Thứ 2, 06/05/2024, 20:29[GMT+7]

Thương binh Nguyễn Khắc Lịch: Tâm sáng - chí bền

Thứ 6, 26/01/2024 | 16:18:29
6,987 lượt xem
Sau khóa huấn luyện “đặc biệt”, đầu tháng 10/1962 ông Nguyễn Khắc Lịch được về phép có 3 ngày và cưới vợ. Vợ chồng ở bên nhau chưa êm chăn, bén gối là ông Lịch phải trở về đơn vị và được tăng cường vào chiến trường Quân khu 5 đánh Mỹ.

Tác giả cùng cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lịch.

Tám năm biền biệt ở chiến trường Quân khu 5, bà Đào Thị Nháng, vợ ông - một nhà giáo trường làng có ít nhất hai lần nghe được tin ông Lịch đã hy sinh... Năm 1970, ông Lịch được ra miền Bắc và mang trên mình nhiều vết thương, cánh tay trái oặt đi và ngắn lại. Bây giờ mỗi lần bà Nháng ngồi bên chồng, được nghe ông kể về sự biền biệt, về những khốc liệt chiến tranh: “Tôi ngất lịm, mãi sau tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong trạm phẫu dã chiến, cảm giác cánh tay còn có khả năng hoạt động. Tôi nén đau hỏi đồng chí y tá đang ngồi bên: Đồng chí ơi! Bao giờ tôi được quay lại cùng anh em chiến đấu? Đơn vị tổn thất có nhiều không? Tôi thương các đồng đội quá”.

Tôi đã có vinh hạnh được chứng kiến phút giây hạnh phúc, xúc động của cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lịch bên người vợ thủy chung - bà Đào Thị Nháng. Có lẽ, sau lần bị thương thứ bảy trong một trận chiến ác liệt vào tháng 8/1969 ở mặt trận huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lịch ở thôn Thượng, xã An Thanh (Quỳnh Phụ) mới lại có thêm phút giây hạnh phúc được ngồi bên người vợ mà ông rất đỗi yêu thương để hồi nhớ và hoài niệm cho chúng tôi nghe về những ký ức khốc liệt chiến trường. Câu chuyện chiến tranh đã lùi vào quá khứ 55 năm được ông Lịch kể lại như một thước phim quay chậm.

Hôm ấy trời vừa nhá nhem tối, Đại đội trưởng Nguyễn Khắc Lịch chỉ huy đơn vị vượt qua trảng trống thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam thì bất ngờ đơn vị rơi vào ổ phục kích của quân Mỹ. Các loại hỏa lực của địch thi nhau xối vào đội hình, nhiều đồng đội của ông Lịch hy sinh. Đại đội trưởng Nguyễn Khắc Lịch gục xuống, cánh tay trái trúng đạn địch dập nát, máu tràn ướt hết thân người. Khi tỉnh dậy, Nguyễn Khắc Lịch mới biết trong đêm đồng đội đã đưa ông về trạm phẫu dã chiến và một bác sĩ người Pháp là hàng binh của ta theo cách mạng vào miền Nam mổ cấp cứu đã giữ lại cánh tay trái cho mình. “Chiến tranh thật khốc liệt, có biết bao đồng đội của tôi phải nằm lại ở chiến trường để tôi được trở về với quê hương, với gia đình. Tôi có được cuộc sống hạnh phúc hôm nay là nhờ sự hy sinh xương máu của đồng đội tôi đấy!” - ông Lịch xúc động và bật khóc.

Tám năm tham gia thực chiến ở chiến trường Quân khu 5, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lịch đã nếm trải đủ sự khốc liệt của chiến trường, chứng kiến những giờ phút sau chiến thắng và chứng kiến sự hy sinh của đồng đội. Đơn vị của ông từng đối mặt với các đơn vị khét tiếng tàn bạo và đặc biệt tinh nhuệ của quân đội Mỹ như Sư đoàn bộ binh Anh Cả Đỏ Mỹ, Sư đoàn kỵ binh không vận số 1, Sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên, Sư đoàn lính thủy đánh bộ “Rồng Xanh”. Năm 1964, được đơn vị điều động về làm Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn, huyện Trà Bồng, trực tiếp bám dân lãnh đạo phong trào cách mạng ở nơi này, Nguyễn Khắc Lịch tham gia cả trăm trận đánh lớn nhỏ và bảy lần bị thương. Ông bảo ngày ấy sống chết ở nơi chiến trường với người lính nào có sá chi, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì nhân dân, có người tình nguyện hy sinh thay đồng đội. Nén lại xúc động, ông Lịch kể tiếp về trường hợp hy sinh của chiến sĩ Nguyễn Anh Hùng quê huyện Tiền Hải. Được bổ sung về đơn vị chưa đủ ba ngày nhưng chiến sĩ Nguyễn Anh Hùng lại là đảng viên dự bị được ba tháng. Trước khi vào trận đánh, Nguyễn Anh Hùng đã chích đầu ngón tay lấy máu viết đơn đề nghị chi bộ cho tình nguyện lập công. Anh Hùng ôm theo hai chục ki-lô-gam thuốc nổ để đánh cửa mở và rồi mãi nằm lại với đất rừng Quảng Nam.

Những ký ức và hoài niệm về chiến tranh cứ như vậy được cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lịch chậm rãi kể cho chúng tôi nghe. Mỗi câu chuyện chiến trường là một kỷ niệm về trường đời người lính đã trải nghiệm. Mỗi câu chuyện là một khúc tráng ca về người lính đã vì Tổ quốc, vì nhân dân quên mình. Tóm ghi lại những hoài niệm về hai mươi năm quân ngũ, về chiến tranh, về tình yêu thương đồng đội, câu chuyện đời thường của cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lịch là hạnh phúc gia đình bên người vợ yêu thương của ông - bà Đào Thị Nháng xuân này đã mừng thọ tuổi tám mươi. Cái ngày ông ra trận, cái ngày nghe tin ông hy sinh, bà ở tuổi thanh xuân đảm đang việc nhà, việc nước, vững tin một lòng, một dạ chờ đợi ông trở về.

Tham gia quân ngũ đợt đầu tiên thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 1959, hai mươi năm quân ngũ, tám năm chiến đấu ở chiến trường khu 5 gian khổ và ác liệt, tham gia hàng trăm trận đánh, bảy lần bị thương và sau lần bị thương dập cánh tay trái, ông Nguyễn Khắc Lịch được điều ra miền Bắc an dưỡng rồi nhận nhiệm vụ ở Tỉnh đội Hà Nam Ninh, đến năm 1979 thì được Quân đội cho về nghỉ hưu.

Hạnh phúc nơi tổ ấm của cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lịch hôm nay nở hoa kết trái, dưới nếp nhà khang trang thoáng đẹp ở thôn Thượng, xã An Thanh (Quỳnh Phụ) mỗi chiều thứ 7, chủ nhật, ngày lễ là sự sum vầy của các con, các cháu về bên ông bà. Bốn người con gồm ba người con trai và một người con gái út của cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lịch đều được học hành, giáo dục nền nếp. Tất cả đều là những công dân, những công chức, viên chức đang viết tiếp truyền thống của gia đình, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước. Dưới nếp nhà an hòa của cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lịch còn đó là những tấm bằng vinh danh của Đảng và Quân đội dành cho ông. Đó là Huy hiệu 60 năm tuổi đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Giải phóng, Huân chương chiến công hạng Ba, hai tấm bằng dũng sĩ diệt Mỹ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trước xuân mới Giáp Thìn 2024, xin được ghi lại chút ký ức đời quân ngũ của cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lịch mừng ông đón tuổi 86 mạnh khỏe, an lành, tuổi cao gương sáng, chí bền cho những người trẻ noi theo học tập.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)