Thứ 7, 27/04/2024, 18:54[GMT+7]

Chị Tầm vượt khó làm giàu

Thứ 5, 03/08/2023 | 09:32:20
2,100 lượt xem
Thức dậy từ sáng sớm để chọn mua những con cá, tép biển tươi ngon đem về chế biến làm nước mắm hay những mặt hàng khô xuất khẩu, chị Trần Thị Tầm, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) đã xây dựng thành công cơ sở chế biến thủy hải sản, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Cơ sở chế biến thủy hải sản của chị Tầm thu về hơn 500 triệu đồng/năm.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê ven biển, chị Tầm gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống từ khi còn nhỏ. Chị chia sẻ: Tôi nhớ nhất những ngày nắng chói chang cùng gia đình đem từng cân cá khô, tép khô ra giữa sân nắng để phơi, nếu mải chơi để cá dính nước mưa thì coi như cả vụ cá khô có thể bị hỏng, giá thành sẽ rất thấp. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người dân quê hương, khi lớn lên tôi quyết tâm bám trụ với nghề truyền thống của địa phương.

Năm 2008, chị Tầm dốc toàn bộ vốn liếng tích góp của gia đình thuê hơn 7.000m2 đất xây dựng cơ sở chế biến thủy hải sản. Thời điểm ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, chị phải vay mượn nhiều nơi để có vốn mua nguyên liệu sản xuất. Hội Nông dân thị trấn Điêm Điền đã đứng ra tín chấp với các ngân hàng giúp gia đình vay vốn, duy trì sản xuất ổn định. Hiện nay, cơ sở có thể chế biến hơn 10 tấn thủy sản/ngày nhưng do nguồn nguyên liệu hạn chế nên chỉ thu mua và chế biến từ 5 - 6 tấn thủy sản/ngày. Bình quân mỗi tháng cơ sở chế biến từ 150 - 180 tấn thủy sản, thu về từ 40 - 50 tấn sản phẩm cá khô, tôm khô. Ngoài ra, chị Tầm còn nuôi thả cá vược, cá song trên diện tích gần 2.000m2 ao. Sau khi trừ chi phí mô hình thu về hơn 500 triệu đồng/năm.

Để sản phẩm đạt chất lượng tốt, chị Tầm đầu tư xây dựng kho bảo quản, hệ thống tủ sấy bằng điện. Theo chị, chi phí đầu tư ban đầu từ 300 - 400 triệu đồng cho kho lạnh bảo quản và tủ sấy điện nhưng hiệu quả sản xuất có thể tăng từ 25 - 30%. Các sản phẩm cá khô, tôm khô có thời gian bảo quản dài hơn, quá trình xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bảo đảm được chất lượng sản phẩm. Những phụ phẩm sau chế biến chị Tầm phơi khô, nghiền nhỏ cùng với thức ăn chăn nuôi để cho cá ăn, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường. Với mô hình này, gia đình chị Tầm tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, hàng chục lao động thời vụ với thu nhập bình quân từ  4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thái Thụy chia sẻ: Chúng tôi tập trung tuyên truyền, vận động hội viên và các cơ sở hội bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế, nhất là phát huy lợi thế của huyện ven biển, tập trung vào các ngành nghề khai thác, chế biến thủy hải sản. Với địa bàn thị trấn Diêm Điền, Hội Nông dân huyện duy trì tốt mô hình các chi hội nghề nghiệp, trực tiếp là các hội viên nòng cốt trong nuôi trồng và chế biến thủy hải sản như gia đình chị Trần Thị Tầm. Hội Nông dân huyện tín chấp với các ngân hàng giúp hội viên vay vốn đầu tư sản xuất; tuyên truyền hội viên không khai thác thủy sản bất hợp pháp; hỗ trợ hội viên tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các hội viên thường xuyên giúp đỡ nhau trong phát triển chi hội nghề nghiệp, hỗ trợ vật tư, giống, nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm. Tập trung tuyên truyền hội viên xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đưa sản phẩm OCOP của địa phương đi giới thiệu, quảng bá và bày bán tại Ninh Bình, Thanh Hóa hoặc đưa lên các sàn thương mại điện tử. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác hội cũng như phát triển kinh tế địa phương như gia đình chị Trần Thị Tầm, tạo động lực để hội viên hăng say phát triển kinh tế.

Chị Trần Thị Tầm sử dụng phụ phẩm sau chế biến để làm thức ăn chăn nuôi.

Tiến Đạt - Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày