Chủ nhật, 28/04/2024, 21:55[GMT+7]

Thành phố: Diện mạo mới ở các vùng nông thôn

Thứ 4, 20/02/2019 | 09:54:39
2,026 lượt xem
Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (nghị quyết “tam nông”) ban hành và đi vào cuộc sống đã tạo ra những chuyển biến tích cực, thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, mang đến một diện mạo mới cho các vùng nông thôn thuộc thành phố Thái Bình.

Nhiều hộ dân xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) tích tụ ruộng đất làm giàu từ cây màu.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới (NTM), Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó đã ban hành 4 kế hoạch, 2 chương trình hành động, mở 31 lớp tập huấn. 

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đến nay, sản xuất nông nghiệp ở thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quy hoạch vùng sản xuất hàng năm được rà soát, bổ sung theo hướng nông nghiệp đô thị, an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị; duy trì, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có lợi thế của các địa phương như trồng cây cảnh, cây ăn quả ở Đông Hòa, Hoàng Diệu; trồng rau màu, hoa ở xã Vũ Phúc, Vũ Chính, Vũ Lạc...; đồng thời khuyến khích nông dân tập trung đất đai để tăng quy mô sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa lớn. Tổ chức sản xuất được gắn với thị trường, từng bước chuyển dần từ sản xuất dàn trải, kém hiệu quả sang tập trung chuyên sâu, chuyển nông nghiệp tính toán về số lượng sang chất lượng, giá trị và hiệu quả. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề được duy trì và phát triển đạt tốc độ tăng trưởng khá; các khu, cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, công tác xúc tiến thu hút đầu tư có nhiều đổi mới, đến nay đã có gần 250 dự án đang đi vào hoạt động giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Làng nghề hoạt động ổn định như làng nghề đan làn nhựa, làng nghề đồ gỗ xã Vũ Chính, nghề chế biến lương thực xã Đông Thọ, nghề mây tre đan xuất khẩu tại các xã Vũ Lạc, Vũ Đông; ngoài ra còn có một số nghề chế biến thực phẩm, đồ uống... Giá trị sản xuất hàng năm của các nghề và làng nghề đạt 345 - 350 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 5.000 lao động, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nông dân, tạo chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. 

Đối với chủ trương xây dựng NTM, thành phố đã có 5 xã đạt chuẩn quốc gia về NTM; xã Vũ Đông phấn đấu về đích xã NTM vào cuối năm 2019, còn lại các xã Đông Hòa, Phú Xuân, Tân Bình, thành phố chỉ đạo quy hoạch trở thành phường vào năm 2020. Nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã được đầu tư, nâng cấp khá đồng bộ. Từ năm 2009 đến hết năm 2017, các xã xây dựng NTM đã xây dựng được hơn 30km kênh mương, 39km giao thông nội đồng trục chính, gần 80km đường giao thông trục xã, thôn, nhánh thôn và ngõ xóm, 5 hội trường trung tâm xã; 4 sân thể thao xã; 6 trạm y tế; 19 công trình trường học; 20 nhà văn hóa thôn; đào đắp, chỉnh trang đồng ruộng trên 425.000m3...

Năm 2013, xã Vũ Phúc về đích NTM. Tuy nhiên, những năm trước đây, kinh tế xã Vũ Phúc có nhiều khó khăn. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng xã chưa định hướng được những cây trồng, vật nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy, từ năm 2010 trở về trước, thu nhập của người dân đạt thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Xã Vũ Phúc bắt đầu có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ năm 2011 khi xã chính thức được chọn làm điểm xây dựng NTM. Đặc biệt để Nghị quyết Trung ương 7 đi vào cuộc sống, xã đã tổ chức triển khai tuyên truyền nội dung Nghị quyết đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Khi nghị quyết đi vào cuộc sống, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất phát triển với những cây trồng có giá trị kinh tế cao như vùng chuyên canh rau màu, lúa hàng hóa chất lượng cao... Nhiều đảng viên tiên phong, gương mẫu chuyển đổi luân canh, luân vụ 3 - 6 vụ/năm đem lại thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của người dân không ngừng tăng cao, với thu nhập bình quân trên 40 triệu đồng/người/năm, 100% hộ sử dụng nước sạch. Cơ sở hạ tầng đầu tư hoàn thiện, trường mầm non, tiểu học, THCS, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp và đạt chuẩn quốc gia.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, diện mạo nông thôn thành phố Thái Bình đã có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ hộ khá và giàu tăng. Kết quả này là điều kiện thuận lợi để thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020, sớm vươn lên đạt mục tiêu trở thành đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Thái Bình.

Minh Nguyệt