Chủ nhật, 05/05/2024, 23:17[GMT+7]

Ngành Tòa án thực hiện hiệu quả công tác cải cách tư pháp

Thứ 6, 13/09/2019 | 09:48:48
1,773 lượt xem
Sau 14 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã thụ lý 43.789 vụ, việc, trong đó đã xét xử 43.038 vụ, việc, đạt tỷ lệ 98,3%. Trong đó, án hình sự giải quyết, xét xử 13.081 vụ, 21.093 bị cáo; dân sự 5.135 vụ; hôn nhân gia đình 24.252 vụ; còn lại là án hành chính, lao động...

Việc tổ chức khai trương truyền hình trực tuyến phiên tòa góp phần nâng cao công tác cải cách hành chính của ngành Tòa án.

Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ nhiệm vụ của cải cách tư pháp trọng tâm là công tác xét xử của ngành Tòa án. Với vai trò trung tâm của hệ thống tư pháp, những năm qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã có nhiều giải pháp đột phá, trong đó công tác xét xử được thực hiện nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sau 14 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã thụ lý 43.789 vụ, việc, trong đó đã xét xử 43.038 vụ, việc, đạt tỷ lệ 98,3%. Trong đó, án hình sự giải quyết, xét xử 13.081 vụ, 21.093 bị cáo; dân sự 5.135 vụ; hôn nhân gia đình 24.252 vụ; còn lại là án hành chính, lao động...   

Trong quá trình giải quyết các loại án, TAND hai cấp đã thực hiện đúng quy trình tố tụng, xác định rõ vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng công khai, dân chủ, nghiêm minh; bảo đảm tạo điều kiện cho các bị cáo, đương sự, luật sư trong việc tiếp cận chứng cứ, sao chụp hồ sơ tài liệu. Việc đổi mới tranh tụng và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa chuyển biến tích cực, bảo đảm những người tham gia tố tụng như bị cáo, bị hại, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, các đương sự... được đối đáp, tranh luận không giới hạn về thời gian và thực hiện các quyền khác bình đẳng, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Do đó, các phiên tòa diễn ra dân chủ, đúng trình tự tố tụng, bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử, bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân. Số vụ án có luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho bị cáo hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước (số luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, người bị hại và đương sự từ năm 2005 đến nay là trên 3.510 luật sư, trong đó luật sư do tòa án chỉ định là 250 luật sư). Nhờ đó, chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa được nâng lên, các phán quyết của tòa án đều dựa trên các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra và kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa.

Đối với án hình sự, TAND hai cấp đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị cũng như yêu cầu của hệ thống tòa án về đổi mới và nâng cao chất lượng xét xử, đề cao việc tranh tụng tại phiên tòa. Vì vậy, chất lượng xét xử được nâng lên, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có vụ án nào xử oan người vô tội hoặc bỏ lọt phạm tội, phán quyết của tòa án chủ yếu dựa vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, việc quyết định hình phạt cơ bản phù hợp với tính chất của vụ án và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đối với án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính, tuy tính chất nhiều vụ việc có phần phức tạp, số lượng án năm sau tăng hơn năm trước nhưng các thẩm phán đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực, kiên trì trong công tác hòa giải, đối thoại nên số vụ án hòa giải thành hàng năm đạt tỷ lệ trên 60%, tạo điều kiện cho công tác thi hành án được thuận lợi, giảm mâu thuẫn nội bộ gia đình, xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, chất lượng giải quyết án ngày càng được nâng lên.

Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện hiệu quả công tác cải cách tư pháp là phải xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có kiến thức pháp lý toàn diện, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Cùng với nâng cao chất lượng xét xử, những năm qua, TAND hai cấp trong tỉnh luôn quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cán bộ. Hàng năm, TAND tỉnh đều giao chỉ tiêu mỗi thẩm phán phải có ít nhất 1 phiên tòa rút kinh nghiệm, thành phần tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm gồm toàn thể lãnh đạo, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký của đơn vị; qua mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm đều tổ chức họp đánh giá toàn bộ diễn biến của phiên tòa, chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm của chủ tọa phiên tòa và hội đồng xét xử. Qua đây, TAND tỉnh đánh giá được những lĩnh vực còn yếu để tổ chức những lớp tập huấn nghiệp vụ bổ sung kiến thức cho cán bộ, thẩm phán, thư ký. Đồng thời, nâng cao trình độ ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động, trong đó tất cả tòa án trong tỉnh đều đã kết nối internet, các máy tính trong từng đơn vị đã được lắp đặt mạng LAN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thống kê, báo cáo, tra cứu cũng như công bố công khai bản án trên cổng thông tin điện tử của hệ thống toàn ngành; cùng với đó, tăng cường các nhiệm vụ, giải pháp số hóa tài liệu hồ sơ án và cập nhật phần mềm quản lý trong các lĩnh vực như thống kê xét xử các loại án, quản lý cán bộ, quản lý công tác thi đua, khen thưởng...

Nguyễn Tùng 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày