Chủ nhật, 19/05/2024, 10:40[GMT+7]

“Phao cứu sinh” của người nghèo

Thứ 6, 08/09/2023 | 09:13:31
3,220 lượt xem
Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Quỳnh Phụ tích cực phối hợp với các địa phương triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn và các đối tượng chính sách khác… Đây thực sự là “phao cứu sinh” giúp các hộ dân yên tâm lao động, sản xuất để vươn lên thoát nghèo.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Phụ tổ chức cho người dân xã An Ninh vay vốn.

3 năm trước đây, gia đình bà Ngô Thị Bé, thôn Hiệp Lực, xã An Khê là một trong những hộ nghèo của xã. Cuộc sống gia đình bà rất khó khăn khi chồng thường xuyên đau yếu, con trai ngoài 30 tuổi phải chạy thận nhân tạo, bản thân bà cũng không được khỏe mạnh. Năm 2020, thông qua tổ vay vốn của địa phương, gia đình bà biết đến nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Phụ. Với số vốn vay ban đầu 70 triệu đồng, gia đình bà mua 3 cặp bò giống, cải tạo đất để trồng cỏ nuôi bò, nuôi cá, trồng cây ăn quả. Được các đoàn thể của xã phối hợp với ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, gia đình bà rất yên tâm. Sau hơn 1 năm chăm sóc, những cặp bò giống sinh sản đã mang lại nguồn thu, trung bình mỗi năm lợi nhuận mang lại khoảng 30 triệu đồng giúp bà mua sắm được đồ dùng sinh hoạt, có tiền chữa bệnh cho chồng con, vươn lên thoát nghèo. 

Phấn khởi vì đã thoát nghèo, bà Bé xúc động cho biết: Hiện nay có rất nhiều nguồn vốn vay nhưng nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo của Ngân hàng CSXH rất thiết thực bởi lãi suất thấp, vốn vay thời gian dài. Từ nguồn vốn này không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xã sử dụng đúng mục đích, vươn lên thoát nghèo.

Không chỉ cho vay vốn để phát triển kinh tế, chương trình tín dụng ưu đãi còn giúp hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương được vay vốn để giải quyết việc làm, đầu tư hệ thống nước sạch, vệ sinh môi trường; vay vốn học sinh, sinh viên và làm nhà ở... 

Như trường hợp của gia đình anh Phạm Văn Thưởng, thôn Đào Xá, xã An Đồng được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Phụ cho vay 400 triệu đồng làm nhà ở. Anh Thưởng là giáo viên, hoàn cảnh khó khăn, vợ mất, mình anh nuôi 2 con nhỏ, bố mẹ tuổi đã cao. Từ nguồn vốn vay làm nhà ở và tiết kiệm của gia đình, đến nay anh Thưởng cùng bố mẹ và 2 con được sống trong căn nhà mái bằng khang trang, kiên cố, giúp anh yên tâm công tác. Anh Thưởng cho biết, dù số tiền vay làm nhà ở khá lớn, thời gian trả tuy có lâu nhưng nếu không có nguồn vốn vay này không biết khi nào gia đình anh mới được sống trong nhà mới.

Theo báo cáo của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Phụ, tính đến ngày 30/6 tổng nguồn vốn toàn huyện đạt 547.864 triệu đồng, tổng dư nợ 547.164 triệu đồng, đạt 99,04% kế hoạch giao, tăng 26.223 triệu đồng so với ngày 31/12/2022, tỷ lệ tăng trưởng đạt 5,03% với 12.926 khách hàng còn dư nợ. Từ nguồn vốn này, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã triển khai 9 chương trình cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn ưu đãi để học tập, thực hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh, làm nhà ở... Nhìn chung, khách hàng vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, từ đó thoát nghèo. 

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Khê cho biết: Nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là giúp nông dân giảm nghèo bền vững, góp phần cùng xã giữ vững tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới trong những năm qua. Năm 2022, toàn huyện Quỳnh Phụ có 243 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 2,86%, giảm 0,32% so với năm 2021.

Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn, theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Phụ, thời gian tới, cùng với việc thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ bám sát các chỉ tiêu kế hoạch được giao, tiếp tục phối hợp rà soát, phân tích, tổng hợp nhu cầu vốn thực tế, hợp lý đối với các chương trình cho vay dành cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với các địa phương giải ngân kịp thời nguồn vốn, đúng đối tượng thụ hưởng để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và các chương trình cho vay phục vụ mục tiêu an sinh xã hội; tập trung thu hồi kịp thời các khoản nợ đến hạn, nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để cho vay quay vòng, không để tồn đọng vốn. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn vay để phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách, góp phần cùng các địa phương giảm nghèo bền vững.

Từ nguồn vốn vay phát triển kinh tế, gia đình bà Ngô Thị Bé, thôn Hiệp Lực, xã An Khê đầu tư chăn nuôi bò sinh sản và đã vươn lên thoát nghèo.


   Nguyễn Cường