Thứ 2, 29/04/2024, 19:51[GMT+7]

Rối nước Nghệ thuật độc đáo của người Nguyên Xá

Thứ 4, 26/01/2011 | 15:42:25
3,603 lượt xem
Nhắc tới múa rối nước, hẳn không ai không biết tới mảnh đất giàu truyền thống Nguyên Xá - Đông Hưng. Nơi đây đã sinh ra loại hình nghệ thuật độc đáo của cư dân nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử với bao thăng trầm, biến động của đời sống xã hội, múa rối nước Nguyên Xá vẫn tồn tại và phát triển, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Cho đến ngày nay, khắp nơi vẫn đều tìm về làng quê mà "nước nhiều hơn đất" để được tận mắt chứng kiến các tích trò của nghệ thuật này.

 

Theo dân gian truyền khẩu rằng, nghệ thuật múa rối nước ở Nguyên Xá có từ thời Lý - Trần thế kỷ thứ XII. Người dân đã tự nghĩ ra cảnh tượng trôi được, nổi được ở trên nước và dùng tay điều khiển bằng sào hoặc dây để giật rối.

 

Trước đây Nguyên Xá có 5 phường múa rối chia đều ở 5 thôn. Nghệ thuật này xưa kia chỉ những nhà giàu mới chơi được, mỗi trò chỉ cần 1-2 người và không có sân khấu cố định, chỉ có dăm ba bồ quân gồng gánh vác đi theo. Còn buông rối, nhà nanh, mái trương, dàn cờ đến đâu mới làm đến đó. Vì thế người Nguyên Xá xưa đã có câu rằng:

''Phường rối tôi là phường rối nước

không bao giờ được ở trên khô

múa xong lại bỏ vào bồ''

 

Các quân trò, đạo cụ ngày đó rất nhỏ bé, ít ỏi hạn hẹp, nhưng những miếng trò thì sắc sảo, trò diễn thì ước lệ. Trong khi đất nước chiến tranh, mặc dù các quân rối, đạo cụ không còn, nhưng các tích múa rối thì không bao giờ phai mờ.

 

Các bậc tiền bối vừa đánh giặc vừa làm quân rối biểu diễn động viên các chiến sỹ trước khi lên đường đánh giặc và phục vụ các nhà lãnh đạo cấp cao. Tới khi hoà bình, nghệ thuật múa rối nước cũng được nhanh chóng bừng lên như cờ được gió. Các nghệ nhân lại cùng nhau tiền đóng gạo góp mua sung đục quân, sắm sửa đạo cụ, khắp các ao làng chú tễu lại nở nụ cười.

 

Ngày đó khắp nơi trên thế giới đã biết tới rối nước làng Nguyễn là điển hình cho nghệ thuật ở Việt Namon> với các tích trò như giáo tễu, rước kiệu, ngũ phượng, cáo vịt.... Bôn ba khắp các nước biểu diễn, nghệ thuật này được đánh giá là linh hồn của đồng ruộng Việt Namon> và được xếp vào hàng ngũ quan trọng bậc nhất của sân khấu rối.

 

Buổi ban đầu người dân nơi đây đã đẽo củ tre làm đầu rồng, lấy song mây làm thân rồng, lấy tre gỗ gọt đẽo làm những con rùa, con cá đem ra ao nhà và tự diễn cho mình xem. Cứ thế đời qua đời, hoạt động truyền thống này đã gắn liền với các tín ngưỡng, lễ hội của làng vừa để mua vui, vừa để lễ bái thần phật. Ngoài ra, phường rối nước của làng còn diễn phục vụ theo sự  mời gọi của các nhà chức trách khi khai hạ, được thăng quan tiến chức.

 

Tới năm 1990, các phường rối ở Nguyên Xá đã dồn lại còn một phường với 25 người có chuyên môn nghệ thuật cao, trong đó có cả thế hệ thanh niên và các cụ già. Các trò trước kia đến nay đã được kết hợp lại thành những vở xuyên suốt dài trên một tiếng đồng hồ với đầy đủ hệ thống âm thanh, đèn chiếu sáng, trống điển hình như các tiết mục "Thi hóa rồng", "Mừng mùa thắng lợi", "Chung lòng hợp sức", "Đường đi tây thiên thời hiện đại"... Ao rối làng được xây dựng năm 2003 đã trở thành trung tâm biểu diễn thu hút hàng nghìn người đến xem.

 

Đặc biệt là phục vụ cho khách quốc tế mỗi mùa du lịch, lễ tết, hội hè. Ngoài ra, trung bình mỗi năm, các nghệ nhân còn đi biểu diễn tới trên 100 buổi trong cả nước. Khác với trước kia còn khó khăn về phương tiện đi lại, thì nay các nghệ nhân đều đi bằng ô tô nên rất thuận lợi cho công việc.

 

Nhiều lần đi xa tới hơn 1 tháng phục vụ cho những lễ hội quan trọng như du lịch Tuần Châu, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các tỉnh phía Nam nhưng các nghệ nhân vẫn không hề mệt mỏi mà ngược lại luôn cống hiến hết mình vì nghệ thuật, mang về hàng chục huy chương vàng, huy chương bạc và các bằng khen, giấy khen của bộ, của tỉnh.

 

Ông Nguyễn Trọng Đường, Trưởng phường múa rối nước cho biết: Hiện nay, các anh em trong phường rối đều là những nghệ nhân; trong đó có 2 nghệ nhân ưu tú là ông Nguyễn Hữu Ngữ 83 tuổi và ông Hoàng Luyến 80 tuổi. Bất cứ lúc nào du khách cần biểu diễn, ngay lập tức trưởng phường đều có thể tập hợp đầy đủ các thành viên. Đặc trưng của nghệ thuật này là các nghệ nhân múa rối đều phải ở dưới nước và sẽ đẹp hơn nếu diễn vào buổi tối.

 

Các thành viên trong phường đã tự chế, tự làm và tự nuôi nhau, trung bình mỗi người đạt thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng. Với lòng yêu nghề, đam mê nghề, nhiều cụ ông tóc đã bạc phơ nhưng ngày đêm vẫn truyền dạy cho các thế hệ thanh niên về bí quyết múa rối, khác với trước kia chỉ truyền cho con trai trong nhà. Cũng vì lẽ đó mà nghệ thuật này đã tồn tại và phát triển hơn bất cứ nơi đâu mà không cần tới cơ chế hỗ trợ của Nhà nước.

 

Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa