Thứ 3, 30/04/2024, 08:27[GMT+7]

Phù Lưu cố cảnh

Thứ 6, 13/10/2023 | 17:04:16
6,109 lượt xem
Chuyện quan tri phủ Cổ Lan sinh hạ được người con gái sắc nước nghiêng thành khiến Đinh Tiên Hoàng “ngẩn người” quyết lập thành Hoàng hậu được ghi chép trong ngọc phả, thần tích của đền “Tỉnh Nương thánh mẫu” như sau: “Một đêm phu nhân Đỗ Thị Lan Hoa nằm mộng thấy nhặt được chiếc gương vàng, sau giấc mộng ấy phu nhân có thai. Ngày 3 tháng Giêng năm Ất Mão (955) bỗng thấy hương thơm đầy nhà, khí thụy rực rỡ, phu nhân trở dạ sinh hạ một người con gái, long nhan mắt phượng, mặt như bích phấn, lên 5 tuổi đã biết âm luật nhạc, văn tự chưa giáo hóa đã biết quy mô, quan phủ cho đi học vài năm văn chương đã xuyến triệt, võ bị tinh thông, cưỡi ngựa bắn tên thế gian khó địch nổi...

Đình Tàu, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng.

Làng Phù Lưu (còn gọi là làng Phù hay làng Tàu), thời nhà Trần (1226 - 1400) là trung tâm huyện lỵ Cổ Lan, sau thời nhà Trần đổi thành huyện Tây Quan cho đến thế kỷ XIX chuyển thành tổng Đồng Vi, huyện Đông Quan và nay là huyện Đông Hưng. Làng Phù Lưu chia thành nhiều thôn, hiện ở thôn Bắc có miếu thờ 4 vị tướng họ Đinh (là con trai tướng công Đinh Công Đoan và là anh của Hoàng hậu Tỉnh Nương). Quan tri phủ Đinh Công Đoan, thân phụ Tỉnh Nương quê Lam Sơn, Châu Ái, Lương Giang, phủ Thiệu Thiên (Thanh Hóa) vốn là tướng văn võ toàn tài, đi theo Ngô Quyền lập được nhiều công lao, được phong chức tri phủ Cổ Lan (nay thuộc huyện Đông Hưng). 

Sử cũ ghi: Năm 930 vua Nam Hán sai tướng Lý Khắc Trinh bất ngờ đem quân vây đánh thành Đại La, quân các châu, phủ không kịp tiếp viện, Khúc Thừa Mỹ mất thành, bị bắt. Năm 931 bộ tướng Khúc Thừa Mỹ là Dương Đình Nghệ đem quân đến chiếm lại thành. Vua Nam Hán sai thừa chỉ Trần Bảo sang cứu nguy song không kịp, Đại La đã được giải phóng. Lý Tiến chạy thoát, Trần Bảo bị vây, thua lớn, chết tại trận. Dương Đình Nghệ thay chủ cũ (Khúc Thừa Mỹ) trông coi việc nước. Kiều Công Tiễn phản chủ, giết Dương Đình Nghệ để tranh quyền. Con rể của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền đem quân từ Ái Châu ra Đại La, đến cửa Vàng (cửa sông Hồng với sông Trà Lý, còn gọi là Vường) hội quân với Trần Lãm, đến cửa Luộc hội quân với Phạm Phòng Ất cùng con em cửa Bố (Kỳ Bá), Đằng Châu (bao gồm Hưng Yên và Tiên Hưng, Duyên Hà, Hưng Nhân) và đại thần Ngô Tôn Tư về Đại La giết Kiều Công Tiễn. Vua Nam Hán là Lưu Cung nghe tin nước ta có loạn liền cho con là Vạn Thắng vương Hoàng Thao làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đổi tước phong là Giao vương đem quân theo đường biển để đánh nước ta. Đích thân vua Nam Hán đóng quân ở Hải Môn để thanh viện, đại quân ta bầy trận địa cọc ngầm trên sông Bạch Đằng, năm 938 Hoàng Thao tử trận, quân Hán thua lớn. Mùa xuân năm 939 Ngô Quyền chính thức lên ngôi, lập vương triều, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc mở đầu thời kỳ độc lập dân tộc.

Theo các tài liệu khảo cứu, không lâu sau khi Ngô Quyền lên ngôi vua, quan tri phủ Đinh Công Đoan và phu nhân bị ác phong cảm, cùng chết vào mồng 10 tháng 10. Năm anh em dâng biểu tâu lên Ngô Vương Quyền, nhà vua cho 30 hốt vàng để làm lễ khâm liệm đưa về quê an táng. Cũng không lâu sau đó, đến lượt Ngô Vương Quyền mất, đất nước lâm vào cảnh loạn 12 sứ quân. Tại làng Phù Lưu năm người con của tri phủ Cổ Lan là Đinh Công Đoan nối chí cha đã đứng ra chiêu tập binh mã, xây dựng lực lượng tại Phù Lưu, dựng 3 đồn lũy, lập 1 đồn ở trang Cổ Dũng (nay là xã Đông La, huyện Đông Hưng) và một đồn ở khu Giống để chống cự với các sứ quân. 

Sử cũ chép: Gặp loạn 12 sứ quân, Tỉnh Nương đã cùng các anh trai tham gia lập đồn trại, chiêu dụ nhân tài đánh dẹp. Một lần thị sát vùng Kỳ Bố, Đinh Tiên Hoàng xa giá đến vùng đất Cổ Lan viếng cổ nhân tri phủ Đinh Công Đoan thấy Tỉnh Nương nhan sắc tuyệt trần bèn lập làm Trinh Minh hoàng hậu, tước hiệu Đệ Nhị Cung Phi, vua giao cho bà cai quản nội cung... Đinh Bộ Lĩnh phong tước cho 4 anh em hào trưởng họ Đinh: Đinh Dương Xá làm Binh nhung tướng quân, giữ đạo Hải Đông; Đinh Uy Linh làm Thống chế tướng quân, giữ đạo Sơn Tây; Đinh Đại Mộc làm Đốc lĩnh tướng quân, giữ đạo Tuyên Quang; Đinh Bắc Phương làm Thái tướng quân giữ đạo Đồng Châu. Các sắc phong thần và câu đối tại đền “Quốc mẫu” ở làng Phù Lưu ghi rõ: “Phù Lưu xã, phụng sự Đinh triều Hoàng hậu (hay Quốc Mẫu Từ)”. 

Ngọc phả cũng ghi rằng: “Cung Phi có thai, sinh cho Đinh Tiên Hoàng một Hoàng tử, sau khi sinh được trăm ngày thì Cung phi không bệnh mà chết vào ngày 12 tháng 10”. Vua bèn gia phong là: “Cung nương như đậu Tỉnh Nương đại thần đoan trang Trinh thục cẩn tiết nhàn uyển Hoàng hậu”.

Sử cũ ghi: “Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai. Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công là người có đức mà không có con nối bèn cùng với con là Liễn đến nương tựa. Minh Công thấy Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường, lại có khí lượng mới nuôi làm con, ơn ưu đãi ngày càng hậu, nhân đó giao cho coi quân”. Khi tuổi cao sức yếu Trần Lãm đã giao binh quyền cho Đinh Bộ Lĩnh. Để thử trí lực của con nuôi, Trần Lãm sai Bộ Lĩnh đắp một gò lớn ở phía Tây thành để làm đài quan sát. Đinh Bộ Lĩnh trong một đêm quật lập được một đàn lớn cao 1 trượng (4m), dân gọi là đống Bo. 

Theo các tài liệu khảo cứu, Đinh Bộ Lĩnh đã liên kết với 4 thổ hào họ Đinh ở Phù Lưu ban cho thao ấn, gươm báu, cho lập các đồn Phù Lưu, Trại Bắc (xã Đông Sơn), Cổ Dũng (xã Đông La) thành chiến lũy mạnh, che chắn cửa ngõ Châu Đằng, lại kết duyên với Đậu Tỉnh (em ruột Đinh Dương Xá) để liên kết hai nhà, thề cùng sinh tử vì đại nghĩa, thanh thế miền Đông lên hẳn. Xa hơn về phía biển, ông thu phục được các tướng Đinh Thành, Đinh Lang, xây dựng căn cứ ở 5 làng Quang Lang, hương binh các làng Vạn Xuân, Bình Lạng, Hoa Diêm, Hổ Đội đều dựng lũy, lấy Quang Lang làm chính đồn để chế ngự biển, từ đó uy danh vang dội.

Dị bản, dân gian làng Phù Lưu còn lưu truyền: Vào thời Ngô Vương Quyền, tại huyện Lương Giang, Châu Ái có cụ Đinh Công Đoan làm quan ở đất Thái Ninh (chỉ vùng Thái Ninh, Thái Bình), phu nhân là Đào Thị Rạng sinh ra được 4 tướng họ Đinh ở Phù Lưu. Đào Thị tạ thế, gà trống nuôi con khó nhọc. Bấy giờ ở làng Đọ (Đỗ) ở Phù Lưu có cụ Đỗ Công, sinh được một trai là Đỗ Thích, một gái là Lan Hoa. Đỗ Công thương Đinh Công Đoan góa vợ đem gả Lan Nương cho. Nhân ngày cưới gặp mưa gió bão bùng, cho là điềm sinh “ba đào thục nữ”, rồi có thai luôn, sau sinh hạ Đậu Tỉnh. Đậu Tỉnh mặt đẹp tựa gương vàng. Đinh Bộ Lĩnh về làm con nuôi Trần Lãm thấy Đậu Tỉnh đẹp, đón vào trướng phủ (sau phong hoàng hậu), ông anh Đỗ Thích vì vậy được nhờ. Vương cho Thích làm quan ở Đồng Quan, hạt Thái Ninh (sau ấp đổi thành Đồng Ông, nay thuộc làng Đồng Hải, xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng). Đỗ Thích đêm nằm mộng thấy có ngôi sao vào miệng, nuốt được, cho rằng sẽ được làm vua. Khi Đinh Bộ Lĩnh đánh thắng 12 sứ quân, bà Đậu Tỉnh ở ngôi hoàng hậu, Đỗ Thích được theo về kinh làm thị vệ. Khi bà Đậu Nương không sinh hoàng tử, về Phù Lưu dưỡng thuốc, lâm bệnh mất ở đấy, Đinh Tiên Hoàng thương, cho chôn cất quan tài đồng, nay là đền thờ quốc mẫu làng Phù Lưu.

Theo chiết tự, chữ “Tỉnh” nghĩa là giếng nước. Trước “Quốc mẫu từ” là giếng nước cổ, các cố lão làng Phù Lưu cũng không ai biết giếng này có từ bao giờ. Giếng có cống nước vào và cống nước ra, người bình thường chui qua lọt, nước giếng lúc nào cũng trong veo.

Quang Viện