Thứ 3, 30/04/2024, 06:21[GMT+7]

Hướng đi nào cho phát triển du lịch trải nghiệm ở Hồng Lý?

Thứ 2, 26/11/2018 | 10:49:46
1,318 lượt xem
Mấy năm gần đây, cánh đồng hoa cải xã Hồng Lý (Vũ Thư) đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, khi phát triển du lịch trải nghiệm từ trồng cải, Hồng Lý đang gặp nhiều khó khăn.

Về Hồng Lý những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh người nông dân đang chăm sóc cây hoa cải, chuẩn bị cho mùa du lịch. Nghề trồng cải vốn là nghề truyền thống của địa phương, xuất hiện từ khi lập làng, lập xã nên cây cải rất gắn bó với đời sống của người nông dân nơi đây. 

Mang đặc điểm của địa hình đất bãi ven sông nên diện tích trồng cây vụ đông nói chung, trồng cải nói riêng ở Hồng Lý phát triển tương đối thuận lợi. Cách đây khoảng 3 năm, khi thực hiện dồn điền đổi thửa, phần lớn diện tích trồng cải của xã cũng đã được dồn đổi, tạo thành một cánh đồng cải lớn rộng hơn 60ha, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Cao điểm từ trung tuần tháng 11 năm trước đến đầu tháng 1 dương lịch năm sau, mỗi ngày cánh đồng cải ở đây đón từ 3.000 - 4.000 lượt khách từ nhiều tỉnh, thành phố. Đồng cải ngày nào cũng tấp nập, đông vui như ngày hội. Việc đầu tư phát triển du lịch theo hướng trồng cải đã giúp nông dân Hồng Lý tăng thu nhập từ 2 - 3 lần so với trồng cây vụ đông thông thường. Một năm, trung bình, địa phương thu được trên 10 tỷ đồng từ trồng cải. Hoa cải đã trở thành cây vụ đông chính phục vụ phát triển du lịch. 

Từ một vùng quê nghèo khó, xa nhất của huyện Vũ Thư, đường đi lối lại khó khăn thì nay Hồng Lý đã được nhiều người tìm đến và có tên trên bản đồ du lịch tỉnh Thái Bình. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới kết hợp phát triển du lịch, thời điểm hiện tại, xã đang gấp rút hoàn thành các tuyến đường để đưa vào sử dụng. Đây cũng là thuận lợi đáng kể để thu hút khách du lịch đến với vườn hoa cải của địa phương.

Tuy nhiên, phát triển du lịch trải nghiệm từ trồng cải tại Hồng Lý chủ yếu vẫn mang tính tự phát nên còn những hạn chế. 

Bà Trần Thị Vui, thôn Gia Lạc là một trong số hàng trăm hộ dân trồng cải lâu năm của xã cho biết: Mọi năm, gia đình bà trồng từ 5 - 7 sào cải nhưng năm nay do nhiều yếu tố bất thuận nên gia đình chỉ trồng 3 sào. Thay vào đó, gia đình trồng đậu cô ve để bảo đảm thu nhập. Bà cũng rất muốn đầu tư phát triển cho cánh đồng cải nhưng lãi không có nhiều, hạt cải không bán được, độ rủi ro cao vì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.

Ông Nguyễn Hữu Năm, thôn Hội Kê, xã Hồng Lý (Vũ Thư) đang tích cực chăm sóc cây hoa hướng dương chuẩn bị đón khách du lịch.

Do ảnh hưởng của thời tiết nên vụ đông năm nay, toàn xã Hồng Lý chỉ trồng được 300ha cây vụ đông các loại ở cả 2 HTX Tam Tỉnh và Hồng Xuân (giảm 70ha so với kế hoạch). Trong đó, đậu cô ve tăng hơn hẳn các năm trước (trên 60ha), diện tích hoa cải giảm mạnh chỉ còn 20ha (giảm hơn 40ha, so với năm 2017), còn lại là các loại hoa và rau màu khác.

Hiện nay, tuyến đường trục huyện về xã đang thi công do vậy việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Phà qua bến Hữu nhỏ, chưa chở được các xe khách lớn nên chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách từ các tỉnh phía Nam. Mặt khác, vùng quy hoạch trồng hoa cải có liên quan đến nhiều hộ, sản xuất còn mang tính tự phát. Khâu tổ chức sản xuất chưa khoa học, có hộ diện tích nhỏ lẻ không gieo trồng hoặc chưa nghiêm túc sản xuất theo kế hoạch chung của tập thể dẫn đến trồng nhiều loại cây. Địa phương cũng chưa quy hoạch được vùng sản xuất rau an toàn và trồng ngô nếp làm quà bán cho du khách. Công tác quản lý thu dịch vụ còn để mạnh ai nấy làm, chưa giải quyết tốt mối quan hệ cùng làm, cùng thụ hưởng lợi nhuận, do vậy không khuyến khích được người có diện tích nhỏ hoặc diện tích trong lõi cánh đồng cải để cùng tham gia sản xuất. Việc để các hộ dân tự đứng ra thu phí nên giá cả không đồng nhất, đã có trường hợp ứng xử với du khách thiếu văn hóa, chưa tạo được sự thoải mái cho du khách vào tham quan, chụp ảnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng khác, công tác tổ chức các khâu dịch vụ chưa chuyên nghiệp nên chưa khai thác được tiềm năng sẵn có để đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ, lưu trú của du khách.

Là một trong những hộ dân được đánh giá cao về tư duy phát triển du lịch, dám nghĩ, dám làm, điều ông Nguyễn Hữu Năm, thôn Hội Kê băn khoăn nhất là làm thế nào để có thể phát triển loại hình du lịch trải nghiệm từ đồng cải và quảng bá hình ảnh cho địa phương, bởi đối với bà con nông dân trong xã, vụ đông là vụ làm ăn chính trong năm nhưng lại phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Khác với mọi năm chỉ trồng cải, năm nay, để thu hút thêm khách du lịch, gia đình ông Năm đầu tư trồng thêm các loại hoa như hoa cánh bướm, hoa giấy, tam giác mạch với tổng diện tích lên tới hơn 1 mẫu. 

Ông Năm cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với bà con hiện nay đó là do trồng cải phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Để giảm bớt rủi ro, tôi đã nghiên cứu, đưa 4,5 sào hoa cánh bướm vào gieo trồng ở vụ đông này thay thế hoa cải vì đặc tính của hoa cánh bướm chống chịu thời tiết tương đối tốt, lâu tàn hơn hoa cải, nếu chăm sóc tốt có thể chơi được đến tết. Việc đưa cây trồng mới vào đồng ruộng như vậy vừa giúp gia đình có thu nhập, vừa bảo đảm phát triển du lịch của xã.

Không riêng gia đình ông Năm mà một số hộ dân tại xã Hồng Lý cũng đã bắt đầu áp dụng việc đưa những giống cây, hoa mới về gieo trồng. Tuy nhiên, về lâu dài, với tình trạng phát triển tự phát, nhỏ lẻ, xôi đỗ, thiếu chuyên nghiệp như hiện nay, việc phát triển cánh đồng hoa cải khó có thể bền vững. Chưa kể, hiện nay, những nông dân làm du lịch còn thiếu hụt về kiến thức, cách quảng bá bài bản; sự kết nối giữa mô hình du lịch cộng đồng với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các làng nghề để tạo tuyến du lịch phục vụ khách cũng chưa thường xuyên và chuyên nghiệp.

Ông Trần Xuân Chính, Chủ tịch UBND xã Hồng Lý cho rằng: Phát triển du lịch trải nghiệm vẫn là một hướng đi đúng của địa phương nên tới đây xã sẽ quy hoạch toàn bộ diện tích gieo trồng các loại cây trên cánh đồng lớn; chỉ đạo các HTXNN tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Quản lý khai thác dịch vụ khách tham quan, chia đều lợi nhuận cho hộ thành viên. Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền để tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cả hệ thống chính trị, các đơn vị kinh doanh du lịch và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò cũng như lợi ích từ hoạt động phát triển du lịch mang lại. Tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch từ việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giới thiệu và cung cấp thông tin miễn phí các sản phẩm du lịch tại xã Hồng Lý nói riêng cùng với các sản phẩm du lịch trong phạm vi toàn tỉnh. Tổ chức tốt các khâu dịch vụ đón khách tham  quan, lưu trú... để Hồng Lý trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách xa gần, đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Thu Trang