Thứ 2, 06/05/2024, 14:42[GMT+7]

Nức tiếng bưởi Tân Triều trên cù lao xanh bên dòng Đồng Nai

Thứ 3, 13/06/2023 | 17:12:59
1,842 lượt xem
Mảnh đất trù phú này từ mấy trăm năm trước đã nổi tiếng với đặc sản bưởi, và nay đang trở thành một cù lao sinh thái, thân thiện môi trường, là nơi đáng sống.

Ông Năm Huệ, người tiên phong làm bưởi organic và phát triển thương hiệu bưởi Tân Triều bằng mô hình du lịch. Ảnh: Tuy Hòa.

Vùng đất “sóng sánh phù sa, chao nghiêng bến bãi” ấy là cù lao Tân Triều, ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Nơi đây không chỉ có đặc sản nổi tiếng, mà còn là nơi ghi dấu tiền nhân thuở xưa đi mở cõi.

Trận lụt thay đổi diện mạo Tân Triều

Từ trung tâm thành phố Biên Hòa, đi 10 cây số theo quốc lộ 24, qua khu du lịch Bửu Long không xa, tới ngã ba Bến Cá rẽ trái, đến địa phận xã Tân Bình, đã thấy dọc hai bên con đường nhựa phẳng lỳ, những vườn bưởi sum xuê.

Không chỉ thế, Tân Bình nay đã là xã nông thôn mới kiểu mẫu, những vườn cây trái được canh tác theo quy trình sinh thái, trên các con đường ngõ xóm đều trải bê tông sạch sẽ, 2 bên trồng các loại hoa đang khoe sắc dưới ánh nắng mặt trời, dẫn vào những ngôi nhà khang trang. Một vùng quê thật yên bình và đẹp.

Tân Triều là một trong những ngôi làng cổ nhất ở Đồng Nai, nằm trên một cù lao nhỏ được bao bọc xung quanh bởi sông Đồng Nai. Từ bao đời nay, luôn màu mỡ nhờ lớp phù sa bồi đắp. Và cũng từ hàng trăm năm qua, vùng đất này vẫn phù hợp nhất với cây bưởi. Như lời lão nông Huỳnh Đức Huệ (Năm Huệ) thì “dù kỹ sư hay một nông dân ít học, cùng trồng bưởi trên đất này thì chất lượng trái cũng tương tự nhau thôi”.

Năm nay 80 tuổi, ông Năm Huệ, đời thứ 6 có mặt ở cù lao Tân Triều, thì thời xưa, cây trồng nổi tiếng ở Tân Triều là trầu chứ không phải bưởi. Lá trầu của Tân Triều nổi tiếng thơm, cay nức tiếng, thương lái đến thu mua mang đi khắp cả nước. Còn cây bưởi, dù cũng có mặt tại đây từ giữa thế kỷ 19, nhưng ban đầu chỉ có 2 cây, được một vị cha xứ mang từ Brazil sang trồng trước sân nhà thờ Tân Triều khi vừa khánh thành. Đó chính là bưởi đường lá cam và bưởi đường cao núm (hay còn gọi cau nớm), hai giống bưởi làm nên thương hiệu bưởi Tân Triều ngày nay. Có lẽ do hợp thổ nhưỡng nên 2 cây bưởi này sau đó sai trĩu quả và rất ngon, vỏ mỏng, vị ngọt thanh và thơm, trái chín để được lâu hơn các loại bưởi khác. Người dân sau đó đến xin hạt, chiết cành mang về trồng. Không bao lâu thì hầu như nhà nào cũng trồng. Tuy nhiên, với suy nghĩ bưởi không thể ăn no, không thay thế được lúa, bắp, khoai, nên mỗi nhà chỉ trồng vài cây ăn chơi.

Vùn quê Tân Bình hôm nay không chỉ đẹp, yên bình mà còn phát triển mạnh về nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái. Trong ảnh là một trong số hàng chục những ngõ nhỏ 'xanh, sạch, đẹp' ở xã Tân Bình. Ảnh: Hồng Thủy.

Vùng quê Tân Bình hôm nay không chỉ đẹp, yên bình mà còn phát triển mạnh về nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái. Trong ảnh là một trong số hàng chục những ngõ nhỏ "xanh, sạch, đẹp" ở xã Tân Bình. Ảnh: Hồng Thủy.

“Còn cái tên Tân Triều từ đâu mà có?”, tôi hỏi. Ông Năm Huệ đáp: “Có 2 giả thiết. Ngày xưa vùng đất cù lao này có tên là cù lao Ngô, có lẽ do trồng ngô nhiều. Năm 1844, xảy ra một trận lụt lớn, toàn bộ cù lao chìm trong biển nước cả tháng trời. Đến khi nước rút, diện mạo cù lao thay đổi hẳn, nhiều nhánh kênh mương, rạch nhỏ đã bị phù sa lấp phẳng. Cũng từ đó, thổ nhưỡng cù lao thay đổi theo, màu mỡ hơn, cây cối, hoa màu tốt tươi hơn. Đây giống như một “ân huệ” mà thiên nhiên ban tặng. Và để ghi dấu sự kiện này, các bậc tiền bối khi đó đã gọi cù lao này là Tân Triều, tức dòng thủy triều mới. Một giả thuyết khác nghe kể là do Vua Gia Long trên đường bôn tẩu, đã ghé vào đây, khi đó, nơi này có tên là cù lao Đá Lửa, ông cảm nhận được đây là vùng “đất lành chim đậu”, nên đã lập một thể chế tạm, và đổi tên cù lao thành Tân Triều, tức triều đình mới”.

Rạch Tân Triều, nơi thay đổi diện mạo cù lao Tân Triều hôm nay. Ảnh: Tuy Hòa.

Rạch Tân Triều, nơi thay đổi diện mạo cù lao Tân Triều hôm nay. Ảnh: Tuy Hòa.

Và theo lời kể của ông Năm Huệ, thì năm 1952, cù lao Tân Triều tiếp tục bị một trận lụt lớn khiến những vườn trầu chết sạch, trong khi cây bưởi lại không sao. Nước rút, họ gây trồng lại những vườn trầu, nhưng không phát triển được. Từ đó, chỉ còn cây bưởi ‘thống trị” vùng cù lao.

Từ giữa thế kỷ 20, trái buởi Tân Triều đã theo chân thương lái có mặt ở hầu hết các tỉnh khu vực miền Đông. Tiếng tăm của bưởi cù lao Tân Triều ngày càng lan xa. Cũng từ đó, người dân Tân Triều bắt đầu trồng bưởi nhiều hơn.

Ngoài 2 giống bưởi chính ban đầu là đường lá cam và cau núm, sau đó thêm bưởi ổi. Còn hiện nay, cù lao Tân Triều đã có đến hơn 20 loại bưởi. Ngoài 3 loại nói trên, còn các giống khác như bưởi ghè, bưởi xiêm, bưởi Bà Giăng, bưởi thanh trà, thanh dây, da cóc… Không chỉ thế, những năm gần đây, người dân còn mang những giống bưởi đặc trưng vùng khác như bưởi da xanh, bưởi Năm Roi về Tân Triều trồng. Và điều đặc biệt là các giống bưởi du nhập này lại ngon hơn “chính gốc”.

Con rạch Tân Triều bao đời bồi đắp phù sa, tạo ra những vườn bưởi đặc sản không đâu có. Ảnh: Hồng Thủy.

Con rạch Tân Triều bao đời bồi đắp phù sa, tạo ra những vườn bưởi đặc sản không đâu có. Ảnh: Hồng Thủy.

Làm vì niềm tự hào quê hương

Đầu năm 2023, xã Tân Bình được công nhận xã NTM kiểu mẫu, toàn hệ thống giao thông từ đường liên xã, hương lộ, cho đến đường thôn, xóm, ngõ, đều đã được nhựa hóa. Hệ thống y tế, giáo dục, văn hóa đều đạt theo yêu cầu theo Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Đồng Nai. Hệ thống thông tin, internet phủ kín đến 5/5 ấp. Xã Tân Bình đang trở thành một trong những vùng quê đáng sống. Theo quy hoạch của huyện Vĩnh Cửu, thì xã Tân Bình sẽ là xã thuần nông định hướng phát triển nông nghiệp - dịch vụ - du lịch với các vườn cây ăn trái là đặc sản vùng. Trong đó, riêng cù lao Tân Triều có hơn 200ha bưởi, phần lớn canh tác theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ.

Chị Đỗ Thị Thu Hương, ở ấp Vĩnh Hiệp, chủ vườn bưởi canh tác quy trình sạch. Ảnh: Hồng Thủy.

Chị Đỗ Thị Thu Hương, ở ấp Vĩnh Hiệp, chủ vườn bưởi canh tác quy trình sạch. Ảnh: Hồng Thủy.

Trên thực tế, người dân nơi đây từ lâu cũng đã ý thức việc làm nông nghiệp bền vững, canh tác an toàn. Chị Đỗ Thị Thu Hương ở ấp Vĩnh Hiệp cho biết: “Gia đình tôi có 5 sào bưởi đường lá cam, nhiều cây trong vườn cũng được 20 năm tuổi. Những cây này gọi là bưởi lão, trái ít hơn nhưng to và chất lượng cũng cao hơn mấy cây trẻ. Thương lái họ chỉ nhìn cây bưởi, nhìn trái là biết chất lượng, nên mua với giá cao hơn. Vườn bưởi này từ gần chục năm nay đã canh tác VietGAP theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp địa phương, được vài năm tôi thấy cây hồi phục dần, dù cây ít trái hơn, nhưng khỏe, chất lượng trái thì khỏi chê. Một số vườn canh tác theo cách cũ mà tôi biết, vẫn dùng nhiều phân, thuốc hóa học, trái ra nhiều thật, nhưng chất lượng múi thất thường, không ngon, chưa kể là tuổi thọ cây ngắn, chỉ hơn chục năm là suy”.

Ở Tân Triều, ông Năm Huệ là người tiên phong trồng bưởi sinh thái kết hợp du lịch sinh thái từ hơn 20 năm trước. Mô hình ban đầu chỉ có vài căn chòi lá nhỏ nằm xen kẽ trong vườn bưởi, bên bờ ao cá, bờ kênh, để khách đến tham quan nghỉ ngơi. Cho đến bây giờ, ông vẫn kiên định với triết lý kinh doanh ban đầu. Đó là làm sao để giới thiệu cho thật nhiều người biết bưởi Tân Triều và các sản phẩm từ bưởi như trà, rượu, chè, gỏi, sinh tố… là sản phẩm chất lượng, đáng tin cậy đối với sức khỏe, và khách đi rồi sẽ quay lại.

“Bưởi Tân Triều là đặc sản quê hương, là niềm tự hào của người dân cù lao, mình phải làm tốt để giới thiệu cho thật nhiều người biết”, ông Năm tâm sự.

Anh Ngô Văn Sơn, người được mệnh danh là 'trùm' tạo hình bưởi, nâng giá trị trái bưởi lên gấp 10 lần. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Ngô Văn Sơn, người được mệnh danh là "trùm" tạo hình bưởi, nâng giá trị trái bưởi lên gấp 10 lần. Ảnh: Hồng Thủy.

Một nông dân khác ở ấp Vĩnh Hiệp cũng khá nổi tiếng là anh Ngô Văn Sơn, 52 tuổi, có 2ha bưởi canh tác hướng hữu cơ từ lâu, với sản phẩm thuốc trừ sâu bệnh được ủ, pha chế từ các loại thảo dược, hoa trái. Không chỉ thế, ông chủ vườn này còn là người đầu tiên ở Tân Bình “hốt bạc” từ việc tạo ra những trái bưởi hình hồ lô, thỏi vàng, tạo các chữ nổi Phúc, Thọ, Tài, Lộc, Phú, Quý, hình bản đồ Việt Nam. Mỗi cặp có giá từ 1 - 3 triệu đồng tùy loại. Tức gấp khoảng 10 lần so với trái bưởi không có hình.

Anh Sơn chia sẻ, bưởi Tân Triều nổi tiếng ngon, đây là thế mạnh không phải nơi nào cũng có, nhưng lâu nay người trồng bưởi chưa biết “biến” thế mạnh này thành thu nhập cao. Chính vì suy nghĩ này mà sau nhiều trăn trở, anh bắt đầu “tầm sư học đạo”, tìm tài liệu nghiên cứu, tham quan nhiều nơi, liên hệ các chuyên gia, cán bộ nông nghiệp để được tư vấn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trong việc chọn giống, phân bón, quy trình chăm sóc từ cây đến dưỡng trái… sau đó áp dụng cho vườn bưởi của mình.

Sản phẩm sinh học trị sâu bệnh cho bưởi của anh Sơn, người cũng có thể 'nếm thử'. Ảnh: Tuy Hòa. 

Sản phẩm sinh học trị sâu bệnh cho bưởi của anh Sơn, người cũng có thể "nếm thử". Ảnh: Tuy Hòa. 

Với suy nghĩ “đi cùng nhau để tiến xa”, nên sau khi nắm vững quy trình, anh Sơn tập hợp các nhà vườn khác để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây bưởi “từ A đến Z”. Áp dụng song song kinh nghiệm của ông bà để lại và kỹ thuật canh tác hiện đại, vườn bưởi của anh Sơn và các hộ khác ở Tân Bình ngày càng tốt hơn.

Để tiếp tục “nâng tầm” thương hiệu, anh Sơn lại mày mò tìm hướng đi cho sản phẩm. Trong một lần về Bến Tre gặp nhóm nghệ nhân cây kiểng, thấy họ tạo nhiều hình cây cảnh độc đáo, anh chợt nghĩ tại sao không tạo hình cho trái bưởi như cây kiểng? Vậy là sau lần đó, anh về bắt tay nghiên cứu, tạo hình trái bưởi.

“Tôi tốn rất nhiều tiền làm khuôn hình, khuôn chữ, sau đó làm thử, nhưng liên tục thất bại. Mất hơn 1 năm sau, qua 4 lần thu hoạch bưởi tôi mới bước đầu thành công. Đến giờ thì tôi làm quen rồi, còn chỉ cho nhiều người khác ở đây cùng làm”, anh Sơn nói.

“Xã Tân Bình hiện có gần 500ha bưởi, tập trung tại các ấp Tân Triều, Vĩnh Hiệp, Bình Phước, Bình Lục, đây là cây trồng chủ lực của xã. Bình quân mỗi ha bưởi cho thu nhập hơn 500 triệu đồng. Những năm gần đây, các mô hình bưởi đều áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hướng hữu cơ, sản phẩm bưởi sạch, an toàn. Hiện xã có 45 hộ với diện tích hàng chục ha bưởi trồng theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm ra thị trường có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, sạch và an toàn. Đây là những bước đi ban đầu của xã theo định hướng vùng kinh tế thuần nông nghiệp an toàn kết hợp du lịch nhà vườn, sinh thái bền vững”, ông Trương Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Bình.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

  • Từ khóa