Chủ nhật, 28/04/2024, 01:15[GMT+7]

Tăng cường các giải pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ 4, 25/06/2014 | 07:53:43
2,042 lượt xem
Ðể ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, ngành Dân số đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp. Từ năm 2011, Thái Bình triển khai mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” tại 71 xã, đến nay mô hình là đã nhân rộng triển khai tại 157 xã tại 8 huyện, thành phố.

Ảnh: Thành Tâm

Vài năm trở lại đây, tại Thái Bình số trẻ sinh ra là nam luôn nhiều hơn so với số trẻ em sinh ra là nữ dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Theo báo cáo của hệ thống dân số, năm 2012 tỷ số giới tính khi sinh ở Thái Bình là 111 nam/100 nữ. Năm 2013, tỷ số này là 112 nam/100 nữ, cao hơn mức giới hạn cho phép (106 - 108 nam/100 nữ), trong đó, cao nhất là huyện Hưng Hà 117 nam/100 nữ, Vũ Thư 114 nam/100 nữ. Một số xã có tỷ lệ MCBGTKS rất cao: Văn Cẩm 200 nam/100 nữ, Hồng Minh 164/100, Thái Phương 154/100 (Hưng Hà); Hòa Bình 188 nam/100 nữ, Song Lãng 172/100, Hiệp Hòa 167/100 (Vũ Thư)… 4 tháng năm 2014 số trẻ sinh ra trong toàn tỉnh  là 8.015 cháu, tăng 15 cháu so với cùng kỳ, tỷ số giới tính ở mức 114,7 nam/100 nữ.

Ðể ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, ngành Dân số đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp. Từ năm 2011, Thái Bình triển khai mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” tại 71 xã, đến nay mô hình là đã nhân rộng triển khai tại 157 xã tại 8 huyện, thành phố. Hoạt động chính của mô hình là tăng cường tuyên truyền, tư vấn trực tiếp và thông qua phương tiện thông tin đại chúng; cung cấp thông tin qua tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề, tư vấn cho nhân dân, chính quyền địa phương, các cơ sở y tế... trong việc thực hiện quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính. Tại các xã thực hiện mô hình hầu hết đã thành lập và duy trì “Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3”, tổ chức được hàng trăm buổi truyền thông trực tiếp, buổi sinh hoạt câu lạc bộ phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGÐ, giảm thiểu MCBGTKS.

Việc quan tâm tới các gia đình sinh con một bề là gái những năm qua cũng được ngành Dân số quan tâm. Năm 2012, Chi cục DS-KHHGÐ đã trích một phần kinh phí hoạt động thưởng cho 32 gia đình sinh con một bề là gái thực hiện tốt chính sách DS-KHHGÐ, con cái chăm ngoan học giỏi. Việc làm này ngoài việc động viên, khuyến khích các gia đình sinh 2 con gái còn khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội luôn được coi trọng đã tạo được hiệu ứng rất tốt từ người dân. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở siêu âm giới tính thai nhi, các cửa hàng kinh doanh xuất bản phẩm trong nhiều năm qua được tiến hành thường xuyên.

Các ấn phẩm có nội dụng lựa chọn giới tính thai nhi được các lực lượng chức năng thu hồi năm 2013.

Năm 2012, Thanh tra Sở Y tế, Chi cục Dân số đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về chẩn đoán giới tính thai nhi tại 40 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Tuy chưa phát hiện đơn vị, cơ sở vi phạm nhưng đã cho thấy sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng. Năm 2013, Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh tiếp tục phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra các nhà sách, các cửa hàng bày bán các ấn phẩm có nội dung về lựa chọn giới tính thai nhi tại 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Qua kiểm tra tại 33 cửa hàng đã phát hiện 11 cơ sở với 10 đầu sách, tổng số hơn 70 xuất bản phẩm có nội dung tuyên truyền về lựa chọn giới tính thai nhi. Ðã đề xuất xử lý 11 trường hợp vi phạm.

Không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, giám sát, Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh còn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức hội thảo về MCBGTKS; đưa nội dung giảm thiểu mất cân bằng vào chương trình giảng dạy của Trường Chính trị tỉnh, đồng thời tăng cường biên soạn, nhân bản cung cấp các sản phẩm truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, đồng thời cam kết thực hiện nghiêm túc chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân số.

Bà Vũ Phương Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh cho biết, thời gian tới Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp, mô hình đã triển khai đồng thời tiếp tục đề nghị các cấp chính quyền phối hợp với ban ngành tăng cường kiểm tra, thanh tra trong việc chẩn đoán thai nhi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách dân số. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của ngành Dân số, rất cần sự chung tay của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, phải coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Cùng với đó điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân trong việc quyết định sinh con theo tự nhiên.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa