Thứ 2, 29/04/2024, 17:51[GMT+7]

Phạm Đình Chiểu - Dám nghĩ, dám làm, vượt khó

Thứ 6, 29/04/2011 | 15:23:34
2,562 lượt xem
Nằm bên bãi đê sông Hồng lộng gió, cơ ngơi của anh Phạm Đình Chiểu (xã Vũ Đoài, Vũ Thư) được quy hoạch khoa học theo mô hình trang trại tổng hợp. Thật khó hình dung nơi này, mươi năm về trước là trại tằm hoang vắng, tiêu điều, xung quanh toàn lau lách, tiếp nối với dẻo đất bãi trồng cấy một vụ, chuột, sâu bệnh thỏa sức phá hại, không bõ công ngừời trồng đi lại chăm bón.

Hàng cau vua thẳng tắp dẫn lối chúng tôi vào trang trại. 5,6 thanh niên đang cùng anh Chiểu kéo lưới vét dưới đầm, bán cá giống cho những khách quen chở xe thồ chờ sẵn. Anh Chiểu dừng tay, vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Anh cho biết:  Năm 1992, anh xin đấu thầu trại tằm của Trung ương giải thể và vùng bãi của Vũ Đoài, Vũ Tiến, tổng diện tích trên 2 ha.

 

Để có cơ ngơi, có cuộc sống hôm nay, anh đã  đánh mất nhiều thứ quý giá làm học phí và rút ra bài học cho mình: Nếu không lao động chân chính bằng chính sức lực của mình thì của cải chỉ là phù du. Không mặc cảm, anh kể cho chúng tôi nghe “phần đời đen tối” của mình. Tuổi 20 rời ghế nhà trường, anh lên Lai Châu, nơi 2 người cô họ cư trú để tìm việc làm. Theo chân bạn bè, anh từng lăn lóc khắp các bãi đào vàng, vật vã trong men say của “nàng tiên nâu”. Bao nhiêu tiền kiếm được, theo khói thuốc bay đi, để rồi trở về quê với thân hình tàn tạ và đôi tay trắng. Anh kể, ngày ra vùng bãi lập nghiệp với quyết tâm làm lại cuộc đời, anh vẫn còn nghiện. Tình yêu thương của người vợ trẻ, tiếng khóc khát sữa của đứa con gái nhỏ đã tiếp thêm động lực để anh đoạn tuyệt dần dần với thuốc phiện, vượt qua những cơn vật vã thèm thuốc, bứt rứt như ngàn con kiến bò trong xương. Anh tự nhủ càng phải quyết tâm dứt khỏi “nàng tiên nâu” mới có thể làm lại cuộc đời. Khó khăn lớn nhất với vợ chồng anh là vốn, chẳng ai dám cho anh vay tiền.

 

Vợ chồng anh tần tảo khai hoang, vỡ đất. Từ sáng sớm đến tối mịt, phát hoang cỏ tranh, lau lách đến đâu, gieo ngô, trồng khoai, trồng hòe đến đó, tích lũy dần từ chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài. Quả là đất đã không phụ công người. Giờ đây, mỗi tấc đất đều đem lại thu nhập. Phần diện tích không sử dụng hết, anh cho bà con thuê lại để trồng ngô. Điều đặc biệt là trang trại rộng mênh mông nhưng chẳng hề phải che chắn, rào dậu. Anh bảo: Mình sống tử tế, hòa nhã, chẳng lấy của ai nên chẳng ai hại đến mình, lấy của mình.

 

Hiện trang trại nuôi khoảng 4000 con gà thịt, mỗi tháng xuất chuồng 3-4 tấn gà thương phẩm. Hệ thống ao cá  rộng 4 mẫu chủ yếu ương cá bột và cá thịt, sản lượng 4-5 tấn/năm. Ngoài cá truyền thống, gần đây, anh nhập giống cá rô đầu vuông của miền Tây nam bộ về nuôi thả thành công, năng suất cao, bán được giá. Bình quân, trừ chi phí, mỗi năm trang trại thu lãi trên trăm triệu đồng. Tuy vậy, cũng có lúc trang trại của anh điêu đứng vì dịch bệnh.

 

Năm 2004, dịch cúm gia cầm tràn về, anh phải tiêu hủy 3000 con gà, 1000 con vịt. Năm 2008, lại dính dịch bệnh, thiệt hại lên tới 100 triệu đồng, nhưng chưa bao giờ anh nản chí. Ngược lại càng quyết tâm gây dựng, bỏ vốn 100 triệu đồng hoàn chỉnh hệ thống chuồng trại và đầu tư tiếp 30 triệu đồng mở rộng diện tích nuôi cá. Anh tự học hỏi đúc rút nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi. Có thời điểm thờ tiết mùa đông khắc nghiệt, mỗi ngày sưởi ấm cho đàn gà hết 200 ngàn tiền ga.

 

Cùng anh đi một vòng trang trại, tôi thực sự cảm phục người đàn ông dám nghĩ, dám làm, có ý chí vươn lên,  khó khăn không chùn bước. Chỉ cho chúng tôi cây cảnh bề thế anh mới mua giá 100 triệu đồng, anh bảo: “Tôi mới đến với nghề trồng cây cảnh nhưng đã thấy say mê. Không chỉ vì đó là ngành kinh tế, lợi nhuận vô giá tùy theo ý thích mỗi người mà còn tìm thấy ở đó một sự thanh thản sau những gian truân, thăng trầm cuộc đời tôi đã đi qua”... Anh đang có nhiều dự định táo bạo: Tiếp tục đầu tư mở trại nuôi 1 vạn con gà/lứa. 8 sào đất phía sau lán nuôi gà, anh dự định dành cho con gái, con rể đầu tư mô hình chăn nuôi hiện đại.

 

Bảo Linh

  • Từ khóa