Thứ 3, 07/05/2024, 14:52[GMT+7]

Đổi mới phương pháp dạy học Yếu tố quyết định chất lượng giáo dục

Thứ 2, 21/02/2011 | 08:15:40
8,882 lượt xem
Ngành giáo dục - đào tạo đã xác định: Đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu quan trọng, là yếu tố quyết định đến sự sống còn của chất lượng giáo dục. Vì thế, Sở GD-ĐT coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tập trung quản lý thực hiện trong mỗi năm học.

Ảnh: Ngô Quang Yên (An ninh - Tiền Hải)

Đổi mới từ nhận thức...

 

Đổi mới phương pháp dạy học đang đặt ra cho toàn ngành những thách thức mới. Không phải đã biết quan niệm: Làm cho có phong trào và đổi mới cũng chỉ như “bình cũ rượu mới”. Đồng thời, xuất hiện hai tầng tư tưởng: tuyệt đối hóa việc đổi mới phương pháp dạy học, dẫn đến giáo viên cảm nhận... quá sức mình; từ đó, mà ngại tiếp cận, bởi họ thấy các điều kiện về năng lực bản thân, cơ sở vật chất của trường học, đối tượng học sinh khó cho họ thực hiện đổi mới cách dạy.

 

Luồng tư tưởng thứ 2 là: Bình thường hóa, xem thường dẫn đến nhận thức và thực hiện qua loa, bằng lòng với cách dạy, cách học cũ. ở trường hợp này, giáo viên dễ đối phó, ít tập trung vào nghiên cứu tài liệu, không chịu khó học hỏi kinh nghiệm dẫn đến chất lượng thấp, không theo kịp yêu cầu giáo dục.

 

Song song với việc làm cho đội ngũ giáo viên nhận thức đúng về đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) thì đồng thời phải xây dựng được hệ điều kiện để giáo viên có thể thực hiện thành công việc đổi mới phương pháp dạy mới. Tạo bước chuyển mạnh mẽ và thực chất về các hoạt động đổi mới PPDH theo chủ trương: “Nói không với phương pháp đọc - chép” và “nói không với nhìn - chép”; tạo phong trào thi đua sử dụng công nghệ mới trong giảng dạy, không làm theo kiểu phong trào thuần túy.

 

Chủ trương chỉ đạo của Sở là: Đổi mới một cách thiết thực phương pháp dạy của thầy; phương pháp học của trò... tạo nền tảng để có sự tiến bộ đích thực về chất lượng của nhà trường. Đổi mới phải lấy hiệu quả làm định hướng và phải bắt đầu từ khát vọng, hoàn thiện tay nghề của giáo viên. Sử dụng hiệu quả các phương tiện dạy học hiện có, tích cực sưu tầm, mua sắm, tự làm các phương tiện thiết bị phục vụ cho giảng dạy học tập tốt hơn. Mỗi giáo viên phải chủ động đổi mới PPDH từ việc soạn bài đến việc giảng dạy trên lớp sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, tích cực áp dụng CNTT trong việc soạn giảng...

 

...đến tổ chức thực hiện các điều kiện

 

Khi đã làm chuyển biến được nhận thức của cán bộ, giáo viên về đổi mới PPDH chưa đủ, cần có các điều kiện để đổi mới phương pháp dạy học. Nếu không sẽ lại rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”. Vì thế, Sở GD-ĐT đã xác định rõ ngay từ đầu là phải có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn tăng cường nâng cao nhận thức của CBGV trong thực hiện chương trình giáo dục. Thực tiễn cho thấy: nếu giáo viên non yếu về kiến thức, không nắm chắc quy trình, đặc trưng bộ môn, lý luận phương pháp dạy học... thì không thể đòi hỏi gì ở họ việc đổi mới PPDH.

 

Hiện tại, đội ngũ giáo viên có tuổi gặp rất nhiều khó khăn trong việc đổi mới  PPDH. Giáo viên trẻ năng nổ nhiệt tình, song năng lực và kinh nghiệm hạn chế. Vì vậy, việc tổ chức tốt công tác tự bồi dưỡng và bồi dưỡng đội ngũ là yêu cầu cấp thiết đối với các nhà trường, bao gồm: nâng cao kiến thức của giáo viên các bộ môn, giúp giáo viên biết căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của trương trình; chủ động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch dạy học, xác định mục tiêu, thiết kế bài học theo các phương pháp học tập tích cực, lấy học sinh làm trung tâm.

 

Nắm vững phương pháp dạy học, quy trình và phương pháp đặc trưng của từng bộ môn. Từ đó, biết cách lựa chọn sử dụng linh hoạt hệ thống các phương pháp cho phù hợp với nội dung của tiết học. Bồi dưỡng và nâng cao trình độ tin học để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới PPDH. Trang bị kiến thức để giáo viên thực hiện tốt việc đổi mới kiểm tra, đánh giá. Vì trong quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá được ví như bánh lái của một con thuyền; định hướng hoạt động của giáo viên, học sinh. Đồng thời, cung cấp thông tin giúp cho cán bộ quản lý biết được thực trạng của quá trình dạy học, kịp thời có những điều chỉnh kịp thời.

 

Chỉ đạo sinh hoạt tổ chuyên môn cần tập trung vào các vấn đề đổi mới PPDH, đổi mới kiểm tra để đánh giá bám sát theo chuẩn kiến thức kỹ năng, sử dụng thành thạo thiết bị dạy học, từng bước chủ động đưa các kỹ thuật học tập tích cực vào trong trường học. Quan tâm xây dựng môi trường học tập cho học sinh. Bởi, đổi mới PPDH chỉ thực sự có kết quả nếu Hiệu trưởng biết xây dựng môi trường học tập của học sinh từ phía gia đình. Mọi người trong gia đình phải có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ của con em, cùng với nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục. Nếu gia đình không đủ sách vở, dụng cụ học tập, không đảm bảo thời gian và động viên việc tự học của học sinh ở nhà.

 

Quan hệ gia đình và nhà trường không được duy trì thường xuyên, học sinh đến lớp không thực hiện các yêu cầu của giáo viên như: ôn kiến thức cũ, chuẩn bị bài mới, làm bài tập... thì giáo viên không thể đổi mới phương pháp dạy học được. Quá trình chỉ đạo đổi mới PPDH, một yêu cầu bắt buộc đối với người quản lý chuyên môn là phải có kế hoạch, mục tiêu cụ thể, tránh chỉ đạo chung chung, đến đâu hay đó. Kế hoạch phải bảo đảm các yêu cầu: Phân tích rõ thực trạng của đội ngũ về: năng lực sư phạm, điều kiện phục vụ cho dạy và học so với yêu cầu để đổi mới PPDH. Xây dựng cách tổ chức học tập, theo giảng chuyên đề theo tổ nhóm chuyên môn và theo nhà trường. Hệ thống các giải pháp đánh giá chỉ đạo phải thật cụ thể rõ ràng.

 

Qua một thời gian ngắn thực hiện đổi mới PPDH của Bộ Giáo dục  đào tạo, đã có được kết quả bước đầu: Đưa hoạt động đổi mới PPDH thành nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo chuyên môn và là một nội dung đánh giá xếp loại thi đua của các nhà trường. Xây dựng được phong trào đổi mới PPDH ở các nhà trường và trong mỗi giáo viên đã có ý thức đổi mới PPDH, coi đó là việc làm sống còn của mình. Đẩy mạnh phong trào tự học, tự bồi dưỡng, đúc rút kinh nghiệm trong đội ngũ giáo viên để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

 

Những biện pháp chỉ đạo đổi mới PPDH trong thời gian qua đã đem lại chất lượng đội ngũ giáo viên các nhà trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ; số lượng giáo viên giỏi tăng, chất lượng giáo dục văn hóa được nâng lên rõ rệt, cụ thể: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT: 99,63%; trong đó, giỏi 2,08%; khá 22,54%; đứng thứ hai toàn quốc. Có 9 trường THPT nằm trong tốp 200 trường có tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường ĐH-CĐ cao nhất cả nước.

 

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa