Chủ nhật, 05/05/2024, 09:24[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) Nối đường trong mưa bom

Chủ nhật, 21/04/2024 | 19:34:54
3,509 lượt xem
Ông Vũ Xuân Hòa, 93 tuổi, nguyên Đại đội trưởng C412 Đội 40 Thanh niên xung phong (TNXP) Trung ương đang sống cùng con cháu tại thị trấn Kiến Xương (Kiến Xương). Giữa tháng 4/2024, ông Phạm Văn Ủy, cũng 93 tuổi, hiện đang ở Hà Nội, đồng đội năm xưa về thăm ông Hòa. Lần lại những vệt ký ức đã bị thời gian bào mòn, những câu chuyện về một thời phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ chập chờn trong tâm trí và cả sức khỏe vốn đã được đo đếm bằng tuổi “xưa nay hiếm”... Các ông đã gặp lại nhau trong cái bắt tay thật chặt, trong niềm xúc động khó thể nguôi ngoai và trong niềm tự hào của hậu thế.

Ông Vũ Xuân Hòa vui mừng gặp lại đồng đội.

Ông Vũ Xuân Hòa nhớ lại: Khoảng tháng 9/1953, Đội 34, Đội 38, Đội 40 TNXP Trung ương được điều động lên mở tuyến đường Tây Bắc - Điện Biên Phủ. Trong đó, toàn Đội 40 phục vụ mở đường, bảo đảm giao thông ở ngã ba Cò Nòi, ngầm Hót Lót, đèo Sơn La, đèo Pha Đin. Mỗi đại đội TNXP được trang bị mươi khẩu súng trường để bảo vệ, còn phần lớn là dụng cụ lao động, lương thực, thực phẩm và dụng cụ hậu cần cho cả đại đội. Mỗi TNXP mang vác chừng 30kg lương thực, dụng cụ. Công việc mở đường phục vụ chiến dịch rất khẩn trương. Ngày đêm lực lượng TNXP và dân công đục đá, đánh mìn, đào núi, san đất mở đường, làm cầu, sửa ngầm để từng đoàn xe vận tải nối đuôi nhau ra trận. Các đoàn xe thồ ngày đêm đi như nước chảy từ Yên Bái sang, từ Thanh Hóa, Hòa Bình lên vận chuyển lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Ngoài mở đường, TNXP còn tham gia làm các binh trạm, các kho quân lương. Càng gần đến ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, địch càng tăng cường máy bay ném bom đánh phá các chốt giao thông trọng điểm. Ác liệt nhất là ngã ba Cò Nòi và đèo Pha Đin. 

Tiếp lời ông Hòa, ông Phạm Văn Ủy kể: Có những ngày cao điểm, địch ném xuống hàng trăm quả bom các loại nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí, lương thực, thực phẩm của ta phục vụ chiến trường... Giọng ông như nghẹn lại khi nhắc đến sự hy sinh anh dũng của những đồng đội đã ngã xuống. Ngày hôm sau, đi đào bới tìm thi hài của đồng đội nhưng nhiều người chỉ còn lại một phần thân thể... cũng không biết là của ai nữa. 

Hy sinh, gian khổ là thế nhưng với tinh thần “sống phá bom, nối đường, chết kiên cường, dũng cảm”, dưới mưa bom, lửa đạn của kẻ thù, lực lượng TNXP vẫn hiên ngang, dũng cảm làm nhiệm vụ. 

Ông Vũ Xuân Hòa (bên phải) và ông Phạm Văn Ủy (bên trái) ôn lại kỷ niệm khi làm nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Ông Vũ Xuân Hòa hồi tưởng: TNXP kiên quyết bám trụ quan sát, nắm vững vị trí từng trái bom nổ chậm nằm sâu dưới đất, xuống cắm tiêu đánh dấu từng quả bom, phát hiện những khu vực có bom bươm bướm. Dứt trận đánh bom của địch là TNXP phối hợp với bộ đội công binh lao ra đào bới, tìm kiếm, phá bom. Lúc bấy giờ TNXP có sáng kiến chặt các cây nứa nối lại với nhau thành chiếc sào dài nằm từ xa chọc kích cho bom bươm bướm nổ hoặc dùng dây rừng buộc lại thành đoạn dài kéo ngang trên mặt đất kích cho bom bươm bướm nổ để bảo đảm cho các đơn vị sửa đường, các đoạn xe vận tải được an toàn. Nhiều đoạn đường địch phá rất nặng nề, chưa sửa chữa kịp thì các đoàn xe vận tải đã tới. TNXP và dân công phải làm suốt đêm. Ngày mưa, bom địch cày xới lầy lội, TNXP vận chuyển đá hộc, chặt cây đan lát đường, chống lầy cho xe qua. Những đêm tối trời, đường hẹp, TNXP đứng thành hàng ven đường tiêu cho các chuyến xe qua an toàn hoặc phát tín hiệu có máy bay địch cho các đoàn xe vận tải biết để lẩn tránh vào các bìa rừng. Có những chuyến xe được lệnh phải chuyển hàng cấp tốc qua đèo giữa ban ngày, gặp máy bay địch đánh phá, đoàn xe bị bốc cháy, TNXP đã anh dũng lao ra cứu hàng, cứu xe dưới làn bom đạn của địch. 

Nhắc lại chuyện cũ, ông Vũ Xuân Hòa, ông Phạm Văn Ủy xúc động, tự hào với những gì mình và đồng đội đã trải qua. Trước lúc chia tay, ông Hòa bắt nhịp để ông Ủy cùng hát bài hát Qua miền Tây Bắc của nhạc sĩ Nguyễn Thanh. Ông bảo: Dẫu thời gian có khắc nghiệt đến mấy cũng chẳng thể lấy đi đoạn ký ức đã “khắc cốt ghi tâm” và trở thành một phần máu thịt của tôi khi được tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi may mắn đã từng được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được Đại tướng tặng quân phục, được chứng kiến sự kiện kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, được thấy sự đổi thay của quê hương, đất nước. Những ký ức hào hùng, niềm tự hào đó đang được ông ghi chép lại thành hồi ký để gìn giữ, “truyền lửa” cho thế hệ sau. 

Ông Vũ Xuân Hòa ghi hồi ký những tháng năm làm nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Xuân Phương