Thứ 7, 27/04/2024, 21:47[GMT+7]

Người thầy giáo công dân

Thứ 4, 26/10/2011 | 15:45:00
1,879 lượt xem
Trách nhiệm công dân của người thầy hết sức nặng nề bởi trước hết họ phải là những công dân gương mẫu. Những đòi hỏi khắt khe của phẩm chất nghề nghiệp đã rèn luyện họ trở thành những con người mẫu mực trong cuộc sống đời thường. Xã hội đã trân trọng coi nghề dạy học là một nghề cao quý gọi những người dạy học bằng “thầy”. Dẫu vật đổi sao dời, xã hội đổi thay thì vai trò, vị trí của người thầy chẳng gì đổi được.

Ở nước ta, giáo viên chiếm một số lượng rất lớn trong đội ngũ cán bộ viên chức nhà nước. Lực lượng hùng hậu này có mặt ở khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, trên giảng đường rộng lớn nơi thành phố đến xóm nhỏ giữa bản làng hẻo lánh và cả ngoài hải đảo giữa trùng khơi.

Một điều khá đặc biệt là giáo viên – cán bộ ăn lương Nhà nước này rất gần dân và ở trong dân, nhất là vùng nông thôn. Các thầy giáo, cô giáo trường làng ăn ở sinh hoạt với gia đình. Có gia đình toàn nông dân. Họ sống giữa cộng đồng, chia sẻ mọi sinh hoạt, tập tục của làng xóm nhưng vẫn phải có một sự tách biệt. Cái đó gọi là sự mô phạm. Hay nói cách khác đó là gương mẫu giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tác phong của một ông thầy.

Giới giáo chức xưa nay vẫn thường được xã hội trọng vọng. Sự trọng vọng ấy không đơn giả là “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” mà là cái cốt lõi cơ bản là người thầy là người giữ gìn và chuyển tải đạo lý mà ngày nay người ta gọi là chức năng giáo dục. Cốt cách của một nhà sư phạm bao giờ cũng là thái độ khoan hòa độ lượng, nhã nhặn và hiểu biết. Bởi vậy, tiếng nói của ông thầy có trọng lượng không chỉ đối với học sinh trong nhà  trường mà còn có sức thuyết phục lớn trong cộng đồng, trong đời sống thường nhật.

Cơn gió của nền kinh tế thị trường cũng thổi vào thánh địa của học đường và cũng làm lung lay không ít giá trị chân chính của người dạy học. Đó đây có lúc rộ lên những điều tai tiếng của ngành giáo dục với những thủ đoạn kiếm tiềm ẩn dưới các mỹ từ đẹp đẽ như “sổ vàng”, như “đóng góp tự nguyện”... Và đã có những giáo viên làm thêm những nghề không nên làm.

Tuy nhiên đại đa số giáo viên vẫn vững vàng trên con thuyền chuyển tải tri thức và đạo lý. Dù nghèo nhưng họ vẫn “đói cho sạch rách cho thơm”, kiên quyết giữ gìn bảo vệ một lối sống thanh bạch, gương mẫu. Cùng với một loạt chính sách, chế độ của Nhà nước ta đối với giáo viên đã thực sự nâng đỡ động viên họ giữ vững phẩm chất người thầy giáo.

Tìm hiểu những thống kê trong ngành pháp luật người ta nhận thấy tỷ lệ giáo viên phạm tội rất ít so với các ngành nghề khác. Có những tội phạm kinh tế nhưng lại rơi vào đội ngũ quản lý. Ngay cả số ly hôn trong đội ngũ giáo viên cũng chiếm một tỷ lệ rất thấp. Trong số các hội thẩm nhân dân các cấp, bao giờ cũng có mặt những người làm công tác giáo dục. Tất cả các điều kể trên cho thấy đội ngũ giáo viên không chỉ là những người gương mẫu mà còn là những công dân gương mẫu.

Như vậy, người thầy giáo xác định được trách nhiệm công dân của mình trước xã hội sự gương mẫu chấp hành pháp luật của bản thân và sau đó là gia đình của hàng triệu giáo viên trên khắp miền đất nước đã trở thành một lực lượng đáng kể góp phần bảo vệ trật tự trị an  xã hội. Ảnh hưởng của họ đối với cộng đồng dân cư rất to lớn trong việc tuân thủ và bảo vệ pháp luật.

Sự gương mẫu bao giờ cũng đòi hỏi sự chấp nhận hy sinh. Đã có bao nhiêu cô giáo “quá lứa nhỡ thì” mà không dám “phá rào” để có một đứa con, mặc dù xã hội chấp  nhận “quyền làm mẹ” của những phụ nữ không chồng. Họ không thể làm điều đó được, đơn giản là vì họ là cô giáo. Học sinh và phụ huynh đều nhìn vào họ, lấy họ làm gương. Bảo vệ danh dự nghề nghiệp mà phải hy sinh  cả sự riêng tư và quyền lợi chính đáng. Điều đó chẳng đáng xúc động lắm sao?

Người thầy cũng là người rất được dư luận chú ý. Nếu một vi phạm đạo đức hoặc pháp luật đối với một công dân bình thường thì sẽ là sự bình thường. Song nếu chuyện đó xảy ra đối với một giáo viên thì sự việc ầm ĩ lên ngay, nhiều người biết đến, tiếng xấu đồn xa... Phải chăng, bởi vậy mà người thầy giáo phải hết sức giữ gìn.

Trách nhiệm công dân của người thầy hết sức nặng nề bởi trước hết họ phải là những công dân gương mẫu. Những đòi hỏi khắt khe của phẩm chất nghề nghiệp đã rèn luyện họ trở thành những con người mẫu mực trong cuộc sống đời thường. Xã hội đã trân trọng coi nghề dạy học là một nghề cao quý gọi những người dạy học bằng “thầy”. Dẫu vật đổi sao dời, xã hội đổi thay thì vai trò, vị trí của người thầy chẳng gì đổi được.

Nguyễn Văn Hậu
(Tân Bình, Tp Thái Bình)

  • Từ khóa