Thứ 7, 27/04/2024, 20:37[GMT+7]

Thương binh Phạm Công Nhàn - Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn"

Thứ 5, 25/07/2013 | 08:35:07
1,475 lượt xem
Về xã Hồng Phong (Vũ Thư), nhắc đến thương binh, cựu chiến binh (CCB) Phạm Công Nhàn không ai không biết. Bởi, ông không chỉ là một cán bộ tận tụy với phong trào của Hội CCB mà còn tâm huyết với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Cựu chiến binh Phạm Công Nhàn chăm sóc các phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương.

Những ngày gần đây, bà con trong thôn Đoàn Kết ai cũng mừng cho gia đình bệnh binh 2/3 Vũ Thanh Tỉnh vì ông vừa xây xong ngôi nhà với tổng trị giá gần 200 triệu đồng. Có được ngôi nhà khang trang như vậy, ngoài nguồn tiền tiết kiệm của gia đình, ông Tỉnh được Nhà nước hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng. Đặc biệt, gia đình ông luôn nhận được sự quan tâm, động viên thường xuyên cả vật chất và tinh thần của ông Phạm Công Nhàn - Chủ tịch Hội CCB xã. Ông Tỉnh bộc bạch: "Trước đây ngôi nhà cấp 4 của tôi xuống cấp, dột nát. Được ông Nhàn hướng dẫn làm thủ tục đề nghị Nhà nước trợ cấp, lại giúp đỡ động viên thường xuyên nên gia đình tôi mạnh dạn xây dựng ngôi nhà mới này. Ông ấy quan tâm đến tôi như một người em ruột thịt trong nhà...".

Là Chủ tịch Hội CCB xã, cũng là một thương binh nên ông Phạm Công Nhàn hiểu hơn ai hết những khó khăn, thiệt thòi của những anh em thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và nhất là các gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Ông trăn trở suy nghĩ và cùng với Hội CCB xã bàn bạc xây dựng Quỹ "Vòng tay đồng đội" với số tiền hàng chục triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ kịp thời các gia đình hội viên, gia đình chính sách. Tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng đây là nguồn động viên khích lệ giúp các gia đình phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Là nạn nhân chất độc da cam và có con bị tật nguyền, khi được nhận quà từ Quỹ "Vòng tay đồng đội", ông Đinh Văn Năng thôn Đoàn Kết xúc động nói: "Cứ mỗi dịp 27/7 hàng năm, gia đình tôi lại được nhận quà của Nhà nước. Năm nay lại được thêm quà của anh em đồng đội nữa. Nỗi đau sau chiến tranh khó xóa nhòa nhưng được sự quan tâm, chia sẻ của anh em nên cũng vơi đi phần nào để tiếp tục vui sống".

Nghĩa trang liệt sĩ xã Hồng Phong là nơi thường được ông Nhàn lui tới để chăm sóc các phần mộ. Mỗi lần đến đây, ông lại đau đáu một nỗi niềm: Làm sao để hơn 200 liệt sĩ của xã còn nằm ở các chiến trường được trở về quê hương đoàn tụ? Đồng thời thôi thúc ông cùng với các cựu chiến binh phải làm nhiều hơn nữa để đền ơn đáp nghĩa những hy sinh, mất mát của các gia đình chính sách. "Tôi còn sống được trở về và còn sức khỏe, đó là sự may mắn rất nhiều so với những đồng đội đã anh dũng hy sinh tại chiến trường. Tôi mắc nợ các anh ấy nhiều lắm. Vì vậy càng phải làm tốt hơn công việc của mình và chia sẻ với những khó khăn trong cuộc sống của các gia đình chính sách" - Ông Nhàn chia sẻ.

Hồng Phong là xã có truyền thống cách mạng. Kết thúc các cuộc kháng chiến, xã có hơn 300 liệt sĩ, 115 thương binh, bệnh binh, 23 người nhiễm chất độc da cam và 11 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông Lưu Thế Lực, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Địa phương còn nhiều khó khăn, để làm tốt chính sách hậu phương quân đội và tri ân người có công, ngoài trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể của địa phương rất cần những nghĩa cử và việc làm như ông Nhàn để thực hiện xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa.

20 năm qua, ông Phạm Công Nhàn luôn dành thời gian và một phần tiền lương của mình để làm từ thiện, tri ân với người có công. Ông được nhận 14 Bằng khen, Giấy khen của Trung ương và địa phương. Mới đây, ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen là thương binh tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh.

Bài, ảnh: Khắc Duẩn
(Đài Truyền thanh Vũ Thư)

 

  • Từ khóa