Thứ 4, 01/05/2024, 07:00[GMT+7]

Vũ Thư tập trung bảo vệ lúa xuân

Thứ 5, 29/02/2024 | 08:37:20
1,030 lượt xem
Nông dân huyện Vũ Thư vừa hoàn thành gieo cấy gần 7.500ha lúa xuân. Tuy nhiên, trên đồng ruộng hiện đã phát sinh một số loại sâu bệnh gây hại, kết hợp với nền nhiệt giảm sâu ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Để bảo vệ an toàn lúa xuân mới gieo cấy, huyện Vũ Thư chỉ đạo nông dân khẩn trương triển khai các biện pháp giữ ấm và phòng, trừ sâu bệnh cho cây lúa.

Nông dân cần bảo đảm mực nước láng chân (với lúa gieo thẳng) hoặc mực nước 3- 4 cm mặt ruộng (với lúa cấy) để lấy nước làm áo, giữ ấm cho lúa khi thời tiết rét.

Nông dân xã Tân Hòa hoàn thành gieo cấy trên 300ha lúa xuân được 1 tuần thì nền nhiệt độ giảm sâu. 

Ông Vũ Trọng Hải, Giám đốc HTX NN xã Tân Hòa cho biết: Vụ xuân năm 2022, thời tiết rét đậm, rét hại, địa phương bị thiệt hại, phải gieo cấy lại 60ha lúa xuân. Rút kinh nghiệm từ vụ xuân trước, hiện nay, chúng tôi sớm tập trung các biện pháp chống rét để bảo vệ an toàn cây lúa. Từ ngày 27 - 28/2, HTX NN vận hành các trạm bơm tưới, đưa nước đến các xứ đồng, đặc biệt các cánh đồng cao, diện tích lúa gieo thẳng, dùng nước giữ ấm, bảo vệ cây lúa. Hộ nào có tro bếp có thể rắc tro phủ mặt ruộng, có tác dụng giữ ấm tốt cho lúa… 

Ông Phạm Văn Tự, thôn Nhật Tân, xã Tân Hòa chia sẻ: Gia đình tôi cấy hơn 1 mẫu lúa. Thời điểm này, gia đình tôi luôn kiểm tra, bảo đảm mực nước từ 3 - 4cm so với mặt ruộng để giữ ấm cho cây lúa, đợi thời tiết nắng ấm lên, tôi mới tiến hành tỉa dặm, chăm sóc. Vừa qua, gia đình tôi và một số hộ liền kề đã phát hiện dòi và bọ vòi voi gây hại lúa, theo hướng dẫn của HTX NN, tôi đã phun thuốc diệt trừ kịp thời, bước đầu thấy hiệu quả.

Trà lúa xuân sớm của huyện Vũ Thư hiện đã gieo cấy được 3 - 4 tuần, cây lúa ra từ 2 - 3 lá, bộ rễ đã ổn định. Lúa đại trà được nông dân gieo cấy tập trung từ ngày 1 - 15/2, lúa cấy đang trong giai đoạn bén rễ, lúa gieo thẳng ra từ 1 - 2 lá, tuy nhiên một số diện tích gieo cấy cuối khung thời vụ (kết thúc ngày 22/2), cây lúa mới gieo cấy 5 - 6 ngày đã gặp thời tiết rét.

 Nông dân chỉ tiến hành dặm tỉa, bón phân cho lúa khi thời tiết ấm lên, nhiệt độ ngoài trời khoảng 20 độ C.

Bà Đỗ Thị Ngân, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vũ Thư cho biết: Những ngày này, nhiệt độ giảm sâu, trong khi cây lúa mới gieo cấy, bộ rễ chưa đủ khỏe, để tránh thiệt hại cho cây lúa, chúng tôi hướng dẫn nông dân kiểm tra toàn bộ diện tích, khẩn trương đưa nước vào ruộng với mực nước láng chân để lấy nước làm áo, giữ ấm cho cây lúa. Khuyến cáo bà con tạm dừng việc tỉa dặm, bón phân, đặc biệt phân đạm đơn và sử dụng thuốc trừ cỏ khi nhiệt độ dưới 150C. Thời điểm này, bà con có thể phun một số loại phân kích thích rễ giúp cây lúa phát triển bộ rễ; chủ động dự phòng mạ để tỉa dặm bổ sung sau đợt rét. Khi thời tiết ấm lên, nhiệt độ đạt từ 200C trở lên, bà con kịp thời chăm sóc, tiến hành dặm tỉa sớm để bảo đảm mật độ đồng đều từ 100 - 120 cây/m2. Trong khi dặm tỉa, cần duy trì mực nước ruộng 3 - 5cm tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh. Chúng tôi hướng dẫn nông dân sau khi dặm tỉa xong, bón từ 10 - 12kg phân NPK/sào, tập trung ngay từ đầu vụ, không bón lai rai, không bón đạm đơn. Bà con nên sử dụng các loại phân hữu cơ, vi sinh, phân bón qua lá như ET, KH, giúp cây lúa nhanh phục hồi, đẻ nhánh tốt.

Nông dân giữ mực nước mặt ruộng hợp lý, lấy nước làm áo, giữ ấm cho cây lúa mới gieo cấy.

Mặc dù vừa mới hoàn thành gieo cấy lúa xuân nhưng qua kiểm tra, trên đồng ruộng của nhiều xã, thị trấn đã phát sinh một số loại sâu bệnh gây hại, đặc biệt mới xuất hiện loại dòi hại đứt lá lúa, thân cây lúa và bọ vòi voi hại rễ lúa. 

Bà Lê Thị Thu Hồi, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vũ Thư cho biết, đơn vị đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân quan tâm duy trì mực nước nông tại ruộng để giảm tình trạng gây hại của dòi và bọ vòi voi. Khi thời tiết ấm và tạnh ráo, khẩn trương phun trừ dòi và bọ vòi voi, nên phun vào lúc chiều tối để đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, ốc bươu vàng hiện gây hại mạnh trên đồng ruộng, đặc biệt là các diện tích lúa gieo thẳng. Nông dân cần đặt lưới, phên chắn để ngăn ốc bươu vàng theo dòng nước xâm nhập vào ruộng, nên bắt thủ công để bảo vệ môi trường. Bà con thường có thói quen trộn phân đạm với thuốc diệt ốc nhưng chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng cát thay cho phân đạm để trộn cùng thuốc diệt ốc; tránh bón đạm đơn xuống đồng ruộng, không tốt cho lúa và có thể gây chết lúa trong điều kiện thời tiết rét đậm hiện nay.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày