Thứ 5, 02/05/2024, 22:44[GMT+7]

Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

Thứ 2, 03/08/2015 | 14:48:57
1,114 lượt xem
Với một cơ ngơi khang trang cùng chuỗi cửa hàng kinh doanh điện tử, điện lạnh uy tín đã giúp ông và gia đình có cuộc sống sung túc. Nhưng, để có được thành công như ngày hôm nay, ông đã phải trải qua biết bao đau đớn của vết thương chiến tranh. Ông là thương binh hạng 1/4 Vũ Ngọc Thành, sống tại khu 2, thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ).

Thương binh hạng 1/4 Vũ Ngọc Thành (người bên trái) giới thiệu sản phẩm với khách hàng.

Sinh ra và lớn lên tại xã An Thanh, miền quê giàu truyền thống cách mạng, năm 1971, khi đang học Trường cấp 3 Phụ Dực, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Vũ Ngọc Thành xung phong lên đường nhập ngũ, đóng quân ở chiến trường B1 thuộc tỉnh Quảng Nam. Ngày đó, xác định đã ra đi là ít có cơ hội trở về bên gia đình bởi tính chất khốc liệt của cuộc chiến tranh nhưng với lòng tự hào của dân tộc đã thôi thúc ý chí trong người thanh niên trẻ.

Ông tâm sự: “Là một thanh niên sinh ra trong thời chiến, tôi luôn ý thức được một điều: Muốn đất nước được độc lập, quê hương giàu mạnh, mỗi người dân Việt Nam phải sẵn sàng lên đường chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc”. Năm 1976, trong một trận chiến đấu ác liệt với quân địch, ông bị thương nặng với các vết thương ở não và toàn bộ vùng bụng, phải cắt đi, nối lại nhiều đoạn ruột. Tưởng chừng nằm lại nơi chiến trường nhưng sự nỗ lực của các y bác sĩ dần giúp sức khỏe của ông hồi phục và sau đó được chuyển ra Bắc. Với bản tính ham học tập, cũng trong năm 1976 sau khi sức khỏe có chuyển biến tốt, người thương binh ấy đã miệt mài ôn tập và thi đỗ Trường Thương nghiệp (nay là Trường Đại học Thương mại) và đến năm 1979 trở về làm tại Công ty Thương nghiệp huyện Quỳnh Phụ. Làm việc trong những năm tháng của thời kỳ bao cấp với đồng lương ít ỏi, trong khi vết thương thường xuyên tái phát phải điều trị nhiều lần ở Bệnh viện 108 là những ngày tháng vô cùng khó khăn với ông. Năm 1992, Công ty Thương nghiệp huyện Quỳnh Phụ giải thể, ông xin về nghỉ. Năm 1995, ông đã bàn bạc cùng vợ mở cửa hàng kinh doanh đồ điện tử, điện lạnh. Ngày đầu mới mở, cửa hàng gặp rất nhiều khó khăn do vốn ít lại chưa có kinh nghiệm kinh doanh.

Thấm nhuần lời Bác Hồ dặn: “Thương binh tàn nhưng không phế”, cộng với việc được rèn dũa trong quân đội đã tạo cho ông ý chí luôn luôn chiến đấu, luôn luôn vượt lên chính mình. Ông cho biết: “Cuộc sống luôn biến động nhưng mình phải vững vàng, dù có đau đớn, khó khăn nhưng cũng vượt qua”. Sau nhiều năm làm ăn, cửa hàng của ông đã được nhiều khách biết tới và thu nhập từ kinh doanh cũng khá hơn. Với số tiền tích góp được, ông đã mở rộng cửa hàng và đầu tư thêm các mặt hàng phục vụ người tiêu dùng. Hiện tại, cửa hàng của ông có vài trăm mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng. Với uy tín nhiều năm trong kinh doanh, cửa hàng của ông được các hãng điện tử, điện lạnh lớn tin tưởng và chia sẻ. Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất đối với vợ chồng ông là hai người con đều thành đạt và có công việc ổn định.

Giờ đây, khi điều kiện kinh tế đã khá hơn, ông cùng gia đình tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hiện ông là hội viên Hội Cựu chiến binh thị trấn Quỳnh Côi và là hội viên Hội Cựu chiến binh Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của huyện. Vào những ngày lễ, tết, nhất là vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ, ông và các hội viên đều tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ và tích cực đóng góp vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương. Những việc làm của ông đã phát huy được bản chất của người lính Cụ Hồ cả trong thời chiến và thời bình biết vượt qua khó khăn, gian khổ để vươn lên phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày