Thứ 6, 26/04/2024, 12:05[GMT+7]

Đài truyền thanh thông minh: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền tại cơ sở

Thứ 2, 21/06/2021 | 14:18:31
2,535 lượt xem
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông (CNTTVT) với nhiều tính năng vượt trội, đài truyền thanh (ĐTT) thông minh đang dần khẳng định vị trí trong nỗ lực chuyển đổi số, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác truyền thanh cơ sở.

Cán bộ Đài Truyền thanh xã Đông Dương (Đông Hưng) vận hành chương trình phát sóng.

Thay vì phát thanh thông qua sóng FM, ĐTT thông minh thế hệ mới sử dụng công nghệ IP để truyền và nhận bản tin phát thanh qua mạng internet, sóng 3G/4G. Hệ thống thiết bị gọn nhẹ, đơn giản, lắp đặt sử dụng dễ dàng, thuận lợi cho nhân viên điều khiển, nhân sự vận hành cần ít hơn so với ĐTT truyền thống. Đài được tích hợp với hệ thống cũ để hoạt động song song, giúp lưu trữ và quản lý tốt các nội dung đã phát, điều khiển hoàn toàn trên máy tính, thiết bị di động, giúp phổ biến, tuyên truyền thông tin dễ dàng, nhanh gọn. Các cấp có thẩm quyền dễ dàng kiểm soát thông tin, quản lý chương trình, lịch phát thanh với độ bảo mật cao. Việc phát các bản tin linh hoạt, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa hoặc từng khu vực, lịch phát thanh được đặt theo giờ, ngày hoặc tuần. Đặc biệt, nhờ tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI có thể tự động nhận dạng và chuyển văn bản sang giọng nói tự động, chuyển tệp tin âm thanh để phát ra hệ thống loa mà không cần phát thanh viên thu âm. Đài không dây, giúp bảo đảm mỹ quan đô thị, cho chất lượng âm thanh tốt, tiếng trong, không có tạp âm, có thể tiếp sóng trực tiếp hệ thống đài trung ương và tỉnh, chấm dứt hoàn toàn tình trạng chèn sóng, nhiễu sóng, thu âm và phát thanh mọi lúc, mọi nơi…

Xã Đông Dương (Đông Hưng) là một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh cùng thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) và phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) được Sở Thông tin và Truyền thông lựa chọn triển khai đầu tư thí điểm xây dựng mô hình ĐTT thông minh. Sau một thời gian khai thác, sử dụng, những hiệu quả của ứng dụng CNTTVT đã giúp nâng cao chất lượng công tác truyền thanh của địa phương. Ông Bùi Văn Vận, Trường Đài Truyền thanh xã Đông Dương cho biết: Sau khi tiếp nhận và vận hành hệ thống ĐTT thông minh, là cán bộ truyền thanh cơ sở đã công tác lâu năm, gắn bó với việc sản xuất tin, bài, phát sóng các chương trình, chưa bao giờ tôi thấy khối lượng công việc được giảm tải rõ rệt như hiện nay. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương có những phản hồi tích cực nhờ nâng cao công tác tuyên truyền. Đặc biệt, hệ thống ĐTT thông minh đã phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền nhanh, kịp thời trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuyên truyền phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cùng các sự kiện quan trọng khác tại địa phương.

Cùng nhận định trên, ông Phạm Văn Nam, Trường đài Truyền thanh thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) chia sẻ thêm: Trước đây, chúng tôi sử dụng hệ thống ĐTT có dây và truyền thanh sóng ngắn FM để truyền tải thông tin tới nhân dân. Tháng 11/2020, đơn vị được thí điểm trang bị hệ thống ĐTT thông minh FMIP ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 gồm máy tính, bàn trộn âm thanh, bộ tích hợp, thiết bị thu phát, loa 25WW, thiết bị tích hợp số hóa và sim 3G/4G. Sau một thời gian triển khai, chúng tôi rất tâm đắc khi hệ thống truyền thanh thông minh đã vận hành tốt và khẳng định nhiều tính năng vượt trội so với các phương thức truyền thanh truyền thống trước đây. Những hạn chế của hệ thống truyền thanh cũ như: bắt buộc phải có diện tích đặt bộ thu phát, thiết bị tăng âm, phụ trợ, dễ bị nhiễu sóng trong mùa mưa bão, nhân lực bảo dưỡng lớn… nay đã được khắc phục hoàn toàn.

Từ lâu, hệ thống ĐTT cơ sở xã, phường đã khẳng định vị trí là kênh thông tin thiết yếu, có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân, đặc biệt là địa bàn nông thôn. Hiện toàn tỉnh có 259 ĐTT có dây và ĐTT không dây FM đang hoạt động, trong đó 223 xã đang sử dụng ĐTT không dây FM. Cơ sở vật chất cùng hệ thống của nhiều ĐTT đã xuống cấp, nhân lực thiếu cùng nhiều yếu tố khác đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác tuyên truyền. Để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân, việc từng bước đưa ĐTT thông minh với nhiều ứng dụng CNTTVT là xu thế tất yếu.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Ghi nhận những hiệu quả tích cực từ các địa phương được lựa chọn triển khai đầu tư thí điểm xây dựng mô hình ĐTT thông minh, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền để nhân rộng và nâng cao chất lượng hệ thống truyền thanh cơ sở. Theo các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện Kế hoạch số 50/KH-UBND, ngày 22/5/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình, xác định việc triển khai nhân rộng ĐTT thông minh góp phần cải tạo, nâng cấp chất lượng truyền thanh cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm, Sở đã tập trung chuyển đổi 18 ĐTT không dây hoạt động trong băng tần 87-108 MHz sang ĐTT thông minh. Những năm tiếp theo sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí, từng bước thực hiện chuyển đổi theo lộ trình. Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề xuất các địa phương, đơn vị bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở, trong đó khuyến nghị lựa chọn giải pháp ĐTT thông minh.

Với những ưu điểm vượt trội, mô hình ĐTT thông minh cần tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đáp ứng hiệu quả yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, nâng cao hiệu quả tuyên truyền tại cơ sở, đồng thời khẳng định quyết tâm của Thái Bình trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh.

Minh Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày