Thứ 7, 27/04/2024, 20:37[GMT+7]

Phụ nữ Đông Hưng: Chung tay bảo vệ môi trường

Thứ 6, 19/01/2024 | 06:20:54
4,643 lượt xem
“Nếu trước đây chị em thường nghĩ bảo vệ môi trường là việc khó, nặng nhọc, phụ nữ “chân yếu, tay mềm” không làm được thì sau khi được các cấp hội phụ nữ tuyên truyền, vận động, được trực tiếp tham gia các mô hình bảo vệ môi trường, chị em đã nhận thức được bảo vệ môi trường là bắt đầu từ những hành động cụ thể, thiết thực trong chính ngôi nhà của mình rồi đến nơi công cộng” - đó là chia sẻ của bà Vũ Thị Thuần, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đông Hưng.

Bà Vũ Thị Xuân, xã Đông Quang (Đông Hưng) phân loại rác thải tại hộ gia đình, góp phần bảo vệ môi trường.

Cùng nhau sống xanh, sạch

Nhận thùng đựng rác có nắp do Hội LHPN xã Đông Quang tặng, bà Vũ Thị Xuân, thôn Hồng Phong phấn khởi đưa về nhà làm theo hướng dẫn. Bà cho biết: Tôi mang về đào hố ở vườn đặt thùng đựng rác xuống. Hàng ngày, tôi đổ vào thùng rác thải hữu cơ, rắc chế phẩm vi sinh lên, khi đầy sẽ trồng cây, rác sẽ là phân bón cho cây xanh tốt. Rác thải rắn có thể tái sử dụng như chai lọ, vỏ lon, bìa các tông, sách vở... tôi gom lại tham gia mô hình “Biến rác thải thành tiền” của Chi hội Phụ nữ thôn Hồng Phong, số rác còn lại phần thì đốt, phần đưa ra nơi tập kết để tổ thu gom rác đưa đi xử lý. Tôi mừng vì hành động nhỏ của mình làm nhà cửa sạch sẽ, còn biến rác thành tiền giúp được một số hoàn cảnh khó khăn.

Bà Xuân chỉ là 1 trong 200 hội viên phụ nữ tham gia mô hình điểm “Phân loại rác thải tại nguồn” do Hội LHPN xã Đông Quang triển khai. Các bà, các chị đã thực hiện đúng quy trình phân loại rác tại hộ do cán bộ chuyên môn hướng dẫn, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường, xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao tại địa phương.

Xác định trong gia đình, phụ nữ thường là người sử dụng và trực tiếp giải quyết các vấn đề về rác thải sinh hoạt, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã triển khai và được đông đảo hội viên nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch”. Trong năm 2023, Hội LHPN huyện phối hợp với các xã Đông Sơn, Đông Quang, Nguyên Xá, Đông Hoàng, Đông Tân ra mắt và duy trì 5 mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”, mỗi mô hình 150 - 200 thành viên. Để mô hình hoạt động hiệu quả, Hội LHPN huyện phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ quy mô hộ gia đình, trao tặng thùng đựng rác, nắp đậy và chế phẩm vi sinh cho 900 phụ nữ. Các sơ sở hội cũng đã trao trên 100 làn nhựa nhằm khuyến khích hội viên sử dụng để đi chợ đựng đồ, hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt, chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường. Thông qua việc triển khai các cuộc vận động, các mô hình đã làm thay đổi thói quen, nhận thức và hành động của hội viên về các hoạt động bảo vệ môi trường.

Mô hình nhỏ, lan tỏa lớn

Cứ đến ngày thu gom phế liệu của Chi hội Phụ nữ thôn Thọ Sơn, xã Minh Phú, dù bận việc gì bà Lê Thị Thiếu cũng tranh thủ chở phế liệu gom được đến nhà văn hóa thôn ủng hộ. Bà Thiếu cho biết: Phế liệu như chai lọ, bìa các tông, giấy, sắt vụn... trước đây gia đình thường vứt đi nhưng từ khi Chi hội thực hiện mô hình “Biến rác thải thành tiền” hàng ngày tôi đều phân loại, gom rác có thể tái chế lại cùng hội viên khác tham gia mô hình. Chứng kiến niềm vui trên khuôn mặt phụ nữ nghèo, trẻ em mồ côi khi nhận tiền, đồ dùng học tập mà Chi hội trích từ tiền bán phế liệu trao tặng tôi cũng thấy vui. Hành động nhỏ của mình vừa giúp được người khác vừa góp phần bảo vệ môi trường, vì vậy tôi duy trì thường xuyên, đồng thời vận động con cháu cùng tham gia hưởng ứng mô hình.

Tuyến đường phụ nữ tự quản xã Đông Xá (Đông Hưng).

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Phú chia sẻ:  Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ xây dựng thói quen sử dụng sản phẩm dễ phân hủy, gom rác có thể tái chế, tái sử dụng để góp phần bảo vệ môi trường. Toàn xã đã xây dựng, duy trì hiệu quả 9 mô hình “Biến rác thải thành tiền” của Ban Chấp hành Hội LHPN xã và 8 thôn. Trong 2 năm triển khai đã thu gom phế liệu bán được trên 24 triệu đồng, trích trao 8 hũ gạo tình thương với 10kg gạo/hũ/tháng, tặng 99 suất quà cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đỡ đầu 5 trẻ mồ côi với mức 900.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/năm/trẻ; duy trì 2 cặp lá yêu thương trị giá 1,2 triệu đồng/cặp lá/năm học; tặng 62 thẻ bảo hiểm thân thể, 5 thẻ bảo hiểm y tế cho phụ nữ khó khăn đã tiếp thêm nghị lực cho họ vươn lên trong cuộc sống.

Ven các con đường trên địa bàn xã Đông Xá trước kia cỏ mọc rậm rạp, người dân có thói quen chăn thả gia súc hoặc vứt rác bừa bãi dẫn đến mất mĩ quan, ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng đó, Hội LHPN xã tổ chức dọn dẹp cây cỏ, khơi thông cống rãnh và “hiến kế” trồng hoa bên đường. 

Bà Vũ Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ: Lúc mới phát động nhiều chị em không ủng hộ, cán bộ hội phải tiên phong làm trước, tìm giống hoa phù hợp để trồng, phân công nhau cắt tỉa, chăm sóc. Dần dần hoa nở dọc lối đi, những con đường trở nên rực rỡ, sạch đẹp, người dân nhận thấy mô hình đã làm thay đổi diện mạo quê hương, ai ai cũng tự hào, chung tay cùng vun trồng, chăm sóc các đoạn đường hoa. Hội LHPN xã không chỉ xây dựng thành công mô hình “đường hoa phụ nữ” đầu tiên, tiêu biểu của toàn huyện mà còn gắn biển công trình cây xanh, nhận tự quản tuyến đường trục xã dài gần 2km.

Sau Đông Xá, nhiều địa phương khác chị em phụ nữ cũng lan tỏa phong trào trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường. Trong 2 năm qua, các cơ sở hội đã đảm nhận trồng và chăm sóc 23 công trình cây xanh, nhiều tuyến đường hoa, cây bóng mát các loại, thường xuyên ra quân dọn cỏ, cắt tỉa, chăm sóc để cây xanh tốt, nở hoa, khoe sắc, làm bừng sáng các đường quê. Chị em phụ nữ đã trở thành “hạt nhân” lan tỏa các phong trào bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, huyện Đông Hưng đã có xã Đông Phương được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; hai xã Đông Hoàng, Phong Châu đang đề nghị tỉnh thẩm định công nhận xã NTM nâng cao.

Đông đảo các bà, các chị tham gia mô hình “Biến rác thải thành tiền” của Chi hội phụ nữ thôn Bến Hòa, xã Đông Động.


Hiếu Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày