Chủ nhật, 05/05/2024, 19:40[GMT+7]

Đông Hưng nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường

Thứ 2, 04/05/2015 | 14:49:37
1,693 lượt xem
Môi trường là một trong những tiêu chí khó trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhưng với những giải pháp thiết thực, huy động sự hưởng ứng của người dân và sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, đến nay, trên 50% số xã ở Đông Hưng đã hoàn thành tiêu chí môi trường.

Công nhân thu gom rác thải xã Đông Xuân (Đông Hưng) phơi rác trước khi đốt.

 

Để đạt được kết quả đó, ngay từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), Đông Hưng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tổ chức thực hiện tiêu chí môi trường tại các xã bằng nhiều hình thức như: lồng ghép vào các chương trình truyền thông, tập huấn, phối hợp với các đoàn thể để tuyên truyền, thông qua hệ thống loa truyền thanh. Tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch cho nông thôn; xây dựng nghĩa trang nhân dân và các khu chôn cất tập trung, xây dựng khu xử lý rác thải cho các xã; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, hầm biogas… Ông Vũ Quý Nhật, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng cho biết: Hàng năm, bằng nguồn vốn sự nghiệp môi trường và vốn mục tiêu quốc gia về môi trường, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện trực tiếp hỗ trợ một số địa phương trong việc thực hiện tiêu chí môi trường, hỗ trợ thu gom và xử lý rác thải, làm đường ra bãi rác, xây dựng bãi rác theo quy hoạch NTM. Cùng với đó, Phòng phối hợp với các đoàn thể, địa phương tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn... thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Về cơ bản, công tác thu gom xử lý rác thải ở các địa phương đã có bước tiến bộ hơn so với những năm trước. Tại nhiều địa phương, tiêu chí môi trường đã được gắn với việc đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, danh hiệu làng văn hóa, gia đình văn hóa, đưa việc bảo vệ môi trường (BVMT) vào quy ước, hương ước của thôn, làng.

 

Trước khi đầu tư xây dựng lò đốt rác thì rác thải là một trong những vấn đề bức xúc của người dân Đông Xuân và là tiêu chí khó để trở thành xã NTM. Đời sống của người dân ngày càng nâng cao nên lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, từ dưới 1 tấn/ngày năm 2011 lên trên 2,5 tấn/ngày năm 2014. Vì vậy, bãi rác chôn lấp của xã với diện tích 5.000m2 không đáp ứng yêu cầu khi mà lượng rác thải sinh hoạt ngày một tăng. Trước những bức xúc đó, cuối năm 2014, Đông Xuân đã đầu tư xây dựng lò đốt rác công suất từ 10 - 12 tấn/ngày do Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp Thái Bình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. Với 2,5 tấn rác/ngày, lò đốt hoạt động khoảng 4 giờ, lượng rác thải rắn được chôn lấp chiếm khoảng 10%, góp phần xử lý triệt để rác thải sinh hoạt hàng ngày, giảm ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, Đông Xuân đã hoàn thành tiêu chí môi trường và trở thành xã NTM cuối năm 2014.

 

Cũng như Đông Xuân, ngay từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã Mê Linh đã coi tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí đầu tiên cần phải hoàn thành. Năm 2012, khu xử lý rác thải tập trung của xã xây xong với diện tích 1,1ha, đạt tiêu chuẩn xa khu dân cư, xa nguồn nước, tránh đầu gió. Rác thải ở các bãi rác tự phát trên địa bàn được xử lý và chuyển về đây, trả lại sự trong lành cho môi trường ở các khu dân cư. Cùng với đó, Mê Linh triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn và thành lập 7 tổ tự quản vệ sinh môi trường tại các thôn. Đây là lực lượng nòng cốt giúp phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh việc thực hiện tốt việc thu gom rác định kỳ, các tổ tự quản còn thường xuyên có mặt trên các tuyến đường là “điểm nóng” của rác thải để quét dọn và nhắc nhở ý thức người dân.

 

Với những nỗ lực trong công tác BVMT, hiện nay môi trường sống ở nông thôn Đông Hưng đã có những chuyển biến và được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tại một số xã vẫn tồn tại những khó khăn khi thực hiện tiêu chí môi trường. Một phần do nhận thức của chính quyền xã và một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường, chưa thực sự quan tâm đầu tư cho hoạt động BVMT, còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước… Giải quyết vấn đề môi trường không phải làm một lần, một đợt là xong mà là công việc thường xuyên, liên tục. Do đó, cùng với ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong BVMT. Thực hiện tốt tiêu chí này, không chỉ môi trường sống ở nông thôn được nâng lên mà còn mang lại nhiều thay đổi, khởi sắc cho diện mạo của các vùng quê.

Minh Nguyệt

 

  • 42/44 xã có tổ thu gom rác thải
  •  43 xã đã quy hoạch khu xử lý rác tập trung
  • Chỉ đạo xây dựng 6 lò đốt rác ở 6 xã, trong đó đã xây dựng thí điểm lò đốt rác tại xã Đông Xuân
  • Dự kiến đến hết năm 2020, Đông Hưng có 50% số xã đầu tư lò đốt rác

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày