chủ đầu tư chưa tốt. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước chưa nắm bắt kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về mặt bằng, đất đai, nguồn vốn vay, cơ chế ưu đãi... Vì vậy, theo đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư dễ tiếp cận thị trường và nhanh chóng triển khai các dự án. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, ưu tiên các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có đóng góp nhiều cho ngân sách và cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn có đủ tiềm lực để triển khai dự án. Nâng cao chất lượng thẩm định chủ trương đầu tư các dự án, gắn trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư. Tăng cường công tác đối thoại, tiếp cận với các doanh nghiệp để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các chính sách, quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động, thuế... để phát hiện các vi phạm, kịp thời chấn chỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp có vi phạm, có thể rút giấy phép đầu tư đối với những doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết với tỉnh.

Quan tâm hơn đến người lao động

Đại biểu Vũ Đức Điến, tổ Đông Hưng chất vấn đồng chí Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nội dung: Thực hiện đầy đủ kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công rất quan trọng, nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua, cử tri, nhân dân còn rất phàn nàn về: chất lượng, hiệu quả thực hiện đề án về giải quyết việc làm; các chế độ, chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp; chính sách đối với người có công, nhất là hỗ trợ về nhà ở cho người có công có hoàn cảnh khó khăn; vấn đề thực chứng đối với nạn nhân chất độc da cam/Điôxin... Trước thực trạng trên, ngành và Giám đốc Sở sẽ làm gì để giải quyết trong thời gian tới?

Đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đăng đàn trả lời từng vấn đề đại biểu chất chất. Về chất lượng, hiệu quả thực hiện đề án giải quyết việc làm: Chương trình lao động việc làm của tỉnh (giai đoạn 2016 - 2020) được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 1800/QĐ-UBND ngày 8/7/2016. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã phối hợp triển khai thực hiện đề án, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất tạo việc làm cho người lao động. Năm 2018, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho  33.540 lao động. Trên địa bàn tỉnh có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 33.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh hiện đạt 50%. Về xuất khẩu lao động, toàn tỉnh có 60 doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng xuất khẩu lao động ở các nước. Ngoại hối gửi về tỉnh qua hệ thống ngân hàng là 156,5 triệu USD, tương đương 1.929 tỷ đồng. Năm 2017 - 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các huyện, thành phố, các doanh nghiệp tổ chức 14 hội nghị thông tin thị trường lao động, hướng dẫn cập nhật thông tin cung - cầu lao động cho 2.580 cán bộ cơ sở, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, 1.500 lao động và thân nhân của người lao động trên địa bàn tỉnh để tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề trong và ngoài nước; phổ biến các quy định cơ bản đối với lao động Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức 72 phiên giao dịch việc làm, tạo cầu nối với 520 lượt doanh nghiệp và 28.000 lượt lao động tham gia (trong đó khoảng 75% số lao động đã tìm được việc làm). Ngoài ra, hàng năm có khoảng 6.000 - 7.000 trường hợp thất nghiệp trong và ngoài tỉnh được giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho khoảng 30% số lao động thất nghiệp có việc làm, quay lại thị trường lao động.

Nghề làm hương ở xã Đông Quang (Đông Hưng).

Về chế độ, chính sách đối với người lao động: trên địa bàn tỉnh hiện nay cơ bản các doanh nghiệp đã trả lương người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, bình quân đạt 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Các quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chính sách BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN được đa số các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng quan tâm thực hiện chế độ: nghỉ lễ, tết, làm thêm giờ, khám sức khỏe cho người lao động, trang bị bảo hộ và tập huấn kiến thức an toàn lao động.

Nhìn chung, chương trình việc làm của tỉnh cơ bản đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm cho nhiều lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp còn khoảng 2,7% so với tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thẳng thắn thừa nhận: Chất lượng lao động của tỉnh còn hạn chế, năng suất lao động thấp, việc làm chưa ổn định; công tác phối hợp chưa thường xuyên, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực việc làm chưa nhiều. Một số doanh nghiệp vẫn còn chưa chấp hành tốt các quy định về: đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, vệ sinh an toàn lao động, chưa quan tâm đúng mức đến đời sống người lao động.

Thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Thường xuyên cập nhật thông tin thị trường lao động, cung - cầu lao động để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, người lao động; dự báo tình hình lao động - việc làm trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động trên các lĩnh vực, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, cơ sở, doanh nghiệp và người lao động về việc làm. Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực lao động, bảo đảm an toàn lao động, BHXH, nhất là các doanh nghiệp thường xuyên nợ đọng BHXH nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động.

(còn nữa)

Nguyễn Hình - Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày