Thứ 5, 02/05/2024, 00:04[GMT+7]

Nghị lực vươn lên của nữ chiến sĩ Trường Sơn

Thứ 3, 26/07/2022 | 08:38:27
5,272 lượt xem
Không chỉ là người nhiệt huyết, trách nhiệm với hoạt động của địa phương và tổ chức hội, cựu chiến binh (CCB) Tạ Thị Hạnh, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) bằng nghị lực của người lính Cụ Hồ đã vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở sản xuất nước mắm và chế biến sứa tạo việc làm cho nhiều lao động.

Mô hình phát triển kinh tế của cựu chiến binh Tạ Thị Hạnh (người bên phải) tạo việc làm cho nhiều hội viên và thân nhân hội viên.

Những ai lần đầu tiếp xúc với bà Hạnh, ấn tượng đầu tiên là nụ cười luôn rạng rỡ trên môi người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Tháng 8/1973, đang là công nhân tổ chế biến hải sản HTX Hải Hà, huyện Thái Thụy, nghe theo tiếng gọi của thiêng liêng của Tổ quốc, bà đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Về đơn vị mới, bà nhận lệnh cùng đồng đội vừa hành quân vừa tham gia huấn luyện để tiếp sức cho chiến trường miền Nam. Đến tháng 10/1973, bà nhận lệnh vào chiến trường B, biên chế vào Sư đoàn 473 thuộc Đoàn 559 làm nhiệm vụ tham gia mở đường Trường Sơn dọc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Người con gái nhỏ nhắn với cân nặng chưa đầy 40kg ấy tưởng sẽ không làm được việc gì nhưng lại là tay quốc, tay xẻng khỏe nhất đơn vị, mỗi lần làm nhiệm vụ là đồng đội lại thấy bà xung phong lên đầu tiên.

CCB Tạ Thị Hạnh chia sẻ: Những năm tháng gian khổ, ăn rau rừng, uống nước suối, ngủ với sương ở những điểm cao của dãy Trường Sơn đã tôi luyện cho tôi sự rắn rỏi, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ. Mỗi khi tuyến đường Trường Sơn bị giặc thả bom đánh phá, mạch tiếp tế của quân đội ta bị gián đoạn thì những người chiến sĩ Trường Sơn như chúng tôi lại có mặt để mở đường, rà phá bom mìn còn sót lại. Khi tuyến đường thông thoáng cũng là lúc những đoàn xe lại tiếp tục hành trình vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  

Những ngày tháng làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn, bà Hạnh cùng đồng đội phát quang cây cối, mở đường đưa quân lương vào miền Nam, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Công việc rất vất vả, cộng với khí hậu miền Trung khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài đòi hỏi bà và đồng đội luôn phải cố gắng hết mình. Tháng 6/1974, bà nhận lệnh chuyển sang Tiểu đoàn 674. Tại đơn vị mới, giai đoạn đầu bà nhận nhiệm vụ làm đường nhưng đến năm 1975 thì chuyển sang công việc mới là cùng đồng đội xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, quy tập hài cốt liệt sĩ phân theo khu vực để an táng. Hơn 10.300 ngôi mộ còn nằm đó luôn đau đáu trong lòng bà cho đến ngày hôm nay. Những năm qua, CCB Tạ Thị Hạnh cùng các đồng đội ở Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình đều tổ chức những chuyến hành trình thăm lại chiến trường xưa tưởng nhớ đồng đội và tìm kiếm thông tin về những liệt sĩ quê Thái Bình.

Trở về với cuộc sống đời thường, CCB Tạ Thị Hạnh cùng chồng tiếp tục giữ nghề làm nước mắm gia truyền đồng thời mở thêm cơ sở chế biến sứa bán cho khách hàng 9 tỉnh, thành phố phía Bắc và xuất sang cả nước ngoài. Với hơn 1.500m2 nhà xưởng, bà luôn chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên và 30 - 40 lao động thời vụ. Thời gian cao điểm, cơ sở của gia đình bà xuất bán cả chục tấn sứa, hơn 10.000 lít nước mắm, đạt lợi nhuận cả tỷ đồng/năm. 2 năm trở lại đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà tập trung sản xuất và phân phối hàng cho khách hàng ở các tỉnh miền Trung, miền Nam, nhất là các địa phương có thế mạnh về du lịch. 

CCB Tạ Thị Hạnh cho biết thêm: Gia đình tôi áp dụng quy trình sản xuất sản phẩm sạch bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên được khách hàng đặt mua rất nhiều. Hiện cơ sở của gia đình chủ yếu tạo việc làm cho con em CCB và hội viên có hoàn cảnh khó khăn, có những người đã gắn bó với cơ sở hơn 20 năm.

Ông Vũ Hồng Thái, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình đánh giá: Hội viên Tạ Thị Hạnh là người rất tâm huyết, trách nhiệm với phong trào của tổ chức hội và các hoạt động của địa phương. Không chỉ giỏi phát triển kinh tế mà bà còn sẵn sàng trích một phần lợi nhuận để làm công tác tình nghĩa, an sinh xã hội. Trên cương vị Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Thái Thụy, bà đã làm rất tốt nhiệm vụ tập hợp hội viên, hưởng ứng các phong trào, hoạt động do tổ chức hội phát động; vận động các nhà hảo tâm xây dựng nhà tình nghĩa, giúp hội viên và thân nhân có việc làm ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều năm liền, CCB Tạ Thị Hạnh được Trung ương Hội, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình tặng bằng khen, giấy khen.


Tiến Đạt


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày