Chủ nhật, 28/04/2024, 23:17[GMT+7]

Người Thái Bình - đất Thái Bình qua ca dao, tục ngữ

Thứ 2, 12/02/2024 | 16:18:15
18,190 lượt xem
Ca dao, tục ngữ là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể chiếm vị thế khá đặc biệt trong các loại hình di sản văn hóa của dân tộc và mỗi miền quê trong nước. Khi nhắc tới những địa danh của mỗi làng quê trong ca dao, tục ngữ thường tạo được sức truyền cảm mang tính riêng biệt, khơi gợi tình yêu, lòng tự hào về con người và cảnh vật của quê hương. Có thể coi kho tàng ca dao, tục ngữ của Thái Bình là một bảo tàng sống động, góp phần hữu hiệu khi tìm hiểu người Thái Bình - đất Thái Bình.

Đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương). Ảnh Tư liệu

Đa phần các làng cổ thuộc phía bắc tỉnh Thái Bình đều có tên nôm (tên làng chỉ có một chữ) như Đún, Mải, Hò, Khoan, Chiếp, Nấp... Sử sách thành văn thường không ghi rõ lịch sử ra đời của làng nhưng chỉ bằng bốn câu ca dao đã khái quát được tên làng của 10 xã của các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ: “Trên thì Đún, Mải, Hò, Khoan/Dưới thì Quếch, Lác, Dô, Giai, Sâm, Sàng/Đô Kỳ, Đồng Phó đổ sang/Chiềng, Tè, Hới, Gạo, Vích, Vang, Ương, Rồng”. Cũng nói về tên làng, người xưa còn dùng cách chơi chữ: “Gỗ làng Hò thì làng Hò kéo/Việc gì đến làng Khoan mà làng Khoan hò/Gà làng Chiếp thì làng Chiếp bán/Việc gì đến làng Nấp mà làng Nấp nom”...

Làng Thượng Phúc xã Thái Phúc (Thái Thụy) có câu ca nói rõ thời gian lập làng: “Xưa kia vốn ở một dân/Đến đời Hồng Đức mới phân ba làng”. Qua câu ca này ta có thể biết được từ một làng Thượng Phúc thời cổ đến đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã tách thành các làng Phúc Khê, Cù Khê, Vị Khê (Vị Thủy) nay thuộc các xã Thái Phúc, An Hà, Dương Hồng Thủy (Thái Thụy).

Có những câu ca dao nói về vị trí của huyện Thụy Anh xưa: “Đầu huyện là xã Ninh Cù/Cuối huyện là xã Bích Du, Sơn Đường”. Và, nếu như người dân Bích Du, Sơn Đường từng tự hào về quê mình: “Dù đi ba bể chín chu/Cũng không bằng đất Bích Du, Sơn Đường” thì người làng Động Trung cũng từng có cảm nhận là: “Dù đi khắp chốn mọi vùng/Chẳng đâu sánh được Động Trung quê mình”...

Làng Vân Cước nay thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, là một làng có cảnh quan đẹp, nằm bên sông, có cầu đá, có đình rộng, hàng năm mở hội hai lần vào tháng tư và tháng bảy. Người Vân Cước mượn lời một trai làng rủ bạn về thăm làng để nói về cảnh đẹp của quê mình: “Mình về đường ấy bao xa/Hãy về Vân Cước với ta hỡi mình/Vân Cước có cầu đá xinh/Có sông tắm mát, có đình nghỉ ngơi/Tháng tư thì đi xem bơi/Tháng bảy xem rước mấy nơi vui bằng”...

Thái Bình nhiều làng có những truyền thuyết về những chiếc giếng làng và khá nhiều giếng làng đã đi vào ca dao tục ngữ. Làng Ô Trình (Thái Thụy) có câu: “Giếng Ô Trình vừa trong vừa mát/Đường Ô Trình lắm cát dễ đi”. Làng Vạn Đường (Quỳnh Phụ) cũng có câu: “Giếng Vạn Đường vừa trong vừa mát/Đường Vạn Đường lắm cát dễ đi”. Thêm nữa, Vạn Đường đã có giếng trong, đường cát lại có cả những cô gái đẹp người, đẹp nết từng được ví von: “Rằng ngon là trứng cá rô/Đẹp người, thanh lịch các cô Vạn Đường”. Hoặc: “Vạn Đường đất bụt người tiên/Ai đi đến đấy bén duyên khó về”. Làng Cổ Rồng (Tiền Hải) lại tự hào: “Sông Cổ Rồng vừa trong vừa mát/Đường Cổ Rồng pha cát dễ đi”. Nếu như làng Lưu Xá (Hưng Hà) có bài ca dao khá dài tự hào về cảnh sắc làng mình, mở đầu bằng hai câu: “Ai qua cầu Đá, quán Tiên/Gặp người Lưu Xá bén duyên khó về” thì làng A Sào (Quỳnh Phụ) lại tự hào: “A Sào văn vật kỳ quan/Người khôn cũng lắm, người ngoan cũng nhiều”...

Tục ngữ ca dao Thái Bình có nhiều câu, nhiều bài phản ánh về các lễ hội dân gian. Ví như: “Dù cho cha đánh mẹ treo/Em không bỏ hội Keo hôm rằm”; “Nhất vui là hội Lại Trì/Đêm thì xem  hát, ngày thì xem bơi”; “Dù ai buôn bán đâu xa/20 tháng 8 giỗ cha thì về/Dù ai buôn bán trăm nghề/20 tháng 8 nhớ về Đào Thôn”; “Vào đêm 26 tháng ba/Làng Nhống rước đuốc làng ta rước đèn/Trên trại đón nhận phong đăng/Còn hai làng dưới tỏ tình giao duyên”...

Thái Bình được xác định là một trong những chiếc nôi của nghệ thuật chèo. Từ xa xưa, chèo Khuốc đã đi vào ca dao, trở thành “đặc sản” để mời chào: “Hỡi cô thắt giải lưng xanh/Có xem chèo Khuốc với anh thì về”. Chèo Đồng Xâm được ví như vị ngon của một số sản vật: “Mua rượu thì đến làng Keo/Ngon chè chợ Mét, xem chèo Đồng Xâm”; “Diên Hà lắm bậc ca nhi/Không sành âm luật chớ đi Diên Hà”; “Chèo qua cửa Luộc đêm nào/Nghe câu anh hát mà xao cõi lòng/Chờ đêm gió mát giăng trong/Ánh giăng soi bóng em lồng bên anh”...

Trong lễ hội dân gian, không thể thiếu những nhạc cụ dân tộc, cồng, chiêng, trống, mõ... Nhiều làng đã được ca dao tục ngữ gắn thương hiệu: “Chiêng Đông, trống Tứ, mõ Đoài”; “Chiêng làng Đống, trống làng Triền”; “Trống Văn Ông, cồng Đồng Hải”; “Chuông chùa Lác/Khánh chùa Giai/Mõ Xuân Đài/Trống Hải An”; “Chiêng làng Tống/Trống làng Nghè/Cồng làng Me/Mõ làng Đặng”...

Đồ ăn, thức mặc, dụng cụ sản xuất, nghề thủ công và sản vật của các làng quê ở Thái Bình đã đi vào ca dao tục ngữ. Ví như: “Sổi se, đũi, nái không bằng vải Bái nhuộm nâu”; “Sống mặc vải Bùi, chết vùi vàng tâm”; “Chiếu Hới, vải Bơn, lụa Mẹo”; “Lụa Bộ La, là Sóc, đũi Ngọc Đường”; “Dù ai chọn lượt, kén là/Không bằng mua lụa Bộ La về dùng”; “Muốn ăn hai bữa cơm no/Lấy chồng làng Hò thì phải đan nong”; “Làng Miễu đan giỏ/Làng Tó đan dành”; “Đan Dành An Ninh/Xây đình Lịch Động”; “Nguyên Xá bánh cáy/Khoai ráy Động Trung/Bánh lọc thật trong/Đô Kỳ chợ Quếch”; “Tương Phương Tảo/Gạo Lộc Điền/Tiền làng Búng/Thúng làng Roi/Ngòi Thanh Bản”; “Bao Hàm, Hổ Đội trồng hành/Quang Lang muối mắm, làng Dành thuốc ngon/Đan vó giỏi nhất Vạn Đồn/Giầu không Xá Thị, chợ Cồn cá tôm”; “Khoai đồng Giá, cá đồng Tài”; “Nhất ngọt là mía làng Niềm/Trai khôn Phủ Sóc, gái mềm Cọi Khê”...

Hệ thống chợ làng với những sản vật nổi tiếng của mỗi chợ cũng được đưa vào ca dao tục ngữ: “Ai ơi một tháng sáu phiên/Mua bông đi chợ mới Miên huyện Quỳnh”; “Dù cho đường đất xa xăm/Không bỏ chợ Lụ phiên năm phiên mười”; “Mua trâu mua bò thì đi chợ Sóc/Đong gạo đong thóc thì về chợ Nang”; “Cói Vô Song, bông chợ Giẽ/ Cá chợ Nan, khoai lang chợ Đậu”; “Trên trời dưới khoai không bằng chợ Thá/Mua rổ mua rá thì về Trạm Chay/Ai mua giàu cay thì về chợ Nấp”; “Tậu trâu đi chợ Cầu Lê/Muốn tậu lợn sề thì đi chợ Mẽ”; “Chợ Chớp lắm cá, lắm tôm/Lỡ buổi chiều hôm thì đi chợ Cổng”; “Cá tôm chợ Hội chợ Chùa/Cá rẻ muốn mua thì về chợ Gú”; “Ổi làng Bo, trâu bò chợ Sóc”...

Qua ca dao tục ngữ cũng sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc sống cơ cực của người dân Thái Bình thuở trước: “Trai đi cuối đất cùng trời/Bán thân đổi lấy cơm rơi canh thừa/Gái tay dệt lụa tiến vua/Mà quần áo vá chẳng vừa che thân”; “Lên Bùi xuống Gọc chớ vào Cau/Ăn cơm thì ít, ăn rau thì nhiều”; “Lên Tang xuống Giá chớ vào Tài/Ăn cơm thì ít, ăn khoai thì nhiều”; “Trăm cái tội không bằng cái lội làng La”; “Trăm cái tội không bằng lỗ lội Dục Dương”; “Cơm hẩm ăn với muối rang/Lấy chồng Thắng Cựu lội đàng quanh năm”; “Qua Lan xuống Giắng chớ vào Hà/Bát cơm đã hẩm, quả cà lại thâm”; “Qua Dòi xuống Bứa chớ vào Hưng/Cà thâm mắm thối sung rừng kho tương”; “Lấy chồng Hàng Tổng ăn khoai/Lấy chồng Đa Cát thì nhai rau cần”...

Những câu ca dao tục ngữ nói về tính cách con người của từng làng đã chiếm một tỉ lệ khá cao trong kho tàng văn học dân gian ở Thái Bình. Dạng như: “Trai Đào Động gái Lộng Khê”; “Trai làng Ngái gái Động Trung”; “Khôn ngoan Luyến Khuyết/Ráo riết Hải Đô/Buôn bán Đông Hồ/Lờ ngờ Phong Lẫm”; “Hay đế Bồ Trang/Nói ngang Ngọc Quế/Cậy thế Vĩnh Ninh/Lấp lửng Ô Trình/Lập lờ Dương Liễu”; “Trai Ô Cách, gái Kẻ Giai/Đều là những bậc anh tài, trung quân”... Về chủ đề này, báo Thái Bình đã có bài “Châm ngôn về người Thái Bình” đăng trên số báo chủ nhật ngày 23 tháng 1 năm 2022. Còn có một khối lượng khá đồ sộ ca dao tục ngữ phản ánh tinh thần quật khởi của người Thái Bình trong những cuộc đấu tranh chống xâm lược và chống áp bức cường quyền ở các thời kỳ lịch sử sẽ được chúng tôi giới thiệu vào một thời điểm thích hợp.

Thái Bình là một miền quê có bề dày truyền thống văn hóa văn hiến, yêu nước và cách mạng. Hồn cốt của những truyền thống đó đã được lưu giữ và chuyển tải qua ca dao tục ngữ với những tên người, tên đất cụ thể. Nên chăng, các cơ quan, ban, ngành hữu quan cần sớm có kế hoạch nghiên cứu, giới thiệu rộng rãi để thiết thực góp phần giáo dục, phát huy những tinh hoa truyền thống quý báu của người Thái Bình - đất Thái Bình.

Nguyễn Thanh

(Vũ Quý, Kiến Xương)