Chủ nhật, 28/04/2024, 06:08[GMT+7]

Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ 2, 18/03/2019 | 08:45:44
882 lượt xem
Với bờ biển dài 54km, Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Song tỉnh cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và các thiên tai khác như bão, áp thấp nhiệt đới hay tình trạng xâm nhập mặn... Đây thật sự là thách thức không nhỏ, trong điều kiện nền kinh tế của tỉnh vẫn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống đê, kè được xây dựng đáp ứng yêu cầu ứng phó với thiên tai.

Qua khảo sát và diễn biến thực tế, BĐKH đã diễn ra nhanh hơn so với các kịch bản dự báo. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, sạt lở gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Quá trình sạt lở bờ sông diễn ra trên hầu hết các sông của tỉnh: sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, nhất là các tuyến dân cư khu vực ven biển hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp về thời tiết do BĐKH gây ra, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT). Xây dựng nhiều kịch bản nhằm chủ động ứng phó và các giải pháp thích nghi theo hướng biến các nguy cơ thành cơ hội và thời cơ. Triển khai lồng ghép việc thực hiện chương trình ứng phó với BĐKH trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; chương trình hành động, kế hoạch BVMT tỉnh Thái Bình; quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước mặt tỉnh Thái Bình đến năm 2020... Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn và phương án sơ tán người dân vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai như ven sông, ven biển, vùng bị sạt lở; kiểm tra phương tiện ứng phó, công tác chuẩn bị, chủ động của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp công trình để giảm thiểu thiệt hại khi nước biển dâng, theo đó, tỉnh đã triển khai xây dựng, khép kín các tuyến đê biển; xây dựng hệ thống kè lấn biển nhằm phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển; quy hoạch, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khu dự trữ sinh quyển vùng biển huyện Tiền Hải, vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy, khu vực cồn Vành, cồn Đen. Xây dựng các điểm quan trắc nước biển ven bờ, thường xuyên thực hiện lấy mẫu, quan trắc, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường nước biển ven bờ của tỉnh, qua đó nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hiện tượng gây ô nhiễm môi trường nước biển, bảo vệ sản xuất nuôi trồng thủy sản vùng bãi triều ven biển. Ngoài ra còn tiến hành điều tra các nguồn thải từ lục địa ra biển, phục vụ xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý ô nhiễm biển và vùng biển ven bờ do nguồn thải từ lục địa gây ra. Đồng thời, tăng cường hợp tác, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các tổ chức quốc tế trong hoạt động điều tra, khảo sát và bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái biển và ven biển theo hướng bền vững.

Công tác tuyên truyền với vai trò chủ lực của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về BVMT, ứng phó với BĐKH. Một hình thức tuyên truyền quan trọng là lồng ghép tuyên truyền, giáo dục về BVMT, ứng phó với BĐKH trong hệ thống giáo dục và đào tạo từ mầm non đến đại học. Ngoài ra còn có hình thức tuyên truyền miệng, tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, câu lạc bộ, tuyên truyền qua hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên, nhất là vùng ven biển.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo hướng “thích nghi”, “thích ứng” với BĐKH. Trong đó, tập trung tuyên truyền các mô hình tốt, cách làm hay về chủ động thích ứng với BĐKH, các phương án, cách thức thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh, tổ chức đời sống dân cư để thích nghi với điều kiện BĐKH; quy hoạch sản xuất cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn...

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày