Thứ 2, 29/04/2024, 18:21[GMT+7]

Rau, củ, quả + Nhím = Vàng ròng

Thứ 5, 07/04/2011 | 13:48:58
4,602 lượt xem
Đó là công thức mà anh Phạm Ngọc Bào nói với chúng tôi trong một hội nghị của các HTX DVNN ở Tiền Hải. Thấy tôi chưa hiểu, anh giải thích nhờ có mô hình nuôi và sản xuất nhím giống mà mỗi năm gia đình anh có thu nhập đạt từ 500 đến 700 triệu đồng. Ở một vùng quê còn nhiều khó khăn như xã Vũ Lăng, một hộ gia đình có mức thu nhập cao như vậy, quả là quý hiếm.

Hai nhím con mới sinh và nhím mẹ tại gia trại nhà chị Loan.

Lần theo chỉ dẫn, tôi tìm đến nhà anh Bào thuộc thôn Lê Lợi. Anh Bào đi vắng, chỉ có chị Loan, vợ anh đang quét dọn chuồng trại và cho nhím ăn. Quan sát chuồng trại nuôi nhím không cồng kềnh, phức tạp như nuôi lợn, nuôi gà, chỉ là nhưng ô nhỏ, nền xi măng, nắp đậy bằng lưới B40. Thức ăn cho nhím không cầu kỳ, chủ yếu là ngô, bí đao, rau củ quả… loại nông sản sẵn có ngay tại địa phương .

 

Chị Loan kể cho tôi nghe "cơ duyên" khiến gia đình chọn nhím là vật nuôi chính. Năm 2004, một người bạn của gia đình là chủ trang traị Hưng Thành Sơn (tỉnh Sơn La) về chơi đã tư vấn và khuyên gia đình  nên tiếp thu kỹ thuật nuôi nhím giống để thay cho gia trại nuôi lợn. Nghe bạn kể chuyện, vợ chồng chị Loan phấn khởi lắm, quyết định góp vốn nuôi  nhím cùng bạn, phần để tăng thêm thu nhập, phần kết hợp trong quá trình đi lại sẽ học hỏi kinh nghiệm nuôi.

 

Sau ba năm (2004- 2007), khi có "vốn" về kỹ thuật  nuôi, chăm sóc nhím, chị Loan đưa về Vũ Lăng 5 đôi nhím bố mẹ; đồng thời huy động tiền xây 2 dãy chuồng và cải tạo 1 dãy chuồng lợn thành các chuồng đủ quy cách để nuôi nhím.

 

Khác với lợn và gia cầm, nhím chỉ có một vài bệnh dễ chữa. Bệnh tiêu chảy chỉ cần cho ăn củ quả có vị chát như hồng xiêm non hoặc chuối xanh; bị đau mắt chỉ cần nhỏ thuốc một, hai lượt, đôi khi tự khỏi. Đầu ra của sản phẩm (nhím giống) lại càng thuận lợi, chưa bao  giờ bị ế, thừa.

 

Khó khăn của việc nuôi nhím là vốn ban ban đầu để mua giống và một vài kỹ thuật để phối giống. Chị Loan nói: Đúng như anh bạn của gia đình mô tả, nhím là giống dễ nuôi, theo bản năng, ban ngày nhím ngủ là chính, chỉ ăn đêm. Do vậy chỉ một lần vào đầu tối đưa thức ăn vào cho nhím, gồm: 1,5 lạng ngô, từ 5- 7 lạng rau, củ, quả.. nên sử dụng ít lao động, chủ yếu là tranh thủ không cần mất ngày, mất buổi. Sáng sớm quét dọn, rửa chuồng, che kín ánh sáng để nhím ngủ sâu hơn. Nhím  phối giống chọn lọc tự nhiên,  không giao phối nếu cùng một bố mẹ sinh ra. Chỉ sau 4 – 5 thế hệ mới chấp nhận nhau. Nhím mang thai thời gian 45 ngày thì sinh, tỷ lệ sống cao, đạt 95%.

 

Khi sinh con, nhím  mẹ không cần hỗ trợ nên nhàn hơn nuôi lợn nái, trâu bò sinh sản. Mỗi năm nhím đẻ 3 lứa, thông thường được 2 con, cá biệt có thể là 3. Nhím nuôi con bằng sữa. Nhím mới sinh chỉ đạt trọng lượng 150 đến 200 gam, sau hai tháng nhím con tách mẹ đạt trong lượng 2kg/con, đây cũng là thời điểm xuất giống tốt nhất. Tháng thứ 3 và thứ 4 nhím tăng 0,5kg/ con/tháng, từ tháng thứ 5 trong lượng tăng trung bình 1kg/con/tháng. Nhím có thể đạt đến 25- 30 kg/con, nhưng trọng lượng chỉ đạt khoảng 10kg là phát dục. Nhím giống bán theo cặp, giá khoảng 15 triệu đồng/đôi.

 

Căn cứ vào đặc điểm chọn lọc tự nhiên, người bán giúp người mua chọn và ghép đôi hợp lý, đảm bảo phối giống sinh sản. Câu chuyện giữa chị Loan và chúng tôi bị ngắt quãng bởi anh Bào, "tác giả chính của công trình" về nhà. Khuôn mặt cương nghị, nụ cười dễ mến, anh kể tiếp cho tôi nghe về "công cuộc" nuôi nhím của gia đình. Năm 2010, gia đình anh nuôi 35 đôi nhím sinh sản, ước tính  trừ chi phí cho thu lãi 500 – 700 triệu đồng. Nhím giống xuất đi các tỉnh miền Bắc, tập trung ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… Do cầu lớn hơn cung, vợ chồng anh  tiếp tục mở rộng quy mô, hiện gia trại có 40 cặp nhím bố mẹ và 30 cặp khác đang cho chọn lọc.

 

Cũng như các sản phẩm tiêu dùng khác, gia đình chị Oanh luôn giữ chữ tín trong việc bán giống cho người mua, như hướng dẫn rất kỹ trước khi đưa nhím giống ra khỏi chồng; cung cấp số điện thoại, để tiện cho khách hàng liên hệ tư vấn kỹ thuật… Anh Bào tâm sự: "Nuôi nhím cho lãi lớn nhưng khó khăn là vốn đầu tư ban đầu lớn. Ngay tại Vũ Lăng, nhiều gia đình cũng muốn nuôi nhưng mới có 4 cơ sở nhân giống. Chính quyền xã và các đoàn hội đều biết nhưng chưa có khả năng tháo gỡ".

Vào thăm gia trại nuôi nhím của gia đình chị Loan- anh Bào, chúng tôi còn ngạc nhiên hơn là vườn sinh vật cảnh của gia đình khá phong phú. Một cán bộ xã cho biết, tổng giá trị các cây cảnh ở đây tới hàng tỷ đồng. Ngoài ra, còn có hàng trăm cọc trồng thanh long ruột đỏ, đang vào giai đoạn ra hoa làm quả. Thanh long ruột đỏ, giá hiện tại 100.000đồng/kg.

Từ mô hình kinh tế hộ gia đình này, chúng tôi hy vọng một ngày không xa, Vũ Lăng sẽ trở thành một xã khá, giỏi về kinh tế. Nhưng trước mắt, huyện và các ngành của huyện, cũng như các tổ chức tín dụng hãy giúp các hộ gia đình ở đây tháo gỡ ách tắc về vốn.

Bài, ảnh: Phan Anh

  • Từ khóa