Thứ 3, 30/04/2024, 14:12[GMT+7]

Côn Giang thủy bất năng lưu

Thứ 6, 06/10/2023 | 10:01:29
7,988 lượt xem
Theo nguồn cổ sử, lưu vực Nam sông Trừng Hoài nay là các xã Thái Giang, Thái Phúc, Thái Dương (nay thuộc xã Dương Hồng Thuỷ), Thái Hòa, Bắc sông Trừng Hoài đến Cổ Dũng (Đông La, huyện Đông Hưng) xưa là hương Cổ Lan, thời đầu Trần (1226 - 1400) là Long Khê - Kẻ Lũ, cuối thời Trần là Thần Khê - Cổ Lan, kẻ Gú (Cổ Dũng - Lang Phố, Chiềng Hoài) chung địa bàn hành chính, gắn bó chặt chẽ, sâu sắc. Đây cũng chính là địa bàn lợi hại để các nhà quân sự của các triều đại phong kiến chọn làm đất dụng binh.

Bài Cát trang xưa và nay là khu vực các xã Đồng Hòa, phường Hoàng Diệu một phần xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình và xã Đông Dương, huyện Đông Hưng, nơi diễn ra nhiều trận đánh chống giặc Lương thế kỷ VI.

Các bậc hiệt kiệt thời xưa có con mắt “nhìn xa, trông rộng” đã chọn vùng đất “ven bờ, cuối bãi” ba mặt sông, một mặt biển làm nơi đồn trú, xây dựng nghiệp binh đánh tan giặc dã, bảo vệ bờ cõi, giang sơn. Cuộc khởi nghĩa chống giặc Lương xâm lược thế kỷ VI là một minh chứng. Các nghiên cứu cho biết, Lý Bí vì căm giận Tiêu Tư tham tàn bạo ngược, vì thương dân chúng “trong bị vơ vét tận cùng, ngoài bị quân Lâm ấp vào cướp phá”, ông đã cáo quan về Thái Bình dấy binh. Về mặt cơ binh, Lý Bí tranh thủ anh em con cháu nội ngoại tộc đồng lòng. Anh cả Lý Thiên Bảo cùng cháu họ là Lý Phật Tử, Lý Bảo Quốc được chọn làm nòng cốt từ đó liên kết với các hào kiệt trong vùng kể cả những người đang trong bộ máy cai trị của nhà Lương có lòng yêu nước thương dân như Triệu Túc tù trưởng Chu Diên, trưởng vùng cửa Bài Cát trang (nay là khu vực xã Đông Hòa, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình), xã Đông Quang (huyện Đông Hưng) là Lê Ngọ đến các bậc danh tài như Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Quang Phục, từ các hào kiệt phát triển thành lực lượng nòng cốt lập đội quân khởi nghĩa. Trong đó, Lý Bí, vị thủ lĩnh tối cao đã chọn xây dựng căn cứ quân sự của kháng chiến trên vùng đất ba mặt sông, một mặt biển (nay là Thái Bình). Bằng đức độ và uy tín, bằng mưu lược hoạch định chiến lược, sách lược được hào kiệt các châu huyện tin theo, hưởng ứng, đặc biệt khi tù trưởng Chu Diên đem quân theo về đã hình thành được căn cứ chủ đạo Thái Bình - Chu Diên. Tại Thái Bình còn dấu tích 3 căn cứ lớn của Lý Bí ở ven sông Trà Lý và sông Diêm Hộ.

Truyền kể rằng, thời điểm thế kỷ V - VI, trong lúc vận nước long đong thì ở khu Đông Thành, xã Hương Cần, tổng Lương Khê, huyện Hoàng Hoá, phủ Hà Trung, đạo Ái Châu (nay là tỉnh Thanh Hoá) có một cự gia họ Lê, huý là Ngọ Công, hiệu là Quốc Công, thân “trường” sáu thước, sức nặng trăm cân, võ nghệ tinh thông, giỏi Thái công binh pháp, sức mạnh địch cả trăm người. Gia thế Lê Ngọ 3 đời danh bảng vốn dòng trâm anh lệnh tộc do vậy nhiều người tài cao thuật giỏi. Nghe tin xứ Hà Trung có nhân tài, vua liền sai sứ thần về tận quê triệu Lê Ngọ về triều. Lê Ngọ nhận chỉ nhà vua cùng 5 người thuộc hạ theo sứ về kinh làm lễ yết kiến. Vua thấy Lê Ngọ tướng mạo đường đường, cao lớn khác thường, râu dài một thước, mặt đỏ như mặt trời, từ ức đến chân lông mày dài một tấc, vua thấy làm lạ mới hỏi han về tài hay thuật giỏi. Lê Ngọ cúi đầu bái tạ, tấu đối lưu loát, thông thiên văn, tường địa lý. Vua thấy vậy rất hài lòng liền sắc chỉ phong Lê Ngọ làm Đốc Lĩnh hầu, thăng nhiệm vụ chức quan phủ Tân Hưng. Đốc Lĩnh hầu xe ngựa về phủ Tân Hưng cùng gia nô thăm thú cảnh phủ. Một hôm, Đốc Lĩnh hầu đến Bài Cát Trang, nhân dân nam phụ, lão, ấu tưng bừng ra đón quan còn mổ lợn đen làm lễ bái hạ quan phủ, quan phủ dừng xe trú lại. Lúc đó có nhà họ Đỗ, huý Viên công, vợ là Trần Thị Hai tuổi ngoại tứ tuần, sinh được một gái đặt tên là Hoan Nương, tuổi trăng rằm, Hoan Nương nhan sắc “chim sa, cá lặn” khiến nhiều giai nhân đi ngang qua cũng không tránh được cảnh “đắm nguyệt say hoa” bởi Hoan Nương ngôn dung nhị hạnh, tứ đức vô hà. Thấy quan Đốc Lĩnh hầu tướng mạo uy dũng, vợ chồng họ Đỗ nhất quán cho Hoan Nương về làm hầu thiếp. Đốc Lĩnh hầu nể phục Đỗ gia liền sai người mang một hốt vàng tới nhà Đỗ công làm sính lễ. Quan phủ sai giai nhân cùng nhân dân trang Bài Cát xây dựng du cung hình đất chính ngôi, trước có dòng nước uốn quanh, sau có kim tinh dẫn mạch chầu về cung chính làm liên tục trong một tuần trăng thì hoàn thành. Quan phủ đón Hoan Nương phu nhân về du cung. Ba tháng sau, quan phủ lại được triều đình ban chức làm “Thống lĩnh tiền quân thăng nhậm đạo Sơn - Tây”, muôn dân mừng vui, đàn ca sáo nhị tưng bừng lối ngõ. Nơi du cung, Hoan Nương phu nhân sinh hạ hai nam tử, tướng mạo lạ kỳ, vua nhận tin thấy lạ liền lệnh trấn quan đưa phu nhân và hai hài nhi về phụng thị. Trấn quan phụng mệnh vua, lập tức đưa hai hài nhi về tâu vua, nhà vua ngắm nhìn hai hài nhi đúng như lời của trấn quan tấu trước đó liền phái văn võ bá quan: Hai con trai của trấn quan sau này ắt văn võ kiêm toàn, con nhà dòng dõi có tài hộ quốc, tế thế an dân. Phán xong, vua ban cho 30 hốt vàng để Hoan Nương phu nhân nuôi dưỡng hai hài nhi. Vua còn đích thân đặt tước tên cho hai hài nhi, một là Mộc Hoàng hầu, một là Vương Vị hầu. Được nhà vua ân sủng lại được Hoan Nương dốc lòng chăm chút, Mộc Hoàng hầu và Vương Vị hầu lớn khôn, cùng theo học với hai anh con đệ nhất phu nhân của Lê Ngọ là Lê Điện, Lê Á. Thời điểm nhà vua mở khoa thi chọn người tài giúp nước, anh tài trong thiên hạ một lần nghe chiếu nhà vua nô nức về kinh ứng thí. 4 anh em họ Lê ở Bài Cát Trang sánh vai về kinh ứng thí. 4 anh em họ Lê trổ tài võ nghệ mà hổ báo nghe tiếng gió cũng khiếp vía kinh hồn, thi văn nét chữ như rồng bay, phượng múa, ngôn từ tâu đối như lưu, muôn vật thông suốt. Ngự chấm thi, vua cho 4 anh em họ Lê là bậc danh tài nhất hạng trong toàn thiên hạ, phong cho làm Hào quan lưu lại giúp việc trong triều đình.

Các tài liệu khảo cứu cho biết, khoảng những năm 530 - 550, nước nhà có giặc Lương sang xâm lược, quan quân đạo kinh Bắc chống đỡ không nổi, quân sĩ tử trận nhiều quá nửa, giặc đông quân tấn công mạnh, tin cấp báo về kinh thành, vua liền triều văn võ bá quan bàn bạc chống đỡ. Bá quan văn võ hầu hết bàn lùi, chấp nhận thua giặc, chỉ có 5 cha con Lê Ngọ là không khuất phục, xin nhà vua cho lãnh quân đến nghênh chiến với kẻ thù. Vua đồng ý cho tướng quân Lê Ngọ cùng 4 con trai tuyển mộ binh gồm 4 vạn hùng binh, 300 thuyền chiến, 10 viên tướng chỉ huy. Vua cả mừng liền phong cho Ngọ Công chức Đô Thiện nguyên soái đại tướng quân, Lê Điện là Tả đạo binh nhung tướng quân, Á Thánh làm hữu đạo binh nhung tướng quân, Mộc Hoàn là tiền đạo thông quảng nhị quân thuỷ bộ tướng quân, Vương Vị làm hậu đạo đốc vận lương thuyền tướng quân. Trải trăm trận giao chiến, giặc Lương bỏ chạy, binh mã tiêu hao, tàn binh ùn nhau xuống cửa Cun hòng chạy ra biển thoát thân.

Tìm trong sử cũ, nam cửa Cun (Côn Giang) có 2 cồn lớn. Cồn Phát (sau có tên Phất Lộc, xã Thái Giang, huyện Thái Thuỵ), nơi có nhiều mộ gạch cuốn và cư dân Việt - Mường với mã tộc Bùi rộng tới trên 200 mẫu Bắc Bộ. Cồn Lang Phố, sau đổi là Xuân Phố (xã Thái Phúc, huyện Thái Thuỵ) khởi nguồn từ Vị Thủy (xã Dương Hồng Thuỷ) qua Nha Xuyên, Phúc Khê (xã Thái Phúc) thành dải phân cách giữa biển cổ và đồng cũ, chế ngự hai cửa sông Diêm Hộ và sông Trà Lý. Danh nhân văn hoá Lê Quý Đôn trong “Vân đài loại ngữ” có dẫn sách “Quảng Đông tân ngữ” chép rằng: “Người vùng biển (ý chỉ vùng đất Thái Bình nay) làm giầu về ruộng cát. Họ mua ruộng cát, lại tranh nhau lấy ruộng sa quần. Vì sa quần dễ sinh phù sa, có người có 100 mẫu mà nó sinh ra lợi được mấy trăm mẫu”.

Quang Viện 

  • Từ khóa

Xuân Trường - 3 tháng trước

Cho em hỏi hiện nay đền thờ tướng quân Đại Nguyên Soái Lê Điện hiện có phải vẫn ở Thôn Phương Cúc, xã Đông Dương hay không, vì có Miếu Chàng thì đang thờ tướng quân Lê Ngọ rồi

Lê Văn Huy - 7 tháng trước

Các xã minh tân ,bình thạnh ,hồng tiến bình định nam bình vào thời trần vẫn là các cồn cát ,ở tại các xã này nhất là bình thanh và mình tân đã diễn ra trận đánh giữa quân nhà trần và giặc nguyên ,đợt đánh này là lần 3 ,dưới lòng đất vẫn. Còn dấu tích các thuyền làm nguyên cả cây gỗ ,mong tỉnh thái bình tìm lại

Tải thêm