Chủ nhật, 28/04/2024, 21:53[GMT+7]

Trường Trung cấp nghề số 19/BQP Đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, chú trọng đầu ra cho học viên

Thứ 4, 19/10/2011 | 10:24:05
2,941 lượt xem
Hàng năm, Thái Bình có khoảng từ 2.000-2.500 bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Phần lớn thanh niên trước khi nhập ngũ đều chưa được đào tạo nghề nghiệp. Khi xuất ngũ, họ đều mong muốn có một nghề ổn định. Nắm bắt được nhu cầu học nghề của các đối tượng này, Trường Trung cấp nghề số 19 Bộ Quốc phòng đã tuyển sinh, đào tạo giúp họ có việc làm, ổn định cuộc sống.

Thí sinh tham gia thi thực hành môn Điện công nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp của Trường Trung cấp nghề số 19 Bộ Quốc phòng

Tới thăm Trường Trung cấp nghề số 19 - Bộ Quốc phòng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cơ sở vật chất, thực hành tay nghề khá quy mô, bài bản. Từ những lớp học này, trường đã đào tạo nghề cho hàng nghìn học viên, quân nhân xuất ngũ, con em các gia đình chính sách và một phần nhu cầu học nghề của xã hội. Nhà trường hiện tại đang đào tạo 5 nghề hệ trung cấp và 9 nghề hệ sơ cấp lưu lượng đào tạo hàng năm gần 1000 học sinh trung cấp nghề và từ 1900 đến 2300 học sinh sơ cấp nghề. Bên cạnh đó, dạy nghề ngắn hạn cho 350 đến 500 học viên là lao động nông thôn và lao động thuộc hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho 4500 đến 5000 lượt người (trong đó tập trung ưu tiên cho các đối tượng là bộ đội xuất ngũ).

Từ năm 2001 đến năm 2010, nhà trường đã đào tạo cho hơn 2.617 học sinh trung cấp nghề, trên 10.000 học sinh sơ cấp nghề và đào tạo nghề cho 1000 người nghèo và lao động nông thôn. Năm 2009, đoàn giáo viên nhà trường tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các trường cao đẳng và trung cấp nghề Quân đội đã đạt giải nhì toàn đoàn và 03 giáo viên dự thi đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp bộ. Tư vấn cho trên 20.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho hơn 7000 lao động và phối hợp với các cơ quan chức năng cung ứng xuất khẩu lao động sang các thị trường như Malaixia, Hàn quốc…cho gần 500 lao động mà trong đó bộ đội xuất ngũ chiếm trên 50%.

Đại tá Nguyễn Xuân Hoà- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các em học nghề các trình độ tại nhà trường là bộ đội xuất ngũ có thẻ học nghề được miễn 100% học phí; trường hợp không có thẻ học nghề và con em gia đình chính sách xã hội cũng sẽ đựơc miễn giảm một phần học phí. Các em sau khi học nghề xong ra trường sẽ được nhà trường tư vấn và giới thiệu việc làm một cách cặn kẽ, chu đáo và hiệu quả".

Và để đảm bảo uy tín về chất lượng đào tạo của nhà trường, ngoài việc nâng cao năng lực của giáo viên, đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường trang thiết bị dạy học và thực hành nghề, nhà trường kiên quyết không cho những học viên tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc ra trường. Những học viên này sẽ bị "lưu ban" và học lại những kiến thức còn thiếu. Chỉ khi nào học viên đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ nghề”.

Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ nhà giáo vững mạnh toàn diện. Cùng với việc thực hiện nghiêm quy chế tuyển chọn, nâng cao chất lượng đầu vào, nhà trường, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ giáo viên cả trước và trong quá trình giảng dạy với nhiều hình thức phù hợp như: Khuyến khích giáo viên tự nghiên cứu, học tập; đẩy mạnh các hoạt động phương pháp ở khoa; tiến hành bồi dưỡng tại chức, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới; tổ chức hội thao, hội thi giáo viên giỏi … Thông qua đó, nâng cao trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng sư phạm và các tiêu chí quy định theo chức danh nhà giáo…

Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường các biện pháp quản l‎‎ý, rèn luyện, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của đội ngũ giáo viên; từng bước bổ sung hoàn thiện các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, tôn vinh nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi cả về vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo làm việc, sinh hoạt. Đồng thời, thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục- đào tạo sát với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ. Thực hiện có hiệu quả tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “ Học đi đôi với hành; l‎‎ý luận gắn liền với thực tiễn”. Đặc biệt chú trọng gắn nhà trường với địa phương, lấy thực hành là chính. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với quản l‎ý, giáo dục, rèn luyện tạo cho học sinh có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, có tác phong công nghiệp và phẩm chất, nhân cách của người lao động đáp ứng được yêu cầu sử dụng lao động của thị trường và các doanh nghiệp.

Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học luôn được nhà trường quan tâm chú trọng. Hệ thống giảng đường, phòng học chuyên dùng, các trang thiết bị dạy học thường xuyên được sửa chữa nâng cấp bổ sung. Tài liệu, sách giáo khoa bảo đảm đầy đủ kịp thời phục vụ cho công tác nghiên cứu giảng dạy, học tập cho các đối tượng…Mô hình học cụ thường xuyên được cải tiến ngày càng đa dạng, phong phú đáp ứng yêu cầu giáo dục và đào tạo cả trước mắt và lâu dài.

Có thể nói rằng, với những cố gắng và nỗ lực không ngừng cho sự nghiệp trồng người, trong thời gian tới, nhà trường vẫn xác định phương hướng đào tạo dựa trên nền tảng những mặt đã làm được. Đồng thời cũng trọng tâm thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, các đối tượng chính sách và người lao động; thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường trọng điểm về dạy nghề của tỉnh; đẩy mạnh xây dựng chính quy, xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện…

                                                Cao Thu Hạnh

(Bộ CHQS tỉnh Thái Bình)

 


  • Từ khóa