Thứ 3, 07/05/2024, 09:12[GMT+7]

Quỳnh Phụ Bước đầu giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ 3, 09/07/2013 | 08:06:28
1,490 lượt xem
Trong việc thực hiện chính sách dân số, Quỳnh Phụ luôn đặt mục tiêu phải giải quyết toàn diện vấn đề dân số, sự thay đổi cơ cấu dân số, trong đó vấn đề tỷ số giới tính khi sinh luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm.

Cán bộ dân số tiêu biểu huyện Quỳnh Phụ nhận giấy khen của UBND huyện trao tặng.

Những năm qua, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của huyện Quỳnh Phụ đạt một số kết quả quan trọng. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm, chất lượng dân số về thể lực, trí tuệ, tinh thần từng bước được cải thiện. Kết quả thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Trong việc thực hiện chính sách dân số, Quỳnh Phụ luôn đặt mục tiêu phải giải quyết toàn diện vấn đề dân số, sự thay đổi cơ cấu dân số, trong đó vấn đề tỷ số giới tính khi sinh luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm.

Cùng với giải pháp giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, Quỳnh Phụ đã tập trung cao cho công tác điều tra, khảo sát thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng. Vài  năm trước đây, tỷ số giới tính khi sinh ở Quỳnh Phụ thường ở mức cao, năm 2008 là 120 bé trai/100 bé gái, năm 2009 là 121 bé trai/100 bé gái. Nguyên nhân của việc số trẻ em sinh ra là nam cao hơn so với nữ theo đánh giá khách quan chủ yếu là do qua siêu âm các cặp vợ chồng đã biết trước giới tính thai nhi nên dễ dàng lựa chọn. Kéo theo đó là tư tưởng "trọng nam kinh nữ", "đẻ cho có nếp có tẻ”, "đẻ con trai để nối dõi tông đường" vẫn tồn tại trong khá nhiều các gia đình ở cả thành thị và nông thôn…

Để bảo đảm sự phát triển bền vững theo quy luật tự nhiên và hạn chế sự mất cân bằng giới tính khi sinh, năm 2011, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Quỳnh Phụ triển khai mô hình "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh". Đến nay, toàn huyện có 20 xã thực hiện mô hình nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng, tiến tới ổn định, cân bằng giới tính khi sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Từ khi triển khai mô hình đến nay, tại 20 xã trên địa bàn huyện đã thành lập câu lạc bộ "phụ nữ không sinh con thứ 3, giúp nhau phát triển kinh tế” đồng thời tổ chức nói chuyện chuyên đề, tăng cường cung cấp thông tin giáo dục truyền thông về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên bằng nhiều hình thức: cấp tờ rơi, cẩm nang, tài liệu truyền thông khác liên quan đến nội dung mô hình; xây dựng cụm panô với nội dung "Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức"; tuyên truyền trên hệ thống phát thanh từ huyện đến cơ sở. Bên cạnh đó Trung tâm DS-KHHGĐ huyện phối hợp với Liên đoàn Lao động, Trung tâm Y tế huyện tổ chức truyền thông, khám sức khỏe cho chị em phụ nữ tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện. Đây được coi là giải pháp cần thiết cho chị em vì họ là những đối tượng khó tiếp cận, thường xuyên làm việc trong công ty.

Việc triển khai mô hình đã thực sự làm thay đổi nhận thức của người dân, từ việc thích sinh con trai để có người nối dõi, giờ đây các gia đình không coi trọng việc sinh con trai, với họ điều quan trọng là các con sinh ra khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi. Năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh toàn huyện là 109 bé trai/100 bé gái; năm 2012 là 102 bé trai/100 bé gái, nhiều xã tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh thấp: Quỳnh Châu 80,5/100, Quỳnh Hưng 83,7/100, Quỳnh Sơn 86,0/100, Quỳnh Hoàng 89,0/100...

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Cầu - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Quỳnh Phụ, việc giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do vậy, huyện xác định nhiệm vụ này không phải của riêng ngành y tế mà của cả xã hội. Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, ngành dân số của huyện tích cực tham mưu và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, của hệ thống chính trị trong việc thực hiện chính sách dân số. Đưa nội dung về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi vào nghị quyết của cấp ủy; lồng ghép tuyên truyền nội dung nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi trong các buổi sinh hoạt của chi bộ, của các tổ chức đoàn thể.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về dân số, sức khỏe sinh sản, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh với nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp. Quản lý chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ y tế thực hiện siêu âm, phá thai và có chế tài xử lý nghiêm những cơ sở cung cấp thông tin giới tính thai nhi, phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính. Đưa quy định nghiêm cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính thai nhi vào quy ước của địa phương; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc vận động giảm tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi.

Tuy nhiên, trong tất cả các giải pháp trên, giải pháp quan trọng nhất vẫn là truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức và hành vi của người dân. Bên cạnh đó, việc tăng cường cam kết, phối hợp hoạt động phải được đặt lên hàng đầu bởi một mình ngành dân số không thể đạt được sự thành công trong việc kiểm soát, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia tự nguyện của người dân.

Nguyễn Mạnh Cường
(Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh)


  • Từ khóa