Thứ 6, 10/05/2024, 04:32[GMT+7]

Thúc đẩy sản xuất vụ đông

Thứ 6, 15/10/2021 | 14:45:59
1,187 lượt xem
Những năm gần đây, diện tích vụ đông của tỉnh duy trì ổn định xung quanh 36.000ha. Tuy diện tích không tăng nhưng với chủ trương mở rộng cây trồng có giá trị kinh tế cao, giá trị sản xuất vụ đông tiếp tục được nâng lên. Năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục thúc đẩy sản xuất vụ đông để đáp ứng tốt nhu cầu lương thực, thực phẩm đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.

Nông dân xã An Châu (Đông Hưng) chăm sóc rau vụ đông mới trồng.

Vụ đông là vụ sản xuất đặc thù và là lợi thế của các tỉnh phía Bắc trong đó có Thái Bình. Trong 3 - 4 tháng, chuyển tiếp nền nhiệt đầu vụ và cuối vụ cho phép gieo trồng đa dạng về chủng loại đối với cây trồng: nhóm rau màu ưa ấm, nhóm ưa lạnh và nhóm trung tính. Không ít vùng, nông dân có truyền thống và trình độ thâm canh cao, chỉ cần làm một vụ đông đã có thu nhập bằng 3 - 5 lần cấy lúa. Chính vì vậy, nhiều năm nay, vụ đông ở tỉnh ta được coi là vụ sản xuất chính và giá trị vụ đông không ngừng gia tăng qua các năm. Ngay như năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 cũng như những diễn biến thất thường của thời tiết, đặc biệt là mưa lớn ở đầu vụ nhưng toàn tỉnh vẫn trồng được 36.354ha cây trồng các loại, vượt 354ha so với kế hoạch, tăng 76ha so với năm 2019. Tổng giá trị sản xuất vụ đông năm 2020 ước đạt trên 3.019 tỷ đồng, tăng hơn 30 tỷ đồng so với vụ đông năm 2019.

Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 36.000ha cây trồng các loại; trong đó, chủ đạo là ngô, khoai tây, khoai lang, bí xanh, bí đỏ và rau đậu các loại. Ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương xây dựng kịch bản, kế hoạch và các giải pháp cụ thể để thực hiện. Trong đó, tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh, gọn lúa mùa, giải phóng đất sớm để triển khai sản xuất vụ đông kịp thời vụ. Chú trọng công tác làm thủy lợi nội đồng trong vùng sản xuất vụ đông; tổ chức kiểm tra, tu bổ, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy bảo đảm tiêu thoát nước tốt nhằm khắc phục tình trạng cây vụ đông bị ngập úng khi gặp mưa lớn xảy ra. Cơ sở thôn chủ động bố trí quỹ đất dành cho nhân dân địa phương thuê, mượn sản xuất trên cơ sở rà soát các hộ gia đình không có nhu cầu trồng cây vụ đông cho các hộ có nhu cầu sản xuất thuê, mượn nhằm hạn chế việc bỏ ruộng không canh tác.

Tại huyện Thái Thụy, phấn đấu diện tích trồng vụ đông đạt từ 5.000ha trở lên, huyện trích kinh phí 1,72 tỷ đồng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất vụ đông tập trung trong vùng quy hoạch, diện tích từ 6ha trở lên đối với một loại cây trồng. Dự kiến, tổng diện tích hỗ trợ toàn huyện trên 2.400ha thuộc 98 vùng sản xuất tập trung của 47 HTX; gieo trồng 7 nhóm cây trồng chính gồm: hành tỏi, dưa bí, khoai tây, khoai lang, ngô, ớt và salad. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ kinh phí đầu tư phân bón vi sinh với lượng hỗ trợ 500kg/ha để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo ra nguồn sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt, tạo sản phẩm đặc thù có sức cạnh tranh trên thị trường, vụ đông năm 2021, UBND tỉnh trích kinh phí 1,051 tỷ đồng hỗ trợ hai huyện Đông Hưng, Hưng Hà thực hiện 2 mô hình: sản xuất khoai tây an toàn, phát triển sản phẩm OCOP tại xã Mê Linh (Đông Hưng); sản xuất cây ngưu tất an toàn, phát triển sản phẩm OCOP tại xã Thống Nhất (Hưng Hà).

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hai địa phương tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ giống (hỗ trợ đối với mô hình trồng khoai tây tại xã Mê Linh), tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, chi phí quản lý mô hình, thành lập HTX mới, xây dựng nhà kho và trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng trang tin điện tử, chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc... Trên cơ sở các nội dung hỗ trợ của mô hình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các chi cục liên quan phân công lãnh đạo, cán bộ phụ trách, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai bảo đảm tiến độ, hiệu quả mô hình.

Về thời vụ, ngành Nông nghiệp khuyến cáo, đối với cây ngô, mở rộng diện tích ngô sinh khối, ngô thực phẩm, ngô ăn tươi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: làm bầu, làm đất tối thiểu... trồng xong trước ngày 15/10; đối với nhóm bí, dưa chuột, ớt... áp dụng kỹ thuật trồng gối bằng cách rạch lúa đặt bầu trước khi thu hoạch để tranh thủ thời vụ. Đối với nhóm cây ưa lạnh: khoai tây, thời vụ tập trung từ ngày 15/10 - 5/11, sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh, được bảo quản trong kho lạnh; nhóm rau, đậu cần quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng quy trình sản xuất an toàn.

Thời tiết bất thuận những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thu hoạch lúa mùa, gieo trồng cây vụ đông cũng như sinh trưởng, phát triển của rau màu mới trồng. Để đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương khuyến cáo nông dân khi thời tiết tạnh ráo trồng dặm, trồng bù những diện tích cây vụ đông mới trồng bị gãy, đổ, dập nát do mưa bão. Tiếp tục rà soát và điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ đông cho phù hợp với diễn biến thời tiết; chuẩn bị đủ nguồn hạt giống để đáp ứng đủ yêu cầu của sản xuất và dự phòng trong trường hợp phải gieo trồng lại.

Cây bí xanh vụ đông mang lại thu nhập gấp 3 - 4 lần cấy lúa cho nông dân xã Đông Xá (Đông Hưng).

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày