Thứ 3, 14/05/2024, 06:56[GMT+7]

Kiến Xương: Tạo sức bật trong phát triển nông nghiệp hàng hóa

Thứ 2, 29/07/2019 | 09:20:39
1,247 lượt xem
Phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, truyền thống thâm canh giỏi, những năm qua, huyện Kiến Xương đã ứng dụng thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao. Trên cơ sở những thành công đó, huyện đã đưa ra định hướng, giải pháp trong thực hiện dồn điền đổi thửa để tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

HTX SXKD DVNN xã Vũ Lễ liên kết với doanh nghiệp cung ứng giống và bao tiêu dưa choca cho người dân.

Từ năm 2010, việc dồn điền đổi thửa ở tất cả các xã, thị trấn của Kiến Xương đã giảm được đáng kể số thửa ruộng canh tác, tăng diện tích từng thửa, mỗi hộ dân có từ 1 - 2 thửa ruộng. Điều này đã thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như tạo điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động thời vụ, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người lao động. Toàn huyện hiện có 1.529 máy làm đất các loại, 239 máy gặt đập liên hợp, 25 máy cấy, 181 máy bơm điện, 148 máy bơm dầu... đã giúp cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 95% khâu thu hoạch, 100% khâu điều tiết nước... Nhiều địa phương áp dụng hình thức gieo mạ khay cấy máy, đưa diện tích cấy máy của huyện đạt khoảng 5% diện tích. Cùng với đó là việc đẩy mạnh tiếp thu ứng dụng các tiến bộ mới về sử dụng phân bón, bảo vệ thực vật, giống cây trồng... góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm và giảm chi phí sản xuất cho người dân.

Đặc biệt, các hình thức thuê, mượn ruộng, liên kết để tích tụ ruộng đất với diện tích lớn đã xuất hiện từ năm 2015 ở Kiến Xương. Đến nay, toàn huyện có trên 400ha được tích tụ với quy mô từ 2ha trở lên bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Điển hình có 3 doanh nghiệp và 3 hộ dân thuê ruộng với diện tích trên 10ha để tổ chức sản xuất nông nghiệp là: Công ty Vilatats thuê 17ha, Công ty TNHH Hưng Cúc 17ha, Công ty TNHH Khang Long 10ha, ông Đặng Văn Quang (xã Bình Minh) 24ha, ông Trần Xuân Lưỡng (xã Quang Hưng) 20ha, ông Nguyễn Văn Sơn (xã Vũ Thắng) 10ha. 

Ngoài ra, Kiến Xương cũng hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hợp đồng cung cấp giống và thu mua sản phẩm với các doanh nghiệp. Hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều có vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích gần 1.300ha, bao gồm sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa, sản xuất cây màu. Toàn huyện có 20 cánh đồng lớn được các hộ dân sản suất cùng giống, cùng thời vụ, áp dụng cùng một quy trình thâm canh, cơ giới hóa đồng bộ khâu làm đất, thu hoạch. 

Đến nay có 20 doanh nghiệp thực hiện việc liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm lúa, ngô, rau màu các loại với các địa phương trong huyện, hàng năm thu mua 15.000 tấn thóc, 1.500 tấn rau màu các loại. Tiêu biểu như mô hình liên kết sản xuất giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed với các xã Bình Định, Bình Thanh, Hồng Tiến, Minh Tân, Vũ Hòa sản xuất lúa giống và lúa hàng hóa với tổng diện tích liên kết sản xuất trên 1.000ha/năm, sản lượng thu mua 6.000 tấn lúa/năm, trong đó phần lớn là sản xuất lúa giống nên giá trị hàng hóa cao hơn lúa hàng hóa khác từ 1,2 - 1,3 lần. Hay như mô hình liên kết sản xuất cây rau màu các loại như ngô giống, đậu tương rau, dưa gang trắng, dưa chuột bao tử, rau sạch, khoai tây, ớt giữa các đơn vị như: Công ty TNHH Đồng Giao (Ninh Bình), Công ty Cổ phần Đức Lộc (Hải Dương), Công ty TNHH Thanh Nhàn với các xã Vũ An, Vũ Ninh, Vũ Lễ... đã được hình thành và duy trì nhiều năm qua với diện tích 200ha/năm, thu mua 1.500 tấn/năm, hiệu quả sản xuất tăng gấp 2 - 3 lần so với sản xuất lúa thông thường. 

Bên cạnh đó, việc lưu giữ và phát huy thế mạnh của địa phương để dần hình thành thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cũng được chú trọng. Vùng lúa nếp đặc sản ở các xã Vũ Tây, An Bình với diện tích 500ha được duy trì, hàng năm cung cấp ra thị trường 5.000 tấn thóc.

HTX SXKD DVNN xã Thanh Tân quy vùng trồng rau sạch.

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định cho biết: Đến nay, HTX đã liên kết với 3 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, trong đó việc liên kết với Công ty TNHH Hưng Cúc để sản xuất lúa giống khá hiệu quả. Với hình thức HTX bán hộ sản phẩm cho xã viên không có đầu tư ứng trước, căn cứ theo giá thu mua đã thương thảo với doanh nghiệp, cán bộ HTX chủ động điều tra thị trường đề nghị với công ty điều chỉnh giá thu mua cho hợp lý. Thành công nhất là xã viên được HTX thanh toán tiền mặt ngay sau khi cân hàng theo đúng nghĩa “tiền tươi thóc thật”. Từ năm 2008 đến năm 2018, HTX đã tiêu thụ được 5.677 tấn thóc cho nông dân đem lại doanh thu đạt trên 45 tỷ đồng, xã viên hưởng lợi trên 10 tỷ đồng. Riêng năm 2018, HTX đã tiêu thụ 265 tấn thóc BC15, 471 tấn thóc TBR225 và 19 tấn thóc Đông A1 cho xã viên với doanh thu đạt 6,8 tỷ đồng.

Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, giá trị sản xuất nông nghiệp của Kiến Xương có sự tăng trưởng cao: năm 2018 đạt 2.864,5 tỷ đồng, tăng 2.137,9 tỷ đồng; giá trị sản phẩm bình quân đạt 112,7 triệu đồng/ha, tăng 40,1 triệu đồng/ha so với năm 2010. Những kết quả đó còn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để Kiến Xương sớm về đích huyện nông thôn mới trong thời gian tới.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày