Chủ nhật, 28/04/2024, 02:33[GMT+7]

Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023: Tinh hoa hội tụ

Thứ 6, 28/04/2023 | 16:32:47
11,967 lượt xem
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng đặc biệt trong tâm thức cộng đồng người Việt, bắt nguồn từ cội rễ văn hoá dân tộc, đồng hành cùng tiến trình lịch sử dân tộc và ngày càng có giá trị to lớn trong đời sống cộng đồng. Giỗ Tổ Hùng Vương gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động thiết thực, mang đậm giá trị văn hóa nhằm nêu cao truyền thống yêu nước, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng và giữ nước. Thông qua các hoạt động nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa Việt Nam để Giỗ Tổ Hùng Vương, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, thực sự là ngày hội chung của dân tộc, là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa vùng đất cội nguồn và văn hóa Việt Nam.

Hát Xoan Phú Thọ nổi bật trong đêm Khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023.

Thiết thực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 được tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức theo chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động, tạo điều kiện cho các địa phương, nhân dân trực tiếp tham gia các hoạt động thiết thực hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên.

Về phần lễ, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo tổ chức đảm bảo thành kính, trang nghiêm, trọng thể, theo nghi thức truyền thống và mang tính cộng đồng sâu sắc, tập trung vào các hoạt động chính: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/3 năm Quý Mão 2023; Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Điện Kính Thiên (Đền Thượng) và dâng hoa tại Bức phù điêu có hình tượng Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong ngày 10/3 năm Quý Mão 2023; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh và các di tích thờ Hùng Vương trên địa bàn cả nước cùng dâng hương tri ân công đức các Vua Hùng vào đúng ngày giỗ Tổ ngày mùng 10, tháng ba năm Quý Mão; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thành, thị trong tỉnh.

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, các hoạt động phần Hội năm nay có nhiều điểm mới, gắn kết chặt chẽ lễ hội với du lịch, văn hóa với khoa học, tạo thành các chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch, khắc họa rõ nét bản sắc văn hóa độc đáo vùng Đất Tổ và hội tụ tinh hoa di sản văn hóa trên toàn quốc theo tinh thần “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước - cả nước hướng về Đền Hùng”.

Nổi bật trong đó có nhiều sự kiện văn hóa lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế. Các sự kiện được chính những nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể của các tỉnh, thành phố có di sản trình diễn như: Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh; Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam; Diễn đàn- hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch”; Hội chợ du lịch Tây bắc 2023; Liên hoan văn hóa ẩm thực Đất Tổ và chuỗi các sự kiện gồm 20 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phục vụ đồng bào, du khách thập phương.

Đây là dịp để Việt Nam nhìn lại 20 năm thực hiện Công ước của UNESCO, đồng thời khẳng định sự nỗ lực, vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết khi tham gia Công ước của UNESCO đối với việc nghiên cứu, kiểm kê, nhận diện, thực hành, truyền dạy, quảng bá và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh. Trong thời gian này, Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng “bảo vệ khẩn cấp”, trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” ngày 8/12/2017, đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của UNESCO, đánh dấu thành công bước đầu của tỉnh Phú Thọ và của cộng đồng trong nỗ lực, quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản. Đồng thời, các sự kiện là hoạt động thiết thực giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam - quốc gia thành viên có trách nhiệm và tích cực trong việc tăng cường thúc đẩy sự phát triển của Công ước.

Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 lần đầu hội tụ đầy đủ 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh để tham gia Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì. Ban tổ chức đã tiến hành lắp đặt 18 giàn không gian để các tỉnh, thành phố tạo lập không gian di sản, trưng bày triển lãm các di sản văn hóa, Quảng trường Hùng Vương trở thành không gian di sản văn hóa rộng lớn của di sản văn hóa Việt Nam. Nhân dân và du khách thập phương được thưởng thức những giá trị của tinh hoa di sản văn hóa dân tộc do chính các nghệ nhân, những “báu vật nhân văn sống” trình diễn trên sân khấu chính tại Quảng trường Hùng Vương; nhân dân cũng được tham quan tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá các di sản tại không gian văn hóa của các tỉnh, thành phố có di sản được UNESCO ghi danh và tìm hiểu di sản các vùng kinh đô Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên Hội nghị - Hội thảo quốc tế được Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh phối hợp với Hội các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam toàn cầu tổ chức tại Phú Thọ. Với Chủ đề “Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch” Hội thảo tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế hàng đầu về di sản và du lịch để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, học giả, nhà khoa học, các bên liên quan cùng trao đổi, thảo luận về vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững; việc xây dựng chiến lược, định vị thương hiệu địa phương trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế; những cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy kinh doanh du lịch có trách nhiệm và phát triển kinh tế địa phương; tăng cường phối hợp các bên liên quan, kết nối vùng miền để xây dựng hệ sinh thái du lịch di sản bền vững.

Đồng bào và du khách hành hương về Giỗ Tổ tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Bên cạnh đó, trong ngày mùng 10 tháng ba âm lịch, tỉnh Phú Thọ tiếp tục khuyến khích các gia đình trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước duy trì thực hiện “bữa cơm tri ân ngày Giỗ Tổ” trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ tiên của dân tộc. Cùng với đó là các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa các văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, có sức lan tỏa rộng rãi như: Lễ hội áo dài trẻ em Việt Nam “Hướng về nguồn cội”; trình diễn trang phục áo dài dân tộc Việt Nam; tổ chức đoàn famtrip “Hành trình du lịch sắc màu Trung du”, Hội chợ du lịch Tây bắc và Liên hoan văn hóa ẩm thực Đất Tổ cùng chuỗi các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn khác... Qua đó, giúp du khách được trải nghiệm nghi lễ thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa vùng Đất Tổ.

Các di sản nói chung và di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh có những đóng góp quan trọng trong công tác giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Mỗi người dân “Con lạc cháu Hồng” đều có quyền tự hào về kho tàng di sản văn hóa mà ông cha đã trao truyền và càng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm bảo tồn, phát huy, để di sản văn hóa trường tồn, lan tỏa trong thời đại mới.

TS. Nguyễn Đắc Thủy

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Theo Báo Phú Thọ

  • Từ khóa