Thứ 7, 27/04/2024, 20:21[GMT+7]

Giáo dục Hưng Hà Tất cả các dòng sông đều chảy

Thứ 2, 19/09/2011 | 15:03:57
2,668 lượt xem
Năm học 2010 – 2011, giáo dục Hưng Hà có 11/11 tiêu chí thi đua được Sở Giáo dục và Đào tạo khen; xếp thứ 3/8 huyện, thành phố, được đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo tặng bằng khen. 

Học sinh Trường THCS Lê Danh Phương (Thị trấn Hưng Hà) trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Thành Tâm

Các thế hệ lãnh đạo ở Hưng Hà luôn chăm lo, dành nhiều sự quan tâm để phát triển giáo dục tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Một vùng đất, mà không ở đâu được như Hưng Hà là có một nhà bác học nổi tiếng như Lê Quý Đôn và cũng không phải có nhiều vùng đất “địa linh nhân kiệt” như ở Hưng Hà. Nhân dân Hưng Hà thấm nhuần từ rất sớm lời căn dặn của Bác Hồ, khi Người về thăm và động viên, nhân sự kiện vỡ đê Đìa: “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Bác đã thổi vào khát vọng được xóa mù chữ, được học tập vào tiềm thức các thế hệ người dân Hưng Hà cách đây 66 năm. Trong bảng vàng các tiến sĩ, khoa bảng các thời kỳ và ngay trong những năm của thế kỷ XX, thế kỷ XXI, Hưng Hà có rất nhiều người được vinh danh. Nền móng ấy, không lý do gì không xây nên thành trì bền vững cho giáo dục.

Còn nhớ, hôm công bố quyết định thành lập trường THCS Lê Danh Phương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà Nguyễn Hồng Chuyên đã khẳng định: Từ trong tâm khảm những người đang giữ trọng trách lãnh đạo 25 vạn dân Hưng Hà không giờ phút nào nguôi ngoai sự trăn trở về sự nghiệp giáo dục. Làm rõ nguyên nhân để đưa giáo dục phát triển ngang tầm với yêu cầu của thực tiễn là mong muốn của cấp ủy, chính quyền huyện, là trọng trách mà lịch sử và truyền thống cha ông đã phó thác cho thế hệ lãnh đạo đương thời.

“Mổ xẻ” vấn đề trì trệ của giáo dục Hưng Hà có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khách quan và chủ quan. Song có một điều ai cũng thấy đó là yếu tố con người, là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Phòng Giáo dục, lãnh đạo các nhà trường và chính quyền các địa phương. Sự lỏng lẻo trong quản lý điều hành, cộng với tư tưởng “bình quân chủ nghĩa” đã làm cho giáo dục Hưng Hà không phát triển lên được. Cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, cơ chế chính sách cho các thầy giáo, cô giáo... Không đáp ứng yêu cầu “đổi mới phương pháp dạy học”, không làm động lực cho giáo dục phát triển.

Mấy năm gần đây, bộ máy tổ chức của Phòng Giáo dục có sự thay đổi; người đứng đầu dù còn mặt này, mặt khác cần hoàn thiện những điều quan trọng là biết tham mưu, biết quy tụ sự đoàn kết và có những quyết sách đúng để gỡ bỏ sự trì trệ và thổi sinh khí mới vào phong trào đang ở thời kỳ “đóng băng”. Cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã như ngọn gió mát thổi vào cánh đồng khô úa vốn từng ngự trị bấy lâu: đó là bệnh thành tích. Kết quả năm học 2010 – 2011 và các năm trước cho thấy: Dạy thật, học thật và kết quả thật vẫn là bước đi bền vững.

Cách đây 5 năm, chúng tôi đã có bài viết đề cập đến sự chuyển động của giáo dục Hưng Hà và dự báo: “Không bao lâu đơn vị này sẽ vươn lên ngang bằng với các huyện mạnh của tỉnh”. Theo đánh giá gần đây của Phòng Giáo dục – Đào tạo Hưng Hà cho thấy. Quy mô trường lớp được duy trì ổn định. Công tác số lượng phổ cập có nhiều tiến bộ, tỷ lệ trẻ ra lớp ở nhà trẻ và mầm non tăng; trẻ 5 tuổi học mẫu giáo đạt 100%. Chất lượng giáo dục chăm sóc trẻ có nhiều chuyển biến tích cực. Học sinh Hưng Hà đến trường được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục một cách khoa học, trong một môi trường giáo dục thân thiện, hiệu quả. Do đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở mầm non giảm mạnh; học sinh tiểu học, THCS cơ bản chăm ngoan, nắm vững được kiến thức, kỹ năng theo chuẩn chương trình các môn học.

Công tác xây dựng trường  chuẩn quốc gia – được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp học được thực hiện khá hiệu quả. Toàn huyện có thêm 10 trường được công nhận chuẩn quốc gia. Trong đó có 4 trường tiểu học được đề nghị chuẩn mức 2. Hầu hết các mảng hoạt động đều ổn định và có tiến bộ vững chắc.

Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi có tiến bộ vượt bậc và toàn diện cả ở cấp Tiểu học và THCS. Thi giao lưu Toán tuổi thơ cấp tỉnh có 33/40 học sinh tham gia đoạt giải gồm: 3 HCV, 14 HCB, 16 HCĐ. Lần đầu tiên, Hưng Hà đoạt huy chương bạc đồng đội. Em Trần Thị Phương Thanh (Tiểu học thị trấn Hưng Hà) vinh dự là một trong 6 học sinh của Thái Bình, được tham gia giao lưu toàn quốc và đoạt huy chương bạc. Đội tuyển giáo viên, học sinh viết chữ đẹp tiếp tục giữ vững giải nhì cấp tỉnh; Hội giảng giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đoạt giải ba. Tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh có 61/80 học sinh được công nhận giỏi cấp tỉnh, tăng 12 em. Cả 8/8 môn đạt giải đồng đội gồm: môn Sinh học đạt giải nhất 4 đội tuyển đạt giải nhì: Toán, Lý, Ngữ văn, Địa; các môn: Hóa, Tiếng Anh đạt khuyến khích. 100% các xã , thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học cho người lớn đến 35 tuổi, tỷ lệ người được phổ cập đạt 98,45%. Phổ cập giáo dục THCS cho thanh niên đến 25 tuổi, tỷ lệ người được phổ cập đạt 95,48%.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi đưa ra nhận định: “Giáo dục Hưng Hà - tất cả các dòng sông đều chảy” là phù hợp với đánh giá, nhận xét của Trưởng phòng Trịnh Hồng Vân. Hầu hết các mảng hoạt động đều ổn định và có tiến bộ vững chắc.

Phạm Viết Thanh

 

  • Từ khóa