Thứ 3, 07/05/2024, 01:50[GMT+7]

Ngành Ngân hàng Nhiều giải pháp gỡ khó cho vay doanh nghiệp

Thứ 2, 07/07/2014 | 08:15:16
1,534 lượt xem
Triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong cho vay doanh nghiệp, ngành Ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh cơ cấu đầu tư, trong đó hướng trọng tâm đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… qua đó giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu hoạt động và ổn định sản xuất.

Dây chuyền xay xát gạo của Công ty Hưng Cúc (thành phố Thái Bình). Ảnh: Minh Đức

 

Thời gian qua, mặc dù hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế nhưng được sự chỉ đạo kịp thời của trung ương và của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong cho vay doanh nghiệp. Toàn ngành đã thực hiện điều chỉnh cơ cấu đầu tư, trong đó hướng trọng tâm đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… qua đó giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu hoạt động và ổn định sản xuất.

 

Ðến ngày 31/5, dư nợ cho vay doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 12.543 tỷ đồng, tăng 48,7% so với cuối năm 2010, chiếm 49% tổng dư nợ, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp Nhà nước chiếm 1,4%, dư nợ cho vay doanh nghiệp nước ngoài chiếm 6,9%, dư nợ cho vay doanh nghiệp tư nhân chiếm 0,9% và dư nợ cho vay công ty cổ phần, TNHH, hợp danh chiếm 90,8%. Doanh số cho vay doanh nghiệp từ năm 2010 đến tháng 5/2014 đạt gần 87.000 tỷ đồng. Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn”, ngay sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã kịp thời triển khai đến các đơn vị trong toàn ngành.

 

Từ năm 2010 đến tháng 5/2014, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ vay cho trên 70 doanh nghiệp, miễn, giảm hơn 3 tỷ đồng lãi tiền vay ngân hàng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn thực hiện điều chỉnh lãi suất cho vay doanh nghiệp bằng VND từ 20 - 25% (năm 2010) xuống 8 - 13% (năm 2014) với tổng dư nợ đến 31/5 đạt 9.819 tỷ đồng. Thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, giai đoạn 2009 - 2012, toàn ngành đã thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho trên 700 doanh nghiệp với tổng số lãi tiền vay đã hỗ trợ 92,8 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành Ngân hàng còn thực hiện hỗ trợ lãi suất tiền vay theo các quyết định của UBND tỉnh cho 34 khách hàng với tổng số tiền 12,8 tỷ đồng. Các lĩnh vực: cho vay thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm và tôm; cho vay xây dựng nhà ở xã hội; cho vay các doanh nghiệp xuất khẩu… cũng được các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ưu tiên đầu tư.

 

Cán bộ Phòng giao dịch Cầu Cau (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Thái Thụy) tư vấn các gói hỗ trợ cho vay doanh nghiệp.

 

Cùng với việc tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cho vay doanh nghiệp, thời gian qua, ngành Ngân hàng còn tập trung giải đáp các kiến nghị nhằm giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất. Toàn ngành đã giải đáp 24 kiến nghị của các doanh nghiệp trong tỉnh với các nội dung chủ yếu: tăng hạn mức tín dụng, vấn đề tài sản bảo đảm, giảm lãi suất tiền vay, kéo dài thời gian vay…

 

Ông Ðặng Văn Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần May xuất khẩu Việt Thái cho biết: “Lãi suất tiền vay hiện nay còn cao so với mặt bằng kinh tế chung đã khiến cho các doanh nghiệp chúng tôi còn dè chừng, không dám vay nhiều. Nhưng nếu không vay thì sẽ không có vốn để phát triển sản xuất. Chính vì thế, chúng tôi đã gặp khó khăn lại càng khó khăn hơn”. Còn đối với Công ty Cổ phần Hải sản Thái Bình, từ một đơn vị đứng bên bờ phá sản, sau hơn 30 năm, Công ty đã trở thành đơn vị có uy tín trong sản xuất các loại nước mắm mang thương hiệu “Nước mắm Thái Bình”. Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: Ðể có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, Công ty còn có sự giúp đỡ tích cực của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh luôn hợp tác, đồng hành cùng Công ty, nhất là vào những thời điểm Công ty thu mua nguyên liệu cần một khối lượng vốn lớn. Tuy nhiên, thủ tục vay vốn tại các tổ chức tín dụng hiện nay còn phức tạp, kỳ hạn vay ngắn đã gây không ít khó khăn cho Công ty.

 

Bà Phan Thị Tuyết Trinh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Ðể công tác tín dụng doanh nghiệp thực sự đạt hiệu quả cao, thời gian tới, toàn ngành sẽ tập trung tăng cường huy động vốn từ nội bộ nền kinh tế thông qua phát triển sản phẩm dịch vụ, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động khai thác có hiệu quả nguồn vốn điều hòa, vốn vay từ trung ương nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng tập trung rà soát lãi suất các khoản vay cũ, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết giảm chi phí, tạo cơ sở tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp. Ðồng thời kịp thời tổng hợp, kiến nghị trung ương và tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng ngân hàng - doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Minh Hương

 

  • Từ khóa