Thứ 6, 17/05/2024, 10:07[GMT+7]

Hầm De Castries và dấu ấn chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Thứ 3, 30/04/2024 | 19:21:38
669 lượt xem

Hầm De Castries được xây dựng kiên cố, bảo vệ tuyệt đối song vẫn thất bại trước Quân đội nhân dân Việt Nam.

Video: 050524-_h%E1%BA%A7m_%C4%91%E1%BB%9D_c%C3%A1c.mp4?_t=1714923900

 

Chúng tôi đến Điện Biên đầu tháng 4/2024 trong không khí hào hùng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Trên mảnh đấy này, những chứng tích trên chiến trường năm xưa gắn liền với sức mạnh đoàn kết, lòng quả cảm, khí thế hào hùng của quân và dân ta vẫn còn vẹn nguyên, trường tồn cùng non sông, đất nước. Ở đó có di tích hầm De Castries, nơi lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay ghi dấu chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng của quân, dân ta và là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Điện Biên Phủ, một nơi không hẹn trước của quân đội Pháp và Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng đã trở thành điểm hẹn tất yếu của lịch sử. Đầu tháng 12/1953, tướng Na-va quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với quân chủ lực Việt Minh và xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Tập đoàn cứ điểm này có 3 phân khu, 49 cứ điểm được phân thành 8 cụm. Mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống binh lực, hỏa lực mạnh được ưu tiên bảo vệ bởi những loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại và có thể yểm trợ lẫn nhau khi cần thiết. Bao quanh mỗi cụm cứ điểm là những hệ thống chiến hào ngang dọc chìm nổi phức tạp, những hàng rào dây thép gai dày đặc xen kẽ bởi những bãi mìn. Việc tiến hành chiếm đóng Điện Biên Phủ và biến nơi đây thành một “pháo đài không thể công phá”, “cỗ máy nghiền thịt khổng lồ” của quân đội Pháp là giai đoạn chuẩn bị của một trận đánh lớn. 

Khách đến tham quan hầm De Castries dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hầm De Castries là tên thường gọi để chỉ căn hầm làm việc của bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong đó có viên tướng tổng chỉ huy là De Castries. Hầm De Castries là công sự kiên cố nhất, được ví là “trái tim”, “linh hồn” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và được thiết kế xây dựng bằng những vật liệu vững chắc nhất lúc bấy giờ, có khả năng chống chọi với các loại hỏa lực của đối phương. Căn hầm có chiều dài 20m, rộng 8m được chia thành 4 ngăn vừa dùng cho cả nơi làm việc và ăn nghỉ. Bao quanh phía ngoài hầm De Castries là hàng rào dây thép gai và mìn cài dày đặc, hệ thống hỏa lực bố trí ở các boong ke lúc nào cũng sẵn sàng nhả đạn. Ở bốn hướng của căn hầm là 4 chiếc xe tăng thường xuyên túc trực và phía Tây Nam là trận địa pháo dàn hàng ngang nhằm bảo vệ một cách tối đa cho cơ quan chỉ huy. Đặc biệt, xung quanh cơ quan đầu não tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là 4 cụm cứ điểm được bố trí phòng vệ hết sức nghiêm ngặt. Đó là những “lớp áo giáp”, “cánh cửa thép” hay “thiên thần gác cửa” mà quân đội Pháp đề cao trong ngôn từ để bảo vệ cơ quan chỉ huy của mình.

Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam thì đánh chiếm và bắt sống bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là mục tiêu quan trọng và quyết định đi đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Vào 15 giờ ngày 7/5/1954, sau khi nhận lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ, các đại đoàn của Quân đội nhân dân Việt Nam chia làm nhiều mũi tấn công tiến vào phân khu trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Các mũi tấn công như những gọng kìm siết chặt vòng vây, vượt qua những làn đạn của quân Pháp tiến thẳng vào cơ quan đầu não tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tổ xung kích của đồng chí Tạ Quốc Luật, Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 gồm 2 chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh, Bùi Văn Nhỏ xông vào trong hầm chỉ huy. Khi các chiến sĩ của tổ xung kích tiến vào căn hầm, các gian hầm sáng choang ánh điện. De Castries quân phục màu vàng nhạt, trên ngực đeo một cặp huân chương... vẫn đang cố xé những tài liệu cuối cùng. Ngay lập tức, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật hạ lệnh bằng tiếng Pháp: “Giơ tay lên, hạ vũ khí xuống, các ông đã bị bắt...”. Vị tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có dáng dấp giống hoàng đế La Mã giờ đây không còn giữ được vẻ ngang tàng, hống hách trước kia nữa, mà đã cùng 20 sĩ quan tùy tùng đầu hàng vô điều kiện theo lệnh của Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật và cùng đi ra khỏi căn hầm giữa 2 hàng súng của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sụp đổ hoàn toàn, trên các cứ điểm trắng xóa cờ hàng của giặc. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng đã phấp phới tung bay trên nóc hầm giữa chiều hè tháng 5 lịch sử.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hầm De Castries đón rất đông các đoàn khách đến tham quan.

Di tích hầm De Castries thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan tìm hiểu về cuộc chiến lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) cho biết: Được học trong lịch sử cũng như xem các hình ảnh qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi luôn tưởng tượng hầm De Castries phải được bố trí ở một địa điểm hiểm trở. Nhưng hôm nay khi trực tiếp thăm di tích này qua giới thiệu của hướng dẫn viên, chúng tôi thấy rằng dù hầm có kiên cố với quân Pháp nhưng Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn đánh chiếm và bắt sống bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 là thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam, trong đó sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo, hành động bản lĩnh, sáng tạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch, trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhân tố quyết định hàng đầu. 

 Xe tăng của thực dân Pháp tại hầm De Castries

Còn bà Phạm Thị Thanh, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (thành phố Hà Nội) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến với mảnh đất Điện Biên Phủ oai hùng, thăm di tích hầm De Castries thấy vô cùng xúc động, tự hào. Di tích và các hiện vật được quản lý và bảo quản rất tốt đã giúp các du khách hiểu thêm về chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta, thầm cảm ơn các chiến sĩ đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam.

Lá cờ quyết chiến, quyết thắng không chỉ tung bay trên nóc hầm De Castries ngày 7/5/1954 mà hình ảnh ấy mãi mãi khắc ghi trong tim mỗi người dân Việt Nam, là một trong những minh chứng hùng hồn cho sức mạnh đoàn kết, lòng yêu nước của dân tộc ta sẽ luôn chiến thắng mọi thế lực thù địch, mọi kẻ thù xâm lược.


Ông Nguyễn Tất Đắc, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang (Bắc Giang)
Được đặt chân lên các di tích: Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đồi A1, Sở Chỉ huy chiến dịch Điên Biên Phủ hay hầm De Castries... tôi lại nhớ đến những câu chuyện về Điện Biên Phủ. Đó là một thời lửa đạn, gian khó “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” nhưng “gan không núng, chí không mòn” và oai hùng của quân và dân ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 không chỉ là chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà của cả dân tộc bị áp bức bóc lột trên thế giới lúc bấy giờ, cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và truyền cảm hứng cho muôn đời sau.

Ông Đàm Văn Thân, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang (Bắc Giang)
Tôi là cựu chiến binh đã nhiều lần lên thăm chiến trường xưa ở Điện Biên Phủ nhưng lần nào cũng xúc động, bồi hồi, tự hào về những chiến công lẫy lừng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh. Đây cũng là niềm tin, động lực để thế hệ chúng tôi tiếp tục “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đánh thắng giặc Mỹ xâm lược mang lại độc lập, hòa bình, thống nhất cho đất nước ta và trao truyền lại cho thế hệ mai sau truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam.

Anh Nguyễn Văn Sơn, phường Cống Vị, quận Ba Đình (Hà Nội)
Đây là lần thứ hai tôi trở lại Điện Biên Phủ, so với cách đây 10 năm đã có sự đổi khác rất nhiều song những chiến tích của cha ông ta đã vượt qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn đó như minh chứng rõ nhất về sự kiên cường, bất khuất, tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam. Tôi rất tự hào, hãnh diện khi đến với mảnh đất này bởi ông nội tôi cũng là chiến sĩ Điện Biên. Đến nơi đây, tôi có cơ hội hiểu thêm về những gì ông cha ta đã chiến đấu, đánh đuổi giặc ngoại xâm để mang lại hòa bình, hạnh phúc, ấm no cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Nhóm phóng viên