Thứ 2, 29/04/2024, 19:48[GMT+7]

Chuyện ba doanh nhân Thái Bình được vinh danh tại Quốc Tử Giám

Thứ 5, 27/01/2011 | 15:22:01
15,432 lượt xem
Chị Vũ Thị Thà Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư XNK Thăng Long. Một trong ba gương mặt tiêu biểu, ba doanh nhân của tỉnh Thái Bình được vinh danh ở Quốc Tử Giám, trong năm Canh Dần.

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ tịch Quốc hội trao "Bảng vàng ghi danh Doanh nhân Việt" cho 3 doanh nhân tỉnh Thái Bình tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Sinh năm Giáp Thìn, 19 tuổi vào Đảng. 36 tuổi từ bỏ con đường quan lộ, thành lập doanh nghiệp. Bắt đầu cuộc hành trình bươn trải với mưu sinh. Mỗi tháng lo 6,5 tỷ đồng tiền lương cho 3.000 công nhân. Một tay cầm lái, điều hành 3 xí nghiệp và 2 đơn vị trực thuộc. Doanh số năm 2010 đạt trên 100 tỷ đồng. Bắt tay làm ăn với nhiều khách hàng: Mỹ, Canada, Anh, Tây Ban Nha…

Sau lời xin lỗi vì “năm hẹn, bẩy hò” mới có cuộc làm việc với chúng tôi, Tổng Giám đốc Vũ Thị Thà, trẻ hơn cái tuổi 47. Câu chuyện bắt đầu không như chúng tôi tưởng là kể lại cái giây phút hạnh phúc của đời mình khi đứng trước Quốc Tử Giám nhận danh hiệu cao quý, chị Thà lại nói về quá khứ, về cuộc đời của mình hai mươi năm qua… Suốt 7, 8 năm làm bí thư đoàn HTX Sông Trà, được nhiều người biết tiếng.

Sống trong một gia đình giàu truyền thống: Bố đẻ là thương binh, bố chồng là nhà giáo có uy tín, hai vợ chồng đều hoạt động công tác xã hội. Năm 1989, tôi quyết định nghỉ công tác ra thành lập doanh nghiệp tư nhân.

Ngày đó, có quy định “Đảng viên không được làm kinh tế”, thế là bỏ luôn sinh hoạt đảng, mấy đêm liền khóc vì luyến tiếc, vì day dứt nửa đời cống hiến, theo đảng… giờ kể như trắng tay. Thành lập doanh nghiệp Thăng Long, làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sang Liên Xô. Vừa “Chân ướt, chân ráo” thì Đông Âu sụp đổ, Liên Xô tan rã… lại lặn lội tìm thị trường mới.

Từ 50 công nhân thuở “sinh cơ lập nghiệp” sau 20 năm đã phát triển lên 3.000, với 5 xí nghiệp thành viên, 34 đơn vị vệ tinh làm hàng may mặc, giải quyết công ăn, việc làm cho 50 đến 100 nghìn người. Từ làm hàng thảm đay xuất khẩu, giờ công ty của chị đã làm hàng may mặc xuất khẩu, xây dựng công trình giao thông thủy lợi, kinh doanh bất động sản. 4-5 năm qua, Công ty nằm trong tốp 10 doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh và năm 2010 được vinh danh ở Quốc Tử Giám về công trình khoa học, do Liên hiệp các Hội KH&KT Thái Bình tiến cử.

Con đường đến với thành công, trở thành doanh nhân của Phó tổng Giám đốc Công ty XNK Hương Sen, Đỗ Văn Vẻ thật đầy trông gai, bão tố. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, không ai nghĩ anh có một tuổi thơ đầy cơ cực, lam lũ và thiếu vắng tình cảm của cả cha lẫn mẹ khi chưa tròn 10 tuổi. Cuộc sống mưu sinh vất vả, nhọc nhằn đã hun đúc ước mơ vươn lên làm giàu của chàng trai trẻ sinh ra ở làng quê với nghề truyền thống dệt vải nổi tiếng Phương La.

Câu chuyện giữa chúng tôi và anh bắt đầu từ những cảm xúc dường như còn nguyên vẹn khi được vinh danh tại Văn miếu Quốc Tử Giám… Anh nói: Sau gần 30 năm lăn lộn trên thương trường, tôi vinh dự được nhận rất nhiều giải thưởng, bằng khen, cúp vàng của trung ương và tỉnh; song có lẽ ấn tượng và có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc đối với cuộc đời tôi là buổi tối ngày 14/10, cùng với 100 doanh nhân được vinh danh trong "Bảng vàng ghi danh doanh nhân Việt" tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, do Ban Tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp tổ chức. Đó chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến, đóng góp của các doanh nhân cho đất nước và cộng đồng xã hội. Trước đó, 100 doanh nhân đã đến dâng hương tại tượng đài Lý Thái Tổ và làm lễ cầu siêu cho Quốc thái dân an tại đền Gióng.

Để đến được với lễ vinh danh, Ban tổ chức đã nhận hơn 500 hồ sơ của các bộ, ngành, địa phương gửi về. Sau 2 lần bình chọn với quy trình nghiêm ngặt đã chọn ra 100 doanh nhân tiêu biểu, trong đó tỉnh Thái Bình vinh dự có 3 doanh nhân.

Trên cương vị Bí thư chi bộ, Phó Tổng giám đốc Công ty XNK Hương Sen, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội doanh nghiệp tỉnh, anh đã đóng góp xứng đáng công sức, trí tuệ, tài năng vào sự phát triển của công ty, của tỉnh. Từ 30 công nhân ban đầu đến nay công ty tạo việc làm ổn định cho trên 600 lao động và hơn 30.000 lao động vệ tinh.

Từ mặt hàng dệt nhuộm, đến nay đã phát triển những mặt hàng bia, nước ngọt… không chỉ chiếm lĩnh thị phần trong nước mà còn xuất khẩu sang rất nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Canada, EU… Năm 2010, đóng góp ngân sách nhà nước gần 350 tỷ đồng. Và một vinh dự nữa đến với anh khi được chọn là đại biểu chính thức của tỉnh dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Còn đối với doanh nhân Nguyễn Như Sơn, con đường đến với “Bảng vàng ghi danh doanh nhân Việt” cũng thật lắm gian truân. Nhưng với phương châm kinh doanh vì người nông dân, hướng tới người nông dân mà từ một cơ sở kinh doanh, thu mua thóc gạo nhỏ lẻ tại xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng không mấy ai biết đến sau gần 20 năm anh đã là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc của một Công ty lớn với 4 công ty thành viên chuyên kinh doanh vận tải ô tô, xuất nhập khẩu, thương mại và sản xuất thức ăn gia súc được đông đảo bà con nông dân trong và ngoài tỉnh biết đến.

Doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng 30%/năm, nộp ngân sách nhà nước trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 500 lao động.

“Ban đầu khi nhận được thông báo mình là một trong số 100 doanh nhân được vinh danh tại Quốc Tử Giám, tôi cũng chỉ cảm thấy thích thú, phấn khởi. Thế nhưng đến khi đặt chân lên mảnh đất linh thiêng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi ghi danh các tiến sĩ, đại khoa các vương triều của đất nước, tôi mới cảm nhận được hết niềm vinh dự và ý nghĩa thiêng liêng khi được vinh danh trong "Bảng vàng ghi danh doanh nhân Việt" mà mình được trao tặng.

Danh hiệu này là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với những doanh nhân như chúng tôi, để chúng tôi cảm thấy mình càng phải đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước và sống có trách nhiệm để xứng đáng và phát triển bền vững mãi với vinh dự cao quý đó”. Đó là những lời tâm sự của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh XNK Lam Sơn, Nguyễn Như Sơn khi kể lại phút giây hạnh phúc của cuộc đời mình khi được vinh danh tại Quốc Tử Giám.

Quốc Tử Giám nơi ghi danh các đại khoa Việt Nam qua các triều đại phong kiến. ở đó, Thái Bình có 110 tiến sĩ được ghi danh trên bia đá. Ngày nay, lần đầu tiên Nhà nước vinh danh 100 doanh nhân, thì Thái Bình có 3 gương mặt tiêu biểu được vinh danh trên bảng đồng. Hậu thế sẽ lại nhớ mãi về những đại khoa học giỏi và những doanh nhân tiêu biểu của thời kỳ đổi mới.

Minh Nguyệt Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa