Thứ 3, 07/05/2024, 03:37[GMT+7]

Ngành điện khổ vì dân chơi diều

Thứ 2, 07/07/2014 | 08:58:36
4,622 lượt xem
Thả diều vốn là thú chơi tao nhã, thế nhưng việc người dân thả diều gần đường điện đang là mối đe dọa cho hệ thống truyền tải điện năng trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra trên 50 vụ sự cố lưới điện do sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm của người chơi diều, gây thiệt hại về tài sản cho ngành điện.

Công nhân ngành điện khắc phục sự cố do việc thả diều gần đường điện gây ra.

 

Chỉ cách đây vài năm, diều thường được làm thủ công bằng những vật liệu rất đơn sơ, giản dị. Chúng được làm từ những thanh tre nứa cùng với những tờ giấy báo, giấy trắng, giấy màu còn sợi dây cột diều chỉ mỏng manh bằng dây chỉ hoặc dây sợi thảm len. Kích thước mỗi con diều cũng nhỏ nhắn, đong đầy những kỷ niệm tuổi thơ. Là những buổi chiều nắng vàng và lộng gió, nằm phơi mình trên ụ rơm to, trên sườn đê, ngước nhìn trời trong, mây trắng và thả hồn theo những cánh diều vi vu trong gió, với niềm tin những cánh diều có thể gửi ước mơ lên đến tận trời cao. Thế nhưng, bây giờ thú chơi diều không còn là của con trẻ mà nó trở thành thú chơi của người lớn và phát triển thành phong trào tại nhiều vùng quê.

 

Ðể chứng tỏ mình là người chơi diều sành điệu, người ta thường làm những chiếc diều khá lớn, cánh dài từ 3m trở lên. Thậm chí có những chiếc diều cánh dài 7 - 8m, rộng từ 2 - 3m, gắn những ống sáo 3 - 5 tầng, dây thả diều bằng lõi kim loại. Diều to, dây dài theo chiều gió thổi cứ thả sức vươn vượt qua cả hành lang an toàn lưới điện (HLATLÐ). Những con diều gắn ống sáo được thả vô tội vạ, suốt ngày đêm không chỉ gây ra những âm thanh khiến người dân, nhất là các cụ già khó chịu mà tiềm ẩn rất nhiều hiểm nguy rình rập.

 

Ðối với ngành điện thì thú chơi diều đang trở thành mối nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến HLATLÐ. Ông Vũ Minh Ngọc, Phó Giám đốc Chi nhánh Lưới điện cao thế Thái Bình cho biết: Các sự cố về điện do diều gây ra rất đa dạng như diều mắc vào dây dẫn điện; dây diều kéo các dây điện chập vào nhau; dây diều cuốn vào các thanh cái, các cầu dao của trạm biến áp... làm ngắt mạch, đứt dây điện, nổ thiết bị bảo vệ, cháy biến áp dẫn đến mất điện trên diện rộng... Những con diều to lớn, với nhiều bộ phận làm bằng kim loại nên khi va chạm hoặc mắc vào đường dây càng dễ xảy ra chập, phóng điện trên hệ thống truyền tải. Thiệt hại do người thả diều gây ra không thể tính hết, uy tín của ngành điện với khách hàng bị giảm sút. Ngoài ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn, diều còn có thể gây tai nạn cho chính những người chơi.

 

 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng chục sự cố gây mất điện mà nguyên nhân được xác định là do diều vướng vào đường dây truyền tải điện. Ðiển hình như sự cố mất điện lúc 13 giờ 27 phút ngày 23/4, nguyên nhân do dây diều cuốn vào đường dây 110 kV 175 E11.1 – 172 E11.3 (Trạm 220kV Thái Bình - Trạm 110 kV Thành phố), tại vị trí cột 19 thuộc địa phận xã Trọng Quan (Ðông Hưng). Hậu quả làm mất điện toàn Thành phố, ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống; nhất là hoạt động của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Nguyễn Ðức Cảnh, Phúc Khánh bị ngưng trệ, gây thiệt hại không nhỏ. Hay sự cố do diều xảy ra vào 17 giờ ngày 16/5 tại xã Ðông Hà (Ðông Hưng) trên đường dây 110 kV cấp điện cho toàn huyện Thái Thụy. Ðể cấp điện ổn định phục vụ hội nghị chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” diễn ra từ 20 giờ cùng ngày, công nhân Chi nhánh Lưới điện cao thế Thái Bình đã phải thay nhau đứng kéo, tách các dây điện trong đêm tối để không bị dây diều cuốn vào gây sự cố mất điện. Sau khi giờ học toàn tỉnh kết thúc, khoảng 11 giờ đêm mới tổ chức cắt điện gỡ diều.

 

Giám đốc Ðiện lực Tiền Hải, Vũ Huy Hà cho biết: Khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, thú chơi diều của người dân Tiền Hải phát triển nhanh và mạnh, nhất là vào mùa hè đã làm cho việc cấp điện trên địa bàn huyện bị gián đoạn. Chỉ riêng xã Nam Thanh, 6 tháng qua đã xảy ra hàng chục sự cố gây mất điện mà nguyên nhân chủ yếu do diều. Mặc dù, ngành điện đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động người dân không thả diều gần lưới điện nhưng ý thức của người dân vẫn khó thay đổi. Tình trạng thả diều gần lưới điện vẫn tái diễn, sự cố điện do diều vẫn xảy ra, nhất là các loại diều lớn, gây thiệt hại về tài sản cho ngành điện và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

 

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Ðiện lực Thái Bình, dù đã có Nghị định 81/2009/NÐ-CP của Chính phủ, ở Khoản 4 nêu việc thả diều, vật bay hoặc bất cứ vật gì gần đường dây điện và có khả năng ảnh hưởng đến công trình lưới điện cao áp sẽ bị phạt tiền nhưng trên thực tế thì rất khó tìm ra thủ phạm để xử lý. Hoặc có tìm ra thủ phạm nhưng vì “tình làng nghĩa xóm” nên đến nay toàn tỉnh chưa có một trường hợp nào bị xử phạt do thả diều trong HLATLÐ, do đó người dân vẫn cứ vô tư vi phạm mà chẳng sợ gì hết… 

 

Ðể thả diều thật sự là thú chơi tao nhã, lành mạnh và không ảnh hưởng đến an toàn lưới điện, cũng chính là không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn, những người chơi diều cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Chính quyền các địa phương, đoàn thể, thôn xóm, nhất là những nơi có người hay chơi diều cần chung tay vào cuộc trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn việc bảo đảm an toàn lưới điện; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm an toàn hệ thống lưới điện.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa