Chủ nhật, 05/05/2024, 19:33[GMT+7]

Nhiều tham luận đóng góp tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX

Thứ 4, 14/10/2020 | 19:50:09
2,357 lượt xem
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, các đại biểu đã tham luận đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề, lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Báo Thái Bình điện tử lược đăng một số tham luận tại Đại hội.

Các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò chủ động của uỷ ban kiểm tra các cấp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát

Đồng chí Ngô Thị Kim Hoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, cấp uỷ các cấp đã triển khai thực hiện 4.259 cuộc kiểm tra đối với 8.398 lượt tổ chức đảng, 20.404 lượt đảng viên và 2.585 cuộc giám sát đối với 8.107 lượt tổ chức đảng, 10.506 lượt đảng viên; uỷ ban kiểm tra các cấp đã thực hiện 4.343 cuộc kiểm tra đối với 15.540 lượt tổ chức đảng, 448 lượt đảng viên và 1.896 cuộc giám sát đối với 4.502 lượt tổ chức đảng, 3.393 lượt đảng viên. 5 năm qua, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thực hiện 307 cuộc kiểm tra đối với 448 đảng viên, 173 cuộc kiểm tra đối với 233 tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm; trong đó, xử lý thi hành kỷ luật 152 đảng viên và 4 tổ chức đảng; các tổ chức đảng có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 18 tổ chức đảng và 1.617 đảng viên. Kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng; cảnh báo, phòng ngừa vi phạm, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng; đóng góp tích cực vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị của tỉnh.

Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng thời gian tới, uỷ ban kiểm tra các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu: tiếp tục tham mưu với cấp uỷ chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 14-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” và Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020”. Triển khai, quán triệt Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định của Đảng, của cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng nhiệm kỳ 2020 -2025. Xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khoá, đồng thời hằng năm phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị; đề cao việc tự kiểm tra của cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên, xác định đúng đắn trách nhiệm, nhất là người đứng đầu cấp uỷ; phát huy vai trò, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của uỷ ban kiểm tra và làm tốt chức năng tham mưu, giúp cấp uỷ lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng quy định; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng để tổ chức thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Đổi mới nội dung, phương pháp kiểm tra, giám sát; tập trung đi sâu kiểm tra, giám sát chuyên đề ở các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên là cấp uỷ viên, cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp quản lý. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm sau kiểm tra, giám sát và việc thi hành kỷ luật của tổ chức đảng, khắc phục triệt để những yếu kém, vi phạm. Kiên quyết kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị, cá nhân có liên quan không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời chủ trương chỉ đạo và yêu cầu của cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra về khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm qua kiểm tra, giám sát phát hiện. Tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan giữa uỷ ban kiểm tra các cấp với các ngành, đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và việc chấp hành kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, dấu hiệu vi phạm, đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức đảng và đảng viên để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc và những vấn đề nảy sinh. Kiện toàn, củng cố bộ máy uỷ ban kiểm tra và cơ quan uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra chuyên trách, có chất lượng, số lượng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trọng tâm là các công trình mang tính kết nối vùng

Đồng chí Vũ Xuân Thành, Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Trong 5 năm qua, dưới sự chỉ đạo lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải, sự hỗ trợ của các ban ngành Trung ương và địa phương, ngành giao thông vận tải Thái Bình đã thu được kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại và bảo đảm an toàn giao thông. Trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình giao thông lớn như: tuyến tránh quốc lộ 10 qua Thị trấn Đông Hưng; nâng cấp, cải tạo 37km quốc lộ 39 từ Triều Dương đến thị trấn Đông Hưng và từ Vô Hối đến Diêm Điền; đường Thái Bình - Hà Nam và cầu Thái Hà; cải tạo, nâng cấp đường 39B từ Thanh Nê đến Diêm Điền; đường và cầu La Tiến; cầu Sông Hóa; đường 396B; đường ĐT.453; đường đê 8.... Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã đầu tư nâng cấp đạt chuẩn theo quy hoạch được 79km/151km đường quốc lộ và 115km/323km đường tỉnh.Ngày 14/2/2019 tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình được khởi công xây dựng. Tuyến đường kết nối Khu kinh tế Thái Bình với quốc lộ 10, 37, 37B, 39, đường Thái Bình -  Hà Nam, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh. Đối với Thái Bình tuyến đường bộ ven biển sẽ là tuyến đường chính phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa cho Khu kinh tế Thái Bình.

Trong thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ cụ thể hóa nghị quyết của đảng vào chương trình hành động; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương; tăng cường đoàn kết, thống nhất cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong ngành đểtham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trọng tâm là các công trình mang tính kết nối vùng. Ngành sẽ phấn đấu thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản như sau:

Một là: Chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ GTVT xây dựng, bổ sung các quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch về lĩnh vực giao thông vận tải. Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh.

Hai là: Chủ động phối hợp với sở, ban, ngành, địa phương tham mưu cho tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng như: tuyến đường bộ ven biển, đường từ Thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, đường Thái Bình - Hà Nam (giai đoạn 2), đường cao tốc Hải Phòng- Thái Bình- Nam Định- Ninh Bình đoạn trên địa phận tỉnh Thái Bình, đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình, cảng biển Thái Bình và một số cầu sang các tỉnh lân cận.

Ba là: Tiếp tục tham mưu cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp IV, đường xã đạt tiêu chuẩn cấp V, đường thôn xóm đạt tiêu chuẩn cấp A, cấp B giao thông nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bốn là: Quản lý khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện có. Phối hợp, quản lý tốt hành lang đường bộ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương quan tâm đến công tác duy tu, bảo trì đường GTNT. Tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý các vi phạm luật giao thông đường bộ, ngăn chặn xe quá tải gây hư hỏng công trình giao thông.

Năm là: Chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, các ngành liên quan làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sớm đưa công trình giao thông vào sử dụng.

Sáu là: Tích cực tham mưu cho tỉnh, các bộ ngành Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực GTVT, nhất là trong hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Bảy là: Quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, tạo môi trường làm việc và cơ hội phát triển để khuyến khích cán bộ CNVC yên tâm công tác tích cực cống hiến; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiết kiệm nguồn vốn.  

Những giải pháp chủ yếu nhằm thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình

Đồng chí Vũ Kim Cứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tại Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg, ngày 29/7/2017 và phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số  1486/QĐ-TTg,ngày 28/10/2019. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với diện tích tự nhiên 30.583 ha thuộc địa bàn 14 xã, 01 thị trấn của huyện Thái Thụy và 16 xã thuộc địa bàn huyện Tiền Hải. Khu kinh tế Thái Bình được thành lập đã tạo ra tiềm năng và cơ hội lớn trong việc thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, là một thành quả quan trọngghi nhận sự cố gắng, nỗ lực mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.Đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu dự án đầu tư các khu chức năng trong Khu kinh tế. Tỉnhđã chấp thuận tài trợ lập quy hoạch chi tiết 15 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong Khu kinh tế với tổng diện tích khoảng 5.000 ha; lựa chọn được 4 nhà đầu tư trọng điểm, phê duyệt 04 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000, khởi công 01 khu công nghiệp, cấp phép đầu tư cho 01 nhà đầu tư thứ cấp.

Nhằm thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình, tôi xin đề xuất 5 nhóm giải pháp cụ thể như sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc khuyến khích, thu hút đầu tư vào tỉnh nói chung và vào Khu kinh tế nói riêng. Phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, quảng bá những tiềm năng, lợi thế và hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn khi triển khai các dự án đầu tư trong Khu kinh tế.

Hai là, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại;chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối Thái Bình với các tỉnh, thành phố trong khu vực, gắn với hình thành các hành lang kinh tế - xã hội, phù hợp với xu hướng chuyển dịch trục phát triển kinh tế của tỉnhtừ chủ yếu theo hướng Nam và Tây Nam sang kết hợp với hướng Đông và Đông Bắc. Chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng các khu chức năng trong Khu kinh tế đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ba là, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào Khu kinh tế đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tiến hành đầu tư vào Khu kinh tế, trong đóưu tiên thu hút các ngành, lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và thân thiện với môi trường, không thâm dụng đất đai; các dự án nuôi thủy sản công nghệ cao và các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ tạo ragiá trị gia tăng lớn gắn với bảo vệ rừng phòng hộ ven biển và chủ quyền, an ninh biên giới biển. Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật cao để đáp ứng nhu cầu lao độngtrong Khu kinh tế.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính,nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để tăng cường thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có uy tín, thương hiệu đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Năm là, đổi mới, nâng cao hiệu quảcông tác xúc tiến đầu tư, nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Thái Bình, trong đó chú trọng thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và có kinh nghiệm trong đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp vào đầu tư xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế; phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi đểcác nhà đầu tư hạ tầng thu hút các nhà đầu tư thứ cấpvào các khu chức năng trong Khu kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triểntrực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh để có một bộ máy đủ mạnh thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường.