Thứ 2, 29/04/2024, 18:41[GMT+7]

Trả lại màu xanh cho Cồn Đen

Thứ 2, 06/06/2011 | 08:32:09
4,517 lượt xem
Đêm đến, vào vụ thu hoạch, Cồn Đen mới sống động làm sao. Tiếng sóng biển ngoài khơi ầm ì,tiếng nói chuyện râm ran của mấy trăm người bắt ngao, hòa quyện với gió thông vi vu...

Đường vào Cồn Đen

Võ Trung Kiên sinh năm 1952 tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, một vùng quê chiêm trũng gần sát cửa biển, liên tục có sự tàn phá của thiên tai. Khi anh học xong phổ thông cũng là lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta đang diễn ra khốc liệt nhất. Cũng như bao lớp thanh niên sống trong thời chiến tranh, chàng trai Trung Kiên xin bố mẹ, xung phong lên đường nhập ngũ.

 

Với tuổi đời còn quá trẻ, vóc dáng lại nhỏ, không đủ cân, tổ chức đã chuyển anh vào nông trường Chiêm Hoá - Tuyên Quang. Sau 2 năm làm việc tại nông trường, cái khát khao được cầm súng, lại thôi thúc anh. Một lần nữa, anh tình nguyện vào quân đội và cuộc đời quân ngũ bắt đầu từ đó - năm 1974. Trung Kiên luôn khát khao cháy bỏng được cống hiến dẫu có phải hi sinh. Anh phấn đấu không mệt mỏi luôn được trên tin, yêu, dưới quý trọng.

 

Năm 1984 với cương vị là đại đội trưởng, đơn vị anh với hơn 100 cán bộ chiến sĩ được cấp trên phân công nhiệm vụ chuyên đi làm kinh tế. Ngày ấy, nông trường cói thuộc huyện Tiền Hải đang đi vào khó khăn. Đơn vị anh được giao một phần diện tích của nông trường để cải tạo trồng cấy. Phải làm gì đây để màu xanh trở lại với đồng đất này.

 

Sau bao đêm trăn trở, anh quyết định kết hợp chăn nuôi và trồng trọt thì mới thâm canh và cải tạo được đất. Với kinh nghiệm con nhà nông và thời gian làm việc tại nông trường Chiêm Hoá cùng nghị lực người lính, chỉ sau 2 năm nông trường đã gieo trồng được 30 ha lúa, nuôi hàng ngàn con trâu bò, lợn gà, tất cả đều phát triển tốt. Cán bộ địa phương cùng nông trường thán phục lòng kiên trì, dám nghĩ, dám làm của anh và đơn vị. Rồi theo yêu cầu của tổ chức, anh lại phải đi học và giữ nhiều cương vị khác nhau. Dù ở cương vị nào, với nhiệm vụ gì anh luôn hoàn thành với chất lượng cao.

 

Cồn Đen, một dải cát khoảng 400 ha tạo bởi hai cửa sông Diêm Hộ và Trà Lý được bồi đắp từ hàng trăm năm về trước.  Nhớ lại khi xưa, Cồn Đen như một đảo nhỏ với dải cát dài được bồi đắp bởi biển cả mênh mông. Ngày đó nơi đây là  một rừng phi lao được mọi người ưa thích, một bãi nuôi trồng thuỷ sản của bà con vùng biển và bãi tắm mát những trưa hè oi ả. Không những thế, rừng phi lao bạt ngàn, rừng vẹt, bần của Cồn Đen còn là nơi che chắn bão cho người dân các xã Thái Đô, Thái Hoà, Thái Thượng và là tuyến đầu an ninh quốc phòng. Vậy mà ở thời điểm tháng 2 năm 2006, Cồn Đen thật tiêu điều, xác xơ. Bãi cát mịn màng xưa đang bị sóng biển bào mòn. Rừng phi lao bạt ngàn giờ vẻn vẹn còn 217 cây.

 

Không thể để cảnh tượng trên kéo dài mãi anh bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng dự án khôi phục, cải tạo Cồn Đen.  Việc xây dựng hoàn toàn phụ thuộc vào con nước: nước cạn thì làm, nước lên thì nghỉ, không phân biệt ngày đêm, sớm khuya. Vậy mà, đã bao lần sáng làm, tối triều dâng lại cuốn trôi hết ra biển khơi. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều người không chịu đựng nổi xin nghỉ việc.

 

Nhưng sau những ngày sóng gió, biển lại bình yêu dịu hiền. Công việc đã bắt đầu đi vào ổn định. Vừa xây dựng, vừa san lấp mặt bằng, san lấp đến đâu trồng cây đến đó và quy hoạch khu nuôi thả ngao. Lứa ngao đầu thả ngao thương phẩm với ý tưởng tính chắc, nuôi ngao to chóng thu hoạch, chỉ 5 - 6 tháng để quay vòng đồng vốn nhanh. Nào ngờ năm ấy mưa nhiều, thời tiết lạnh, không phải 5 - 6 tháng mà 15 - 18 tháng lứa ngao đầu mới được xuất. Thật khó mà tả hết những khó khăn buổi đầu của dự án này

 

Đầu năm 2006, dự án đã được quy hoạch sơ bộ song tiền đã đổ vào đây mấy chục tỷ đồng cho đê kè, nâng cấp mặt bằng, xây dựng trụ sở, nuôi ngao thả giống... Ngao chưa được xuất, bí quá anh đã phải mượn toàn bộ sổ đỏ của bà con để thế chấp vào ngân hàng và trả họ với lãi suất thỏa thuận .

 

Thế rồi một năm trôi qua. Ngao còi lâu cũng lớn, lúc bán tư thương ép giá, chỉ có 6.000đ/kg. Không được, phải đi khảo sát thị trường. Anh sang Trung Quốc, vào Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau... vừa tìm hiểu thị trường vừa tìm đầu ra vừa học hỏi thêm cách nuôi thả ngao. Thế rồi, với diện tích nuôi trồng lớn, chất lượng ngao tốt, trữ lượng khai thác lớn, vận chuyển tiện lợi, các bạn hàng, chủ hàng ở trong nước, ngoài nước tự tìm đến công ty kí kết hợp đồng. Chỉ trong vòng 5-7 tháng đã khai thác hết sản lượng ngao thả ban đầu, lòng anh thấy vui tuy hiệu quả chưa đáng là bao. Mừng đã có bạn hàng, có kinh nghiệm, thu được vốn nuôi trồng, trả được phần lãi và đặc biệt Cồn Đen đang hồi sinh.

 

Nhìn lại những năm qua, thời gian chưa nhiều với Cồn Đen nhưng đã giải quyết việc làm cho 200-300 lao động trực tiếp và thời vụ với mức lương từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng/tháng. Đêm đến, vào vụ thu hoạch, Cồn Đen mới sống động làm sao. Tiếng sóng biển ngoài khơi ầm ì,tiếng nói chuyện râm ran của mấy trăm người bắt ngao, hòa quyện với gió thông vi vu dưới ánh điện sáng trưng, anh như đang hát cùng biển và biển như đang hát cùng anh. Nỗi vất vả vật lộn với sóng biển như tan dần.

 

Đê bao ngoài Cồn Đen với 2km đã hoàn thành, gần 50ha phi lao, cao từ 3-8m đang vươn mình đón gió, đón ánh ban mai của biển cả quê hương.  Điều đó mới là vô giá đối với Cồn Đen. Phải thật hiểu về Cồn Đen mới thấy hết được tiềm năng nơi đây. Trước mắt là trả lại màu xanh và tạo việc làm cho bà con miền biển. Khi có sự đầu tư của các cấp, Cồn Đen sẽ là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với người dân Thái Bình và bè bạn. Cùng với Cồn Vành, Cồn Thủ, Cồn Đen như một tam giác bảo vệ an ninh quốc phòng với hệ thống đê kè cùng rừng phi lao bạt ngàn che chắn cho đồng bào ven biển mỗi khi bão về. 

 

 

Bài, ảnh: Đức Viên

(Cộng tác viên) 

  • Từ khóa