Thứ 2, 29/04/2024, 22:41[GMT+7]

Nông nghiệp công nghệ cao

Thứ 6, 28/04/2017 | 18:09:38
334 lượt xem
Bên lề hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình tổ chức ngày 8/4 vừa qua, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam.

Phóng viên: Hôm nay, về dự hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Thái Bình, ông có dự án với quy mô và diện tích như thế nào?

Ông Trương Gia Bình: Hiện tại thì sau cuộc hội thảo “Quản trị và khởi nghiệp” tổ chức ngày 18/12 năm ngoái, có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự, chúng tôi đã đề xuất tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao. Đó là khu hình thành đầy đủ, khép kín tất cả các công đoạn liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao, từ giống cho đến xuất khẩu. Thái Bình sẽ là khu đầu tiên.

Phóng viên: Ông có thể nói rõ trong tổ hợp đó có bao nhiêu doanh nghiệp và các công đoạn khép kín sẽ mang lại lợi ích kinh tế như thế nào?

Ông Trương Gia Bình: Sự khác biệt của tổ hợp công nghệ cao là tạo ra một khu để tất cả các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao có thể nhanh chóng đầu tư vào và đi theo hướng chuyên sâu: người sẽ lo về giống, người lo về phân bón, người lo về thuốc bảo vệ thực vật, người lo về các phụ kiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như nhà màn, công nghệ tưới, tiêu, thiết bị máy móc và các dịch vụ liên quan đến công nghệ cao, kể cả logistics.

Phóng viên: Với sự hợp tác theo chuỗi như thế thì hiệu quả kinh tế sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Gia Bình: Chúng tôi quy hoạch khoảng 3.000ha và dự kiến là 5.000 tỷ đồng. Quan trọng nhất là tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp khi mong muốn đầu tư thì có thể thủ tục do các doanh nghiệp tiến hành rất là nhanh. Phải nói rằng Thái Bình đã hỗ trợ rất mạnh mẽ trong việc tích tụ đất đai, tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn để các doanh nghiệp đến đầu tư.

Phóng viên: Hiện tại, Tập đoàn của ông tham gia vào phần nào trong chuỗi tổ hợp đó? (ông Trương Gia Bình là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT - PV).

Ông Trương Gia Bình: Tập đoàn FPT định hướng chủ yếu vào vấn đề xuất khẩu và công nghệ phục vụ nông nghiệp công nghệ cao.

Phóng viên: Theo ông, đâu là những khó khăn doanh nghiệp sẽ gặp phải khi đầu tư vào lĩnh vực này?

Ông Trương Gia Bình: Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam bấy lâu nay chưa coi nông nghiệp là một cơ hội của mình. Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao đưa ra thông điệp và tập hợp lực lượng, rằng đây là cơ hội của đất nước và các bạn có điều kiện thành công với nông nghiệp công nghệ cao. Thứ hai, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và người nông dân có thể trở thành công nhân nông nghiệp. Thứ ba, chúng tôi tiếp thu công nghệ cao từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới, ví dụ như Israel, Mỹ, Nhật Bản… Chúng tôi chuyên môn hóa tạo thành chuỗi liên kết các doanh nghiệp để chúng ta không còn vấn đề như mất mùa - giá cao, được mùa - mất giá…

Phóng viên: Trong tích tụ đất đai, Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam sẽ có sự hợp tác như thế nào với nông dân hoặc với hợp tác xã để đảm bảo lợi ích giữa các bên?

Ông Trương Gia Bình: Trong đề án cụ thể, với việc đưa ra những định mức phù hợp với người nông dân, được nông dân đồng thuận, hy vọng rằng người nông dân sẽ có thu nhập gấp hai, gấp ba lần.

Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn cơ sở nào giúp người nông dân có thu nhập gấp 2 - 3 lần?

Ông Trương Gia Bình: Bởi vì hiện nay việc khai thác đất đai bằng hộ nhỏ lẻ rất cản trở vấn đề như là vốn, rất khó khăn trong việc tiếp thu công nghệ hiện đại và tiếp cận thị trường. Doanh nghiệp sẽ thay mặt người nông dân làm những điều đó, và người nông dân sẽ trở thành những chuyên viên của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phóng viên: Tức là khi mình thuê đất tại xã đó thì mình sẽ thuê nhân công, mình hướng dẫn, chuyển giao cho họ?

Ông Trương Gia Bình: Người nông dân sẽ được đào tạo để có thể tiến hành thực hiện các công việc của mình theo công việc được giao.

Phóng viên: Về vốn, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, vậy doanh nghiệp sẽ huy động vốn bằng hình thức như thế nào?

Ông Trương Gia Bình: Các doanh nghiệp bấy lâu nay, một là nguồn vốn từ chính mình, tức là vốn do kinh doanh đã có từ trước. Hai là với doanh nghiệp mới khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao thì họ có thể huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Một nguồn vốn khác rất quan trọng mà chúng tôi đang muốn hợp tác cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tạo ra một cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp có thể vay được vốn đầu tư cho nông nghiệp. Cụ thể, có mấy khó khăn mà chúng ta phải vượt qua: thứ nhất là thế chấp bằng gì, doanh nghiệp làm gì để giải bài toán thế chấp, thứ hai là các ưu đãi ra sao, thứ ba là thời hạn vay vốn như thế nào. Những vấn đề này chúng tôi sẽ thảo luận với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tìm ra công thức vừa tốt để cân bằng được quyền lợi của ngân hàng và các nhà đầu tư.

Phóng viên: Vừa rồi có gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, hiện đang chờ hướng dẫn, ông đã đặt vấn đề với ngân hàng nào?

Ông Trương Gia Bình: Không, trước mắt chúng tôi phải làm về quy chế với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã. Chúng tôi có ba điểm cần phải bàn thảo rất nhiều như đã nói. Về giải pháp cho vấn đề thế chấp, tùy thuộc vào quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu không cẩn thận chúng ta có gói nghìn tỷ nhưng không doanh nghiệp nào động vào được.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hương Giang 

(Thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày