Chủ nhật, 12/05/2024, 13:47[GMT+7]

Thương binh Trần Quyết Định: Ngày ấy và bây giờ

Thứ 2, 17/07/2023 | 09:47:55
9,122 lượt xem
Trở về từ chiến trường, vẫn mang trong mình mảnh đạn còn sót lại, nhưng cựu chiến binh Trần Quyết Định, thôn Nguyệt Lãng, xã Minh Khai (Vũ Thư) phải mất 27 năm mới được công nhận là thương binh. Ông chính là nhân vật được nói đến trong bút ký “Thủ tục làm người còn sống” của nhà văn Minh Chuyên. Sau 35 năm kể từ ngày đăng bút ký, 17 năm kể từ khi được công nhận thương binh, cuộc sống của thương binh Trần Quyết Định đã có nhiều đổi khác.

Mặc dù chịu nhiều thiệt thòi, sức khỏe yếu nhưng thương binh Trần Quyết Định, xã Minh Khai (Vũ Thư) luôn lạc quan và nỗ lực vươn lên, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ và người dân học tập, noi theo.

Hành trình gian nan

Một ngày nắng hè gay gắt, chúng tôi đến làng Nguyệt Lãng, xã Minh Khai tìm gặp cựu chiến binh Trần Quyết Định. Ấn tượng đầu tiên là người thương binh công giáo này vô cùng chất phác, hiền hậu. Vừa chăm sóc, dỗ dành cháu nội hơn 1 tuổi, ông Định vừa trò chuyện với chúng tôi. Ông kể lại, năm 1977, ở tuổi 19, ông lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1978, ông bị thương nặng ở đầu và chân, được đưa đi điều trị ở các bệnh viện khác nhau nên bị lạc đơn vị, bị nhầm lẫn đã hy sinh và bị gửi giấy báo tử về quê hương. Tháng 12/1979, sau khi xuất viện, không tìm được đơn vị, ông Định trở về quê hương mà không có giấy chứng nhận xuất ngũ. Do những tắc trách của một số cán bộ công quyền thời kỳ đó, ông không thể làm được thủ tục xác nhận phục viên - xuất ngũ, không được hưởng các chế độ, chính sách của 1 công dân, thương binh, bị làng xóm nghi ngờ đào ngũ.

Cuối năm 1987, nhà văn Minh Chuyên khi đó đang là phóng viên Báo Thái Bình đã viết bút ký nổi tiếng “Thủ tục làm người còn sống”, in trên Báo Văn nghệ tháng 5/1988 kể lại thiệt thòi, khó khăn khi xin thủ tục chứng nhận phục viên - xuất ngũ của ông Định. Sau “quả bom tấn” này, ông Định mới được minh oan, nghĩa là được “làm người còn sống” nhưng vẫn chưa được công nhận là thương binh. 18 năm sau đó, sự việc được lật lại, một số cơ quan báo chí trung ương tiếp tục đăng tải loạt bài phản ánh về sự oan khuất, thiệt thòi, khó khăn của ông Trần Quyết Định, đến tháng 9/2006, ông Định mới được đưa đi giám định thương tật và được công nhận là thương binh hạng 4/4 (mất từ 21 - 40% sức lao động).

“Chồng tôi cống hiến máu xương cho Tổ quốc, mang thương tật trong cơ thể khi mới bước vào tuổi 20 - tuổi đẹp nhất cuộc đời, nhưng đến năm 48 tuổi, chồng tôi mới được coi là thương binh thực sự. Suốt 27 năm sau ngày trở về từ chiến trường, chồng tôi và gia đình tôi chịu nhiều oan ức, cuộc sống khốn khó, không được hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Đấy là thời kỳ dài thực sự khó khăn và gian nan của gia đình tôi, thật may là nó đã qua rồi” - bà Trần Thị Mỵ, vợ ông Trần Quyết Định chia sẻ.

Còn sống đã là may mắn, hạnh phúc

Giai đoạn gần 30 năm ông Định không được công nhận là thương binh cũng là thời kỳ gia cảnh của vợ chồng ông Định vô cùng khó khăn, bần hàn. Do vết thương nặng ở đầu và chân, từ khi chiến đấu trở về, ông Định chỉ làm được những việc nhẹ, vừa sức, đặc biệt 1 mảnh đạn hiện vẫn nằm trong đùi, khi trái gió trở trời lại khiến ông đau nhức. Việc ruộng vườn, đồng áng nuôi chồng và 5 đứa con thơ đều do người vợ tần tảo của ông Định - bà Trần Thị Mỵ đảm đương. Thậm chí khi đã được công nhận, được hưởng trợ cấp của nhà nước dành cho thương binh hạng 4/4 (hiện nay là hơn 1,2 triệu đồng/tháng) cũng chưa đủ chi phí sinh hoạt, chăm lo sức khỏe của cá nhân ông Định. Một điều đặc biệt, dẫu khó khăn, thiệt thòi đến vậy nhưng chưa khi nào ông Định và gia đình buông lời than phiền, đòi hỏi sự bù đắp cho những thiệt thòi của mình.

Kể chuyện chiến trường xưa với chúng tôi, gương mặt hiền lành, phúc hậu của ông Định đượm buồn, có lúc xúc động khóe mắt hoen nhòe.

 “Tuy thương tật, sức yếu, lại chịu nhiều thiệt thòi nhưng bản thân tôi thấy mình vẫn may mắn hơn rất nhiều đồng chí, đồng đội của tôi, họ đã ra đi mãi mãi ở tuổi thanh xuân, có người đến nay vẫn một mình nằm lại đâu đó nơi rừng thiêng nước độc, thương xót lắm. Bởi vậy, vẫn được sống, được chứng kiến, thụ hưởng thành quả đổi thay của đất nước đối với tôi thực sự là niềm hạnh phúc lớn lao” - ông Định chia sẻ.

Mang thương tật, sức khỏe yếu, nhà đông con nên trước đây, gia đình ông luôn là một trong những hộ khó khăn nhất nhì trong làng, trong xã. Vậy nhưng, năm 1993, khi ông Định chưa được công nhận là thương binh, chưa có chế độ trợ cấp hàng tháng, ông và vợ vẫn làm việc thiện nguyện đáng trân quý là nhận nuôi cụ Phạm Thị Gái - một người già không nơi nương tựa, hiện nay cụ 83 tuổi. Suốt 30 năm qua, vợ chồng ông Định vẫn ngày ngày chăm nom, chăm sóc cụ Gái như chính cha, mẹ của mình. Với hành động cao đẹp này, gia đình ông Định trở thành hộ điển hình của xã Minh Khai trong việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và được cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân ghi nhận, biểu dương nhiều năm qua.

Sức yếu, không lao động được việc nặng nhọc, ông Định vui vẻ làm “hậu phương” săn sóc con cái, chăm lo việc nhà để vợ yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, nhờ sự ủng hộ, hỗ trợ của ông Định, bà Trần Thị Mỵ - vợ ông đã tích tụ, sản xuất 6 - 7 mẫu ruộng hoang mỗi vụ, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Ông Định còn trực tiếp đảm nhận việc chăm sóc các cháu nội, ngoại để các con yên tâm công tác, lao động; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào mà các đoàn thể, thôn xã tổ chức.

Ông Nguyễn Đức Hội, Bí thư Đảng ủy xã Minh Khai nhận xét: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chú trọng công tác chăm lo, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện và cơ sở tới các gia đình người có công, trong đó có gia đình thương binh Trần Quyết Định. Đồng thời, cá nhân và gia đình thương binh Trần Quyết Định cũng là nhân tố điển hình, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, đặc biệt phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt, báo công dâng Bác”. Ông là minh chứng rõ nét cho phương châm “tàn nhưng không phế”, luôn lặng thầm chấp nhận mọi gian khó, thiệt thòi về mình và lạc quan, hướng thiện, nỗ lực vươn lên, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ và người dân học tập, noi theo.

Gia đình thương binh Trần Quyết Định cưu mang, chăm sóc cụ Phạm Thị Gái (hiện 83 tuổi) suốt 30 năm qua.

Quỳnh Lưu