Thứ 4, 01/05/2024, 01:46[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) Chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức cựu chiến binh Phạm Bình Hãn

Thứ 2, 15/04/2024 | 09:53:20
7,291 lượt xem
70 năm đã trôi qua nhưng ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” vẫn còn in đậm trong trí nhớ, niềm tự hào của Đại tá Phạm Bình Hãn, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy).

Đại tá Phạm Bình Hãn (người ngồi giữa) kể về chiến dịch Điện Biên Phủ cho các cháu thiếu nhi.

Trong những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi tìm đến căn nhà của cựu chiến binh (CCB) Phạm Bình Hãn ở số 67, đường Nguyễn Đức Cảnh, tổ dân phố 7 (thị trấn Diêm Điền). Ở tuổi 90, mặc dù mắt đã kém, chân đã run nhưng khi biết chúng tôi muốn nghe về chiến dịch Điện Biên Phủ, người lính già nhanh nhẹn đi tìm những kỷ vật, bức ảnh chụp cùng đồng đội mà ông đã trân trọng gìn giữ. 

Nhắc lại những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ông vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động, ông tâm sự: Tôi nhập ngũ ngày 10/4/1950, lúc đó tôi vừa tròn 15 tuổi. Ban đầu tôi đi học thiếu sinh quân nhưng lên đến Việt Bắc không sang được Trung Quốc, tôi xin ở lại làm thư ký ở Đại đội 29, Tiểu đoàn 183, Trung đoàn 246. Năm 1951, tôi tham gia chiến đấu ở Bắc Giang. Sau 1 năm hết chiến dịch tôi trở về Thái Nguyên làm nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng. Cuối năm 1953 có lệnh hành quân chiến đấu, đơn vị của tôi phối hợp với một trung đoàn của Đại đoàn 304 để bảo vệ hành lang và vành đai chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Lúc bấy giờ, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Tây Bắc hòng ngăn cản sự tiếp viện của hậu phương ra chiến trường. Vượt qua nguy hiểm, bất chấp bom rơi đạn nổ với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, chúng tôi qua phà Âu Lâu, đèo Lũng Lô đến Lai Châu. Khoảng tháng 2/1954, hầu hết các khu vực phía Bắc Lai Châu từ Mù Su, Mù Cả, Mường Tè... đều bị phỉ chiếm đóng. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Khu ủy Tây Bắc đánh tiễu phỉ là nhiệm vụ quan trọng, chúng tôi thực hiện phương châm “chính trị, quân sự phải đi đôi, lấy chính trị làm chủ yếu, quân sự làm áp lực quan trọng” kiên quyết trừng trị bọn đầu sỏ ngoan cố, khoan hồng đối với những người lầm đường, lạc lối, hạ vũ khí đầu hàng. Ngày đó tôi là lính bộ binh, đơn vị khó khăn vất vả lắm, mình không thuộc địa hình còn phỉ thì thông thạo địa bàn nên chúng cứ bắn tầm trung bộ đội ta mới xác định vị trí để triển khai đội hình đánh phục kích. Cuộc chiến đấu tiễu phỉ diễn ra dai dẳng và vô cùng gian khổ, có nơi khi ta giải phóng địch tan rã nhưng bộ đội hành quân sang địa bàn khác chúng lại tập hợp nổi dậy. Thời điểm đó, đơn vị thực hiện nghiêm chỉ thị về công tác chống phỉ như không giết phỉ bị bắt, không xử trùm phỉ khi có công gọi phỉ ra hàng, đến các bản làng giúp dân quét dọn nhà cửa, phát triển chăn nuôi, thực hiện “ba cùng” làm tốt công tác dân vận. Được giác ngộ cách mạng, nhiều gia đình đã tự giác vào rừng gọi chồng, con, em bỏ hàng ngũ phỉ mang súng về với cách mạng. Tôi không thể nào quên vào đầu tháng 5/1954 chúng tôi có lệnh hành quân cấp tốc ra hành lang, vừa vượt sông Nậm Rốm có tin là địch đầu hàng. Dù không được tận mắt chứng kiến cảnh lính Pháp giương cờ trắng đầu hàng nhưng tôi nhớ mãi cảm xúc hân hoan, phấn khởi khi đứng giữa tiếng reo hò của toàn quân vào buổi chiều hôm đó. Nhận định địch có thể nhảy dù xuống Sơn La, đơn vị tôi tiến về sân bay Nà Sản đóng chốt ở đấy.

Đại tá Phạm Bình Hãn hát những ca khúc cách mạng về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Phạm Bình Hãn tiếp tục hoạt động trong quân đội, giữ nhiều cương vị khác nhau. Đến năm 1985, ông tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và được nghỉ chế độ hưu trí năm 1990. 40 năm phục vụ trong quân đội, Đại tá Phạm Bình Hãn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Hai, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân kỳ quyết thắng, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba... 

Ông Đỗ Thanh Toản, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Thái Thụy cho biết: Không chỉ CCB Phạm Bình Hãn mà còn có rất nhiều người con của quê hương Thái Thụy đã từng đi qua khói bom, lửa đạn, góp sức mình làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn 39 CCB từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm đó giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, song họ vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ tham gia hoạt động xã hội ở địa phương, giáo dục lớp trẻ nêu cao truyền thống xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.



Nguyễn Thắm