Thứ 3, 07/05/2024, 04:29[GMT+7]

Công tác hậu phương trong phòng chống lụt, bão ở Vũ Thư

Thứ 5, 03/07/2014 | 07:57:39
895 lượt xem
Mặc dù các điểm đê, kè xung yếu đã được Vũ Thư giao cụ thể cho các đơn vị, địa phương chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, song để chủ động phòng tránh từ xa, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, công tác hậu phương phòng chống bão, cứu hộ, cứu nạn đã được chuẩn bị chi tiết, đầy đủ để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Sông Kiến Giang chảy qua địa bàn Vũ Thư luôn bảo đảm thông thoáng.

 

Các xã, thị trấn đã tổ chức điều tra, thống kê số người già, trẻ em, người ốm, tàn tật, hộ có nhà yếu để xây dựng phương án hỗ trợ, ứng cứu; phương án sơ tán người và tài sản từ nhà yếu sang nhà kiên cố. Những đối tượng nằm trong danh sách cần được giúp đỡ khi có thiên tai xảy ra đều được các địa phương gửi về Phòng Lao động - TBXH huyện để chủ động công tác phòng chống, ứng cứu. Tại các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, xã, thị trấn cũng đã xây dựng phương án, biện pháp phòng chống lụt, bão (PCLB)và luôn được bổ khuyết cho phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm chủ động PCLB. Ngoài ra, Vũ Thư đã chỉ đạo các địa phương yêu cầu mỗi gia đình, đơn vị cần chủ động mua sắm tối thiểu 1 đèn pin, hoặc đèn ắc quy làm phương tiện chiếu sáng để khi có lũ, bão đi kiểm tra, ứng cứu vào ban đêm; việc xây dựng nhà ở, các công trình dân dụng phải bảo đảm đủ khả năng chống chọi được với các cơn bão có cường độ mạnh.

 

Trong tình huống bão có khả năng đi vào Thái Bình, ban chỉ huy PCLB các cấp ở Vũ Thư sẽ cập nhật thường xuyên về tin bão phát trên hệ thống loa phát thanh, truyền thanh để nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, triển khai các điều kiện cần thiết ứng phó với bão. Các công trình đang xây dựng và nhà yếu; trường học, bệnh viện, trụ sở đều có phương án bảo vệ, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn... Khi bão đổ bộ vào tỉnh, trên địa bàn huyện có nhiều đường dây điện thoại, điện cao thế, hạ thế bị đứt thì đường dây đi qua xã nào, xã đó có trách nhiệm bảo vệ, quản lý, không phân biệt của tỉnh hay của huyện để giúp cho việc khắc phục được nhanh chóng và hạn chế tốn kém. Các đơn vị đã được giao nhiệm vụ có trách nhiệm phân công lực lượng giải tỏa các tuyến đường giao thông chính, các trục sông tiêu bị ách tắc dòng chảy do các vật cản phát sinh trong bão. Tổ chức xử lý, khắc phục nhanh các công trình đê điều, công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt, thông tin liên lạc, bệnh viện, trạm xá, trường học... Cùng với đó là thống kê thiệt hại do bão gây ra, giải quyết các chính sách hỗ trợ đối với vùng, gia đình bị thiệt hại và tuyên truyền kêu gọi việc cứu trợ nhân đạo, từ thiệt để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân.

 

Ðối với phương án hậu phương phòng chống lụt, cứu hộ, cứu nạn, Vũ Thư đã tuyên truyền mỗi gia đình chuẩn bị sớm một số nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, muối, dầu đốt, thuốc chữa bệnh thông thường, bảo đảm đủ dùng từ 15 - 20 ngày phòng khi có lũ lụt xảy ra. Do có  nhiều cấp đê nên Vũ Thư đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương phụ tránh từng tuyến để chủ động phương án hậu phương. Tại tuyến đê Trà Lý, đê Hồng Hà, trung tâm chỉ huy được đặt tại Huyện ủy và UBND huyện; các cụm duy trì vị trí chỉ huy tại cụm; các đồng chí cụm phó phụ trách xã trực tiếp cùng ban chỉ huy PCLB xã để nắm tình hình và chỉ đạo địa phương thực hiện. Ðặc biệt, Vũ Thư có 4 vùng đê bối ở 5 xã và dân cư sinh sống trong khu vực này khá đông, do đó việc sơ tán dân khi có lũ lên cao không có khả năng bảo vệ đê đã được lập phương án cụ thể.

 

Trong trường hợp đê sắp vỡ, vùng bối dân cư xã Hồng Lý sẽ tổ chức sơ tán nhân dân sang xã Ðồng Thanh; những gia đình có nhà cao tầng, nhà ở khu đất cao không phải sơ tán có trách nhiệm, giúp đỡ những gia đình bị ngập lụt; mỗi gia đình bị ngập lụt chỉ để lại một người có sức khỏe tốt để trông coi bảo vệ tài sản của gia đình. Riêng xã Hồng Lý chuẩn bị ít nhất 2 thuyền có thể chở được 4 - 5 người/thuyền và 1 bộ loa ắc quy di động để đi kiểm tra nắm tình hình. Vùng bối Bách Thuận, Tân Lập, nhân dân chủ yếu sinh sống trên vùng đất cao nên ít xảy ra ngập lụt, do đó các hộ dân chỉ cần chuẩn bị 1 thuyền phù hợp để tiện đi lại và nước sạch để sinh hoạt. Vùng bối Hồng Phong, Vũ Vân, UBND xã sẽ chỉ đạo, tổ chức nhân dân sơ tán vào trong đê và thông báo cho nhân dân trong đê chính biết sẵn sàng bố trí nơi sinh hoạt cho các gia đình bị ngập lụt. Vùng bối thôn Cộng Ðồng (Vũ Vân) và Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn, nếu khu vực này bị vỡ đê, bệnh nhân và nhân dân tránh trú tại tầng 2 và khu đất cao của bệnh viện; các gia đình chủ động lo lương thực để sinh sống và từ nguồn tiếp tế. Tại các vùng vỡ đê bị ngập lụt, ngay sau khi nước rút các địa phương có phương án khắc phục hậu quả, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và tuyên truyền nhân dân hỗ trợ lẫn nhau để ổn định nơi ăn, ở, nước sạch, xử lý ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lây lan...

 

Từ các phương án trên, Vũ Thư không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân mà còn tạo thế chủ động, tránh sự lúng túng trong xử lý khi có sự cố xảy ra ở mùa mưa, bão năm nay và các năm tiếp theo.

Bình Minh

  • Từ khóa