Thứ 7, 11/05/2024, 21:20[GMT+7]

Từ khuyến học, khuyến tài đến xây dựng xã hội học tập Kỳ III: Hướng đến xây dựng xã hội học tập trong điều kiện chuyển đổi số

Thứ 5, 09/09/2021 | 09:51:17
1,301 lượt xem
Ngày 25/5/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030. Ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Đây là hai văn bản rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, hướng tới xây dựng xã hội học tập thực sự trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Người dân xã Nam Phú (Tiền Hải) áp dụng khoa học xử lý môi trường ao nuôi tôm.

Từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số

Ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã được Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh chỉ đạo triển khai nghiêm túc, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Làm sao để Chỉ thị số 11 đi vào sâu rộng trong cuộc sống, để khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thực sự đem lại hiệu quả đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và tâm huyết của đội ngũ những người làm giáo dục, khuyến học. Chỉ thị số 14 và Quyết định số 1373 vừa ban hành coi việc thúc đẩy việc học tập của người lớn như một giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức, làn sóng hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt, chuyển đổi số trong giáo dục, khuyến học được xem là một nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu để triển khai hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới.

Một trong những mô hình mang lại hiệu quả rõ nét nhất trong sự thay đổi của người dân khi tiếp cận với chuyển đổi số đó là việc thực hiện thí điểm mô hình công dân học tập. Tại Thái Bình, từ tháng 1/2021, toàn tỉnh triển khai thí điểm xây dựng mô hình công dân học tập ở 33 xã, phường, thị trấn. Sau thời gian thực hiện thí điểm, trong tổng số 628 công dân đăng ký tham gia thuộc 3 nhóm đối tượng, có 85,2% công dân đạt công dân học tập. 

Ông Bùi Trọng Trâm, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Xây dựng mô hình công dân học tập là vấn đề cần thiết và cấp bách đối với quá trình hội nhập và phát triển đất nước, đáp ứng đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực hiện mô hình công dân học tập là góp phần nâng cao ý thức tự giác, giúp mỗi người dân rèn luyện tinh thần tự học, có kế hoạch học tập thường xuyên, học tập suốt đời, rèn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, điện thoại thông minh... để khai thác thông tin phục vụ công việc và đời sống. Để phấn đấu trở thành công dân học tập, mỗi người cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, có tư duy sáng tạo, phương pháp làm việc khoa học và luôn được cải tiến để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, xây dựng và thực hiện tốt các mối quan hệ xã hội, có lối sống lành mạnh, tinh thần đoàn kết, hợp tác, chia sẻ và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng.

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Tại Quỳnh Phụ, 5 năm qua, Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và Hội Khuyến học huyện đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành 20 loại văn bản gồm: Thông tri của Huyện ủy, Chỉ thị của UBND huyện, công văn chỉ đạo từng năm của Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập huyện... Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập huyện tham mưu UBND huyện biểu dương các mô hình học tập toàn huyện và khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Qua đó, phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các xã, các chi hội, dòng họ, gia đình. 

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập huyện Quỳnh Phụ chia sẻ: Không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo, những năm qua, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Huyện ủy, UBND huyện, Hội Khuyến học huyện đã gửi thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn huyện ủng hộ quỹ khuyến học. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quỹ khuyến học toàn huyện tăng qua các năm, đến hết năm 2020 tổng số quỹ đạt gần 17 tỷ đồng. Đây là cơ sở để hội khuyến học các cấp khen thưởng, động viên trẻ em và người lớn học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nhận định: Trong thời gian qua, nếu như không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh không thể trở thành một trong những tỉnh, thành phố nhiều năm liên tiếp được nhận cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu do Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng. Thực tế đã chứng minh, muốn giải quyết được những khó khăn để phát triển đất nước, không có con đường nào khác là phải có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập mà mấu chốt của xã hội học tập là học tập suốt đời. Học tập suốt đời là chìa khóa của sự phát triển bền vững. Việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của tỉnh về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã mang lại kết quả tốt đẹp, hướng đến xây dựng xã hội học tập trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay. Trong thời gian tới, cùng với việc xây dựng, củng cố tổ chức hội, Hội Khuyến học tỉnh sẽ đẩy mạnh các phong trào, đặc biệt là mô hình công dân học tập; đổi mới hình thức hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng theo hướng chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng trực tuyến dựa trên việc sử dụng hình thức đa phương tiện giúp người học tiếp cận bài học nhanh và thực tế hơn. Bên cạnh đó, để thích ứng với những ảnh hưởng của dịch Covid-19, hội khuyến học các cấp sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tạo cho người dân có thói quen sử dụng các phương tiện như ipad, điện thoại thông minh, máy tính... trong công việc, các cuộc họp và giao tiếp trong cuộc sống. Từ đó hướng đến xây dựng xã hội học tập trong điều kiện chuyển đổi số.

Đặng Anh