Thứ 4, 08/05/2024, 07:35[GMT+7]

Chuyện về người giành giải nhất cuộc thi

Thứ 3, 21/05/2013 | 08:29:38
1,376 lượt xem
Để tham dự cuộc thi tìm hiểu "Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình làm theo lời Bác", Trần Ngọc thủy đã không nề hà vất vả, tranh thủ thời gian đi đến tất cả các địa phương - nơi 5 lần Bác Hồ về thăm Thái Bình để gặp các nhân chứng từng được gặp Bác, nghe kể, ghi chép, chụp ảnh. Để vinh dự nhận giải nhất cá nhân của cuộc thi, cô đã đọc hàng nghìn trang tài liệu tham khảo, trích dẫn những câu nói của Bác, sưu tầm các bài hát, bài thơ viết về người...

Trần Ngọc Thủy (người đứng thứ 3 từ trái sang) nhận giải thưởng cuộc thi.

Ngay sau giây phút bước lên bục danh dự nhận giải nhất cá nhân cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với Thái Bình, Thái Bình làm theo lời Bác” do LĐLĐ tỉnh tổ chức ngày 16/5/2013. Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo – Trần Ngọc Thủy đã giành cho tôi một khoảng thời gian để nói về hành trình đi sưu tầm tư liệu vất vả, công phu và nhiều kỷ niệm ấy.

 

Sinh năm 1973 ở làng Chiếu Hới (Tân Lễ, Hưng Hà). Năm 1986, khi đang học lớp 7, Trần Ngọc Thủy vinh dự được về Hà Nội dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ lần thứ II. Được vào Lăng viếng Bác, thăm nơi Bác ở, nhìn các kỷ vật của Người... cô bé như khắc sâu, chôn chặt trong trái tim mình những hình ảnh thân thương của Bác Hồ. Từ đó, trong tâm trí của Thủy luôn cháy lên ý thức phải noi gương Bác, học Bác từ những công việc hàng ngày.

 

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, cô về công tác tại Trường THCS Tân Lễ, nơi cô từng học tập những năm tháng phổ thông và mẹ cô cũng là giáo viên của trường. Năm 1998, cô được điều về làm Trưởng ban nữ công của LĐLĐ huyện Hưng Hà. Ngày đó, cô đã có đam mê tham gia nhiều cuộc thi và từng giành giải nhì “Giáo viên tài năng, thanh lịch”; “Cán bộ công đoàn giỏi, thanh lịch”. Cô tâm sự: Dự thi là quá trình rèn luyện tư duy, phải tham khảo nhiều tài liệu, bổ xung kiến thức.

 

Ngay khi tỉnh phát động cuộc thi tìm hiểu: “Bác Hồ với Thái Bình, Thái Bình làm theo lời Bác”, LĐLĐ tỉnh đã động viên cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ tích cực hưởng ứng. Trên cương vị Phó Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT, nhớ lời Bác dặn: Cán bộ phải gương mẫu làm trước, cô đã dành nhiều thời gian đi sưu tầm tư liệu. Vừa học cao học, vừa làm công việc cơ quan, lại làm thiên chức người phụ nữ trong gia đình, Thủy đã không nề hà vất vả, tranh thủ thời gian để đi đến tất cả các địa phương - nơi 5 lần Bác Hồ về thăm Thái Bình. Thân gái mảnh mai, sức khỏe có hạn... cô vẫn lặn lội về đê Đìa, xã Hồng An (Hưng Hà).

 

Đến Đình Phương Cáp, xuống Nam Cường (Tiền Hải)... gặp các nhân chứng từng được gặp Bác, nghe kể, ghi chép, chụp ảnh. Khi tư liệu đã khá đầy đủ, cô bắt đầu xây dựng đề cương và viết. Khổ nỗi, nhà có máy vi tính phải dành cho con gái lớn học, cô ra cơ quan làm việc buổi tối, có hôm Thủy phải nói với người bảo vệ đi qua phòng để cô đỡ sợ. Những nội dung trả lời theo câu hỏi không chỉ lý giải đơn giản, mà từ cảm xúc của mình, tư duy của một nhà giáo... cô đã thể hiện sinh động, lô-gic và có sức thuyết phục rất cao.

 

Để được các thành viên ban giám khảo của LĐLĐ tỉnh “Tâm phục, khẩu phục” cô đã đọc hàng nghìn trang tài liệu tham khảo, trích dẫn những câu nói của Người, sưu tầm các bài hát, bài thơ viết về Người. Trả lời nội dung: “Thái Bình làm theo lời Bác”, cô đã chụp ảnh cánh đồng Tân Phong nơi Bác mong muốn đạt 5 tấn nay đã trên 12 tấn thóc/ha. Con đê bị vỡ năm xưa ở Hồng An (Hưng Hà) đã vững chãi sau bao lần bồi đắp, bảo vệ mùa màng, làng mạc bình yên.

 

Ở Nam Cường, bây giờ cuộc sống đã khác xưa nhiều lắm. Cô đã chứng minh từ trực quan sinh động đến tư duy lý luận về những việc Đảng bộ, nhân dân làm theo lời Bác. Cô đã đọc kỹ các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh để có cái nhìn đầy đủ, khách quan về thành tựu đạt được sau mỗi lần Bác về thăm Thái Bình. Với 300 trang đánh máy và nhiều hình ảnh minh họa do cô trực tiếp chụp... Bài dự thi của cô đã được Ban giám khảo LĐLĐ tỉnh chấm giải nhất, bài xuất sắc nhất trong hơn 25.000 bài dự thi của công nhân viên chức - lao động.

 

Khi chia tay, cô cứ tiếc là nếu được làm lại cô sẽ làm tốt hơn. Vì cô sợ bài dài quá, sẽ làm khó cho ban giám khảo. Rồi cô cười – nụ cười thật tươi, không phải chỉ vui vì giành giải cao mà cô đã thực hiện được lời Bác Hồ dặn: “Làm việc gì cũng phải làm đến nơi, đến chốn”.

Bài, ảnh: Phạm Viết Thanh

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa