Thứ 3, 07/05/2024, 01:44[GMT+7]

Gỡ khó cho ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải biển

Thứ 3, 01/07/2014 | 08:40:44
5,108 lượt xem
...Sau thời kỳ phát triển nóng, hiện nay ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải biển của Thái Bình đang gặp nhiều khó khăn cần có sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước để các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.

Những con tàu đang hoàn thiện và sửa chữa tại Nhà máy đóng tàu Đại Dương (Thái Thụy). Ảnh: Ngọc Trâm

 

Công nghiệp đóng tàu, vận tải biển là ngành công nghiệp chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ vị trí quan trọng trong việc thông thương hàng hóa của mỗi quốc gia, góp phần phát triển mối quan hệ kinh tế với các nước. Ngoài ra, đây còn là ngành tạo ra nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Xác định rõ tầm quan trọng đó, những năm qua các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, trực tiếp là 2 huyện ven biển bước đầu đã phát huy tiềm năng, lợi thế biển, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên sau thời kỳ phát triển nóng, hiện nay ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải biển của Thái Bình đang gặp nhiều khó khăn cần có sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước để các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.

 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu thủy và trên 200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải biển, trong đó có 160 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số 203 tàu trọng tải 802.308 tấn (chiếm 13% tải trọng trong toàn quốc). Ngoài ra, toàn tỉnh còn có trên 1.000 tàu sông, 1.122 tàu, thuyền cơ giới khai thác hải sản. Các doanh nghiệp chủ yếu do tư nhân đầu tư hoặc góp vốn cổ phần, có quy mô vừa và nhỏ, bình quân mỗi doanh nghiệp vận tải biển có 1,3 tàu. Có 2 doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước là Công ty Công nghiệp tàu thủy Diêm Ðiền và Công ty Công nghiệp tàu thủy Thái Bình thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Ða số các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn có năng lực hạn chế. Ðến nay mới chỉ có Nhà máy Ðóng tàu Ðại Dương, Doanh nghiệp Tàu thủy Nguyễn Tuấn và Công ty Công nghiệp tàu thủy Diêm Ðiền đã được Cục Ðăng kiểm Việt Nam đánh giá năng lực và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng mới và sửa chữa tàu biển. Tuy nhiên giá trị sản lượng của các doanh nghiệp đóng tàu ngày càng giảm mạnh. Ðiển hình như Nhà máy Ðóng tàu Ðại Dương, Doanh nghiệp Nguyễn Tuấn, Công ty Công nghiệp tàu thủy Thái Bình đã giảm giá trị sản lượng từ 1.625,65 tỷ đồng năm 2008 xuống còn 23,585 tỷ đồng năm 2013. Ðến nay có 37 tàu phạm vi hoạt động không hạn chế, 33 tàu hạn chế II, 133 tàu hạn chế III. Các tàu vận chuyển trong nước chủ yếu là các mặt hàng xi măng, clanhke, than, hàng nông sản thực phẩm, sắt thép, phân đạm và vận chuyển ra thị trường quốc tế chủ yếu cám, gạo, dừa, phân bón, xi măng, lưu huỳnh.

 

Hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đóng tàu và vận tải biển hết sức khó khăn, đặc biệt từ năm 2008 trở lại đây. Các doanh nghiệp đóng tàu hiện đang thiếu việc làm, phải cắt giảm lao động do khách hàng thiếu vốn, không tiếp cận được nguồn vốn vay, không có khả năng đóng mới tàu, thậm chí rất khó khăn trong việc bảo dưỡng sửa chữa định kỳ, hoàn thiện tàu. Ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp đóng tàu còn yếu nên sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị gia tăng không đáng kể và tỷ suất lợi nhuận thấp. Hạ tầng giao thông đường thủy chưa được đầu tư nâng cấp, hệ thống luồng ra vào cảng không được nạo vét thường xuyên, bị bồi lắng trở lại gây khó khăn cho tàu vào các cơ sở đóng tàu và ra vào cảng. Năng lực thông qua cảng Diêm Ðiền hiện còn thấp, không thể thu hút được các tàu lớn để bốc xếp hàng hóa. Tới nay các doanh nghiệp đóng tàu còn nợ thuế tới 15,7 tỷ đồng.

 

Những con tàu  được đóng mới đang trong giai đoạn hoàn thiện  tại Nhà máy đóng tàu Ðại Dương (Thái Thụy). Ảnh: Thành Tâm

 

Trong lĩnh vực vận tải biển, các doanh nghiệp còn thiếu hàng hóa để vận chuyển, giá cước vận tải thấp trong khi chi phí vận tải tăng, hầu như toàn bộ các doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài. Cụ thể sau 5 năm (2007 - 2011) giá cước vận chuyển từ Hải Phòng đi Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm 49,2%. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, ngay cả việc chi trả các nghĩa vụ thanh toán khác như lương lao động cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều chủ tàu mặc dù biết thua lỗ nhưng vẫn buộc phải chạy tàu để giữ phương tiện, tài sản, trả lương cho công nhân và thuyền viên. Nhiều tàu xuống cấp nhưng năng lực tài chính không đủ để duy tu bảo dưỡng theo định kỳ. Trong khi nợ đến hạn phải trả ngân hàng, tổ chức tín dụng của các chủ tàu vận tải biển lên tới gần 2.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 5% dư nợ cho vay và có khoảng 160 doanh nghiệp hoạt động đều nợ đọng thuế với số tiền lên đến gần 200 tỷ đồng.

 

Ðể ổn định và phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải biển, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn tiếp theo, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã họp và đề ra 8 giải pháp chủ yếu để tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp này. Trước hết sẽ triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa và quy hoạch phát triển công nghiệp đóng tàu, vận tải biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là tại các cảng biển từ thủ tục đăng ký đăng kiểm tàu; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp đóng tàu biển; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải thủy nội địa, cảng biển, bến bãi, khu neo đậu tránh trú bão...

 

UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch rà soát, tháo gỡ khó khăn, phát triển công nghiệp đóng tàu và vận tải biển. Theo đó, lập dự án đầu tư nâng cấp cảng Diêm Ðiền, phương án xây dựng kè chắn cát, rà soát lại thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Cục Thuế tỉnh rà soát tình hình nợ đọng thuế của các doanh nghiệp đồng thời kiến nghị lên các cơ quan thuế cấp trên miễn lãi quá hạn đối với các doanh nghiệp đóng tàu và vận tải biển. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá lại năng lực tài chính của từng doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp. Ðối với các doanh nghiệp còn khả năng, thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ, xem xét cho phép giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời gian trả nợ, miễn lãi quá hạn. Ðối với các doanh nghiệp không còn khả năng thực hiện sẽ thu nợ và xử lý tài sản đảm bảo. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề, bổ sung các cơ sở đào tạo nghề trong lĩnh vực đóng tàu, vận tải biển...

Thu Thủy

 

  • Từ khóa