Thứ 7, 27/04/2024, 20:23[GMT+7]

Hội Khuyến học Thái Bình 11 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ 2, 26/09/2011 | 10:14:29
1,699 lượt xem
Hội Khuyến học Thái Bình được thành lập từ năm 2000 theo Quyết định số 1650 của UBND tỉnh. Ngay từ ngày đầu thành lập, Hội đã xác định mục tiêu phấn đấu và phương châm hoạt động là: “Phát triển tổ chức Hội nhanh mạnh, rộng khắp, vững chắc, gắn liền với xây dựng xã hội học tập (XHHT)”

Chào năm học mới. Ảnh: Thành Tâm

Tư tưởng chỉ đạo đó được thực hiện nhất quán ngay từ ngày đầu và trong suốt cả quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của Hội. Đến nay, trên tất cả các địa bàn toàn tỉnh đề có tổ chức Hội và hoạt động khuyến học. Hiện có 626 Hội Khuyến học cơ sở, 3370 chi hội thôn, tổ dân phố, trường học, 3387 ban khuyến học dòng họ, nhà thờ, nhà chùa, đơn vị lực lượng vũ trang, với tổng số 350 ngàn hội viên bằng 19,6% dân số trong tỉnh. Những con số trên đã nói rõ sự phát triển nhanh mạnh theo mục tiêu “ở đâu có dân, ở đó có tổ chức và hoạt động khuyến học”.

Nền nếp sinh hoạt, hoạt động được tăng cường kiện toàn, hoàn thiện. Đã xuất hiện ngày càng nhiều chi hội , hội cơ sở hoạt động xuất sắc tiêu biểu. Hội Khuyến học đã có vị thế xứng đáng trong xã hội và đang phát huy vai trò ở các khu dân cư, cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang.

Hội đã thực sự trưởng thành qua các phong trào như:

1- Phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học.

Đến năm 2010, Thái Bình đã công nhận 150.943 gia đình hiếu học, đạt gần 30% số hộ trong tỉnh; công nhận 2872 dòng họ khuyến học, đạt 38,3% số dòng họ trong  tỉnh. Các phong trào này đã thực sự gắn kết với giáo dục, hỗ trợ giáo dục nâng cao chất lượng chăm lo cho việc học của mọi người, mọi nhà, góp phần xây dựng thôn làng, tổ dân phố, khu dân cư khuyến học. Phong trào này thực sự có sức hấp dẫn, có tác dụng để các tổ chức cộng đồng và nhân dân ngày càng gắn bó với Hội.

Hội viên của Hội ngày càng thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, khu dân cư khuyến học, tham gia học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng, tham gia xây dựng đơn vị XHHT cấp cơ sở. Trên địa bàn dân cư trong tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều hoạt động đậm nét khuyến học như “Tiếng kẻng, tiếng trống khuyến học của Hội vào buổi tối hàng ngày”, “mùa xuân khuyến học vào dịp Tết Nguyên Đán”, “Tháng 9 khuyến học”, “ngày hội khuyến học”, “ tuần khuyến học” vào dịp khai giảng hàng năm. Gần đây dấy lên phong trào “ nuôi heo đất khuyến học” xây dựng quỹ khuyến học gia đình. Qua đánh giá xếp loại hội cơ sở năm 2010 của các huyện và thành phố và các khối trực thuộc đã có 211 Hội hoạt động tốt, bằng 44,2%; 197 hoạt động khá, bằng 41, 3%; số còn lại là trung bình, không có yếu kém.

2 – Phong trào xây dưng Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã, phường, thị trấn

Trung tâm học tập cộng đồng được nghiên cứu xây dựng từ ngày đầu thành lập Hội và được triển khai rộng rãi từ khi có Kết luận 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đến tháng 6/2003, Thái Bình đã hoàn thành việc xây dựng 385 TTHTCĐ ở 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hội đã xây dựng 6 tiêu chuẩn của TTHTCĐ, xây dựng 1 bộ chương trình gồm 200 chuyên đề, tập trung được đội ngũ trí thức trong tỉnh, những cán bộ khoa học giỏi đầu ngành, soạn thảo, biên tập tài liệu. Thường trực Tỉnh hội tổ chức biên tập lại theo phương pháp khoa học sư phạm in thành 4 tập sách trên 2.000 trang để cho các TTHTCĐ tổ chức giảng dạy, học tập.

Hội đã tham mưu UBND tỉnh có quyết định cấp 10 triệu đồng cho 01 trung tâm hàng năm để hoạt động. Các địa phương đều trao quyền được sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị như: hội trường, câu lạc bộ, sân chơi, bãi tập, bàn ghế, tủ sách, thư viện, loa đài, tăng âm, màn hình của thôn, xã, khu phố hiện có cho ban quản lý TTHTCĐ được sử dụng. Có nơi còn trao cho cả quyền quản lý bảo quản điều phối, tổ chức sử dụng để phát huy hết tác dụng, tránh sự lãng phí của các cơ sở vật chất, thiết bị mà địa phương đã có.

Số cán bộ quản lý các TTHTCĐ toàn tỉnh đã có 4461 người luôn được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy cho Hội chủ đồng giành phần lớn ngân sách dự án cùng với giáo dục tổ chức bồi dưỡng cán bộ và giáo viên để điều hành và giảng dạy tốt ở các TTHTCĐ.

Hội đã cùng Sở GD-ĐT tham mưu  UBND tỉnh cho tổ chức kiểm tra và sơ kết sau 3 năm, triển khai tiếp 6 giải pháp cơ bản để củng cố và hoàn thiện việc tổ chức và hoạt động của các TTHTCĐ, ngày càng rõ hiệu quả, tác dụng. Riêng năm 2010 đã có 1.628.632 lượt người học tại các TTHTCĐ. Thái Bình hiện nay có 37% dân số học chính quy và không chính quy, 31% dân số được học ở các TTHTCĐ, nâng tổng số người được học lên 68%. TTHTCĐ qua kiểm tra được xếp loại tốt, xuất sắc 19,5%; khá 49,6% còn lại là trung bình, không còn trung tâm yếu kém.

3 – Xây dựng “Đơn vị XHHT cấp cơ sở”

Sau khi hoàn thành xây dựng, triển khai 6 giải pháp cơ bản để củng cố và hoàn thiện vững chắc các TTHTCĐ, Hội đã tham mưu cho Tỉnh ủy có Công văn 638 ngày 6/10/2003 về việc “Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào XHHT và Hội Khuyến học tại các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp”. Thực hiện chủ trương này, Thường trực Tỉnh hội đã xây dựng 5 tiêu chuẩn cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị XHHT cấp cơ sở” và tập huấn cho trên 500 đại biểu, lãnh đạo, cán bộ khuyến học các cơ quan, đơn vị của 5 Đảng ủy khối trực thuộc Tỉnh ủy.

Đồng thời cùng với ngành giáo dục huy động toàn thể cán bộ giáo viên toàn ngành cùng với cán bộ khuyến học và tuyên giáo các cấp tổ chức điều tra cơ bản trình độ và nhu cầu học tập của cán bộ, công nhân viên chức trong toàn tỉnh. Trên cơ sở những số liệu điều tra cơ bản mà các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch học tập cho từng đơn vị, cơ quan và từng cán bộ của mình. Cũng từ đó Hội Khuyến học các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động ngày càng có hiệu quả, giữ vững vai trò tham mưu, làm nòng cốt trong phòng trào xây dựng “Đơn vị XHHT cấp cơ sở”.

Phong trào học tập nâng cao trình độ của cán bộ công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang có bước phát triển sôi nổi, rộng khắp, đặc biệt là coi trọng việc xây dựng các “điển hình tự học, lấy tấm gương tự học” làm động lực thúc đẩy phong trào, góp phần tích cực vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, của đơn vị. Phong trào này đã xuất hiện ngày càng nhiều những cơ quan đơn vị điển hình như: Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh, Phòng hồ sơ Công an tỉnh, Cơ quan văn phòng Sở GD – ĐT, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 188 cơ quan đơn vị trực thuộc huyện và thành phố, 152 cơ quan đơn vị trực thuộc tỉnh có ban chỉ đạo xây dựng XHHT và đi vào hoạt động toàn diện các nội dung công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.

Năm 2010, toàn tỉnh đã có 433 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng “Đơn vị XHHT cấp cơ sở”. Việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại phong trào giao cho cơ sở tự kiểm tra, bước đầu đã có 383 đơn vị hoạt động tốt, có tác dụng, hiệu quả đạt 88,4%. Tất cả những việc làm trên đều được cấp ủy và chính quyền tỉnh, các huyện, thành phố và các địa phương, các cơ quan đơn vị khẳng định và đánh giá cao, và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để cho Hội hoạt động, tổ chức thực hiện ngày càng tốt hơn, có tác dụng và đạt hiệu quả hơn.

Xin trích lời trong bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2009, đồng chí Bùi Tiến Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định: “Hội Khuyến học đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền quán triệt triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tri 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sâu sắc, hiệu quả. Duy trì phong trào học tập sôi nổi rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, tập trung vào ba phong trào “Gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, xây dựng đơn vị học tập cơ sở”.

Đặc biệt năm qua, Hội đã tập trung phát triển cùng với sự chăm lo cho các phong trào học tập trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang đạt chất lượng cao hơn. Hội đã kết hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các đoàn thể trong tỉnh, nhất là ngành GD-ĐT. Tỉnh ủy, HĐND, UBND ghi nhận những đóng góp đó, nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu, những thành tích to lớn của Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh đã đạt được trong những năm qua”.

4- Hội thực sự trưởng thành từ công tác tham mưu: 11 năm qua, Hội đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành 12 văn bản dưới dạng chỉ thị, thông tri, công văn, quyết định thể hiện sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và quản lý của UBND tỉnh về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Ngoài các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, còn nhiều văn bản hướng dẫn của các ngành chức năng, của các cấp ủy và chính quyền các huyện và thành phố, các xã, phường. Tất cả đều được thường trực Hội các cấp tham mưu hướng vào nhiệm vụ xây dựng Hội vững mạnh, xây dựng thành công TTHTCĐ, xây dựng đơn vị XHHT cấp cơ sở. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng nhất tạo sự thành công của công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng XHHT ở Thái Bình trong nhiều năm qua.

5- Hội đã thực sự trưởng thành trong xây dựng tổ chức, xây dựng chương trình kế hoạch, chọn lựa việc làm, bước đi thích hợp trong từng giai đoạn như:

Giai đoạn đầu từ năm 2000 – 2004, tập trung xây dựng Hội Khuyến học rộng khắp, vững mạnh gắn liền với xây dựng TTHTCĐ.

Giai đoạn 2 từ năm 2004 – 2009, tập trung xây dựng Hội Khuyến học các cơ quan, đơn vị gắn liền với xây dựng đơn vị XHHT cấp cơ sở.

Giai đoạn 3 từ 2009 đến nay (2011), tập trung củng cố hoàn thiện Hội vững mạnh và tiếp theo là: củng cố hoàn thiện phát triển Hội thật vững mạnh làm “nòng cốt, sáng tạo, tích cực, hiệu quả” trong xây dựng XHHT.

Cũng từ chỉ đạo sâu sát, cụ thể, thực tiễn các hoạt động, các phong trào thi đua khuyến học, xây dựng các mô hình điển hình, Hội đã tổng kết được “ba mạnh” của một tổ chức Hội là: “Mạnh về tổ chức, mạnh về cán bộ, mạnh về phong trào” và “ba cần” của cán bộ Hội là: “Cần chủ động tham mưu giỏi, cần làm nòng cốt tốt, cần tuyên truyền và dân vận khéo” để mọi tổ chức, mọi người, mọi nhà từ nhận thức đến hành động đều hiểu khuyến học, chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ cùng khuyến học, tạo được những điều kiện cần thiết với tinh thần xã hội hóa để thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT mà Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Tuy vậy, những gì đã đạt được trong những năm vừa qua, dù to lớn tiêu biểu, xuất sắc, có vị trí xứng đáng trong sự nghiệp chung của cả nước thì những thành quả đó cũng chỉ coi là kết quả bước đầu. Để xây dựng thành công XHHT – một nhiệm vụ chiến lươc của Đảng và Nhà nước, con đường phía trước còn rất dài và rất gian nan cần được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhận thức sâu sắc hơn nữa, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị. Riêng Hội thì rất cần có đội ngũ cán bộ khuyến học ngày càng tham mưu giỏi, nòng cốt tốt tuyên truyền và dân vận khéo thì nhất định công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT sẽ thành công.

NGƯT Nguyễn Thanh Cầm
(Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Thái Bình)


  • Từ khóa